Bão số 10 đẩy người Arem vào cơn bĩ cực

Trần Hùng Thứ hai, ngày 18/09/2017 16:10 PM (GMT+7)
Cơn bão số 10 đã qua đi được 3 ngày, nhưng sức gió và sự tàn phá khủng khiếp của nó đã khiến cho tộc người Arem ở xã Tân Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) lâm vào hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Nguy cơ thiếu đói đã hiện hữu nơi đây...
Bình luận 0

Không còn gì…

Sau nhiều giờ đồng hồ vượt quãng đường rừng dài 40km với cây cối đổ rạp chắn hết lối đi, chúng tôi có mặt tại bản làng đồng bào Arem (xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch). Một khung cảnh tiêu điều, xác xơ hiện ra với những ngôi nhà bị tốc mái, cây cối đổ rạp hiện ra trước mắt.

“Khủng khiếp các anh ơi, lúc rời hang động ra định cư tới chừ mới thấy bão lớn như này. Gió kèm mưa rít liên hồi, sấm chớp nổ vang trời, các ngôi nhà của bà con trong bản rung lắc dữ dội, tôn và các vật dụng bay khắp nơi” - ông Đinh A Lầu nói trong lo sợ.

img

Những căn nhà bị bão xé nát. Ảnh: Trần Hùng

Theo thống kê sơ bộ, bản Arem bị thiệt hại nặng nề khi bão số 10 tràn qua. 25 căn nhà bị hư hại (15 nhà bị hư hại hoàn toàn), 35ha lúa đang chuẩn bị thu hoạch bị bão đánh tan, 9 con bò và 1 con trâu bị bão “quật” chết.

“Vài ngày nữa thôi là có cái ăn đem vào trong nhà cất rồi, chừ bão nó làm cho ruộng lúa tan tành hết rồi lấy cái chi mà ăn trong nay mai nữa đây, nhìn ruộng lúa bị bão đánh nát tan cầm lòng sao được” - chị Y Huân vừa nói vừa khóc.

Càng đi sâu vào bản, khung cảnh tan hoang hiện ra với các mái tôn bị gió xé nát, vương vãi khắp nơi. Những căn nhà trơ bộ khung bởi gió bão, chăn màn, vật dụng, lương thực dự trữ bị ướt cả. Theo bà con trong bản, những thiệt hại do cơn bão là quá lớn, vượt sức chịu đựng, đặc biệt là những cảnh tượng mà bão gây ra khiến bà con nơi đây rất hoảng sợ.

img

Cơn bão số 10 gây kinh hoàng cho tộc người Arem. Ảnh: Trần Hùng

“Sau bão, hai vợ chồng Đinh Nê quá sợ hãi đã cùng nhau chạy trốn vào hang ở rồi. Mấy ngày ni bọn tui và các con ông Nê đang đi tìm mà chưa thấy đâu”, hàng xóm của vợ chồng Đinh Nê cho biết.

Cánh rừng sưa mà bà con Arem trồng và bảo vệ hiện đã bị bão đánh tan hoang, hàng chục cây sưa to với độ tuổi trên 10 năm ngã rạp.

Nhìn cánh rừng sưa ngổn ngang sau bão, ông Nguyễn Văn Đại - Cháng văn phòng Đảng ủy xã Tân Trạch - chia sẻ: “Tiếc quá, cả một cánh rừng sưa, bấy lâu nay bà con và chính quyền một lòng bảo vệ, thế mà chỉ trong vòng có vài tiếng đồng hồ, hàng chục cây đã bị bão quật nát. Nhìn rừng sưa bị tàn phá mà cứ như có muối xát vào lòng. Chúng tôi tiếc cho công vun trồng, chăm sóc và bảo vệ của bà con dân bản bấy lâu nay”.

Nguy cơ thiếu đói hiện hữu

Trò chuyện với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Chí Sỹ - Bí thư xã Tân Trạch - cho hay, trận bão quá lớn, ngoài sức tượng tượng khiến nhà cửa của 98 hộ ở bản Arem bị thiệt hại nặng nề.

“Ngay từ đầu giờ sáng hôm bão đổ bộ (15.9), chúng tôi đã đưa toàn bộ các hộ ở bản Arem vào trung tâm y tế xã để tránh trú bão. Khoảng 11h đến 13h, mưa gió rít từng đợt liên hồi khoảng cấp 13-14 kèm theo sấm chớp vang trời khiến nhiều ngôi nhà của bà con Arem rung lắc, nhiều mái nhà bị xé nát” - ông Sỹ cho biết thêm.

img

Có lẽ phải rất lâu nữa, người Arem mới ổn định lại cuộc sống. Ảnh: Trần Hùng

Cũng theo ông Sỹ, hiện tình cảnh bà con Arem rất khó khăn, nhà cửa bị bão đánh cho tan tác, các vật dụng thiết yếu trong nhà bị gió cuốn đi. Lúa gạo dự trữ đã bị ướt hết không thể dùng được, ruộng lúa chuẩn bị vào thời kỳ thu hoạch bị bão quét sạch… Nguy cơ thiếu đói đối với dân bản là thấy rõ.

“Hiện nhu cầu thiết yếu của bà con dân bản nơi đây là gạo, dầu ăn, nước mắm… để giải quyết nhu cầu thiếu đói trước mắt, sau nữa là những vật dụng để dựng lại nhà như tôn, gỗ, đinh. Qua báo Dân Việt, rất mong cấp ban ngành, đoàn thể, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước nhanh chóng hỗ trợ để bà con sớm dần ổn định cuộc sống sau trận bão” - ông Sỹ tâm sự.

Tộc người Arem ở Tân Trạch được phát hiện vào năm 1956 với cuộc sống sơ khai như người tiền sử. Họ cư trú trong các hang động và săn bắt hái lượm để tồn tại giữa núi rừng hoang vu. Năm đó, tộc người này chỉ vẻn vẹn 18 nhân khẩu. Sau giải phóng, năm 1982 - 1983, tỉnh Quảng Bình huy động các xã trong huyện giúp cho người Arem làm nhà, cung cấp màn chiếu, bò giống để chăn nuôi. 85 người Arem ở trên bản mới chỉ được chừng 4 năm rồi lại tìm về hang đá. Đến đầu năm 1992, tộc người Arem được Nhà nước hỗ trợ theo dự án Bảo tồn và phát triển những tộc người có nguy cơ biến mất và trụ bản cho tới tận bây giờ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem