Bà Quyết Tâm: Quốc hội phải có chính sách để công nhân làm ít giờ mà thu nhập tăng lên

Lương Kết Thứ tư, ngày 12/06/2019 15:46 PM (GMT+7)
“Ai cũng có nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí, chăm lo con, chứ không thể có nhu cầu đi làm quần quật suốt ngày mười mấy tiếng. Xét trên góc độ đó tôi nghĩ Quốc hội phải đưa ra chính sách làm sao để người công nhân làm ít giờ mà tiền lương, thu nhập tăng lên”, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) nói.
Bình luận 0

img

ĐBQH Nguyễn Thị Quyết Tâm (ảnh quochoi.vn).

Chiều nay (12/6), Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Bộ luật lao động (sửa đổi). Là ĐB phát biểu đầu tiên, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM đã đề cập tới vấn đề làm thêm giờ của người lao động. Theo ĐB đây là vấn đề có tính hai mặt, xem xét ở góc độ nào Quốc hội sẽ đem lại quyền và lợi ích cho người lao động trong quá trình sản xuất, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người sử dụng lao động và người lao động là khó.  

ĐB Quyết Tâm đặt vấn đề, việc làm thêm giờ xuất phát từ nhu cầu gì. Nếu đặt vấn đề làm thêm giờ mà chỉ nhìn ở góc độ để thuận lợi cho người lao động và tăng thêm thu nhập cho họ, xét như vậy có vẻ như quan tâm đến lợi ích của người lao động. Còn đối với người sử dụng lao động, dự luật đưa ra khung pháp lý như vậy người sử dụng lao động mà muốn sử dụng người lao động phải thỏa thuận và được sự đồng ý. Như vậy, khung pháp lý khá rộng so với trước đây để người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận.

Theo ĐB Quyết Tâm nếu xét ở góc độ trên thấy thực sự không có mâu thuẫn, nhưng nếu nhìn vào bản chất vấn đề và sự tiến bộ xã hội, rõ ràng việc đặt vấn đề làm thêm giờ là đi ngược lại với tiến bộ xã hội.

“Chúng ta thử tính một năm người lao động làm bao nhiêu giờ, họ có bao nhiêu thời gian nghỉ ngơi, thời gian phục vụ các nhu cầu khác như xây dựng gia đình, chăm sóc con, học tập, nghỉ ngơi… Nếu đặt vấn đề công nhân có nhu cầu làm thêm giờ không, tôi cho rằng đã hiểu không đúng bản chất vấn đề. Còn nói công nhân có cần làm thêm giờ không, họ rất cần. Cần để có thêm thu nhập, bởi vì với đồng lương hiện nay so với trang trải mọi nhu cầu của cuộc sống tối thiểu thì nó còn eo hẹp”, ĐB Quyết Tâm nói.

Vẫn theo ĐB Quyết Tâm, ai cũng có nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí, chăm lo con, chứ không thể có nhu cầu đi làm quần quật suốt ngày mười mấy tiếng. “Xét trên góc độ đó tôi nghĩ Quốc hội phải đưa ra chính sách làm sao để người công nhân làm ít giờ mà tiền lương, thu nhập tăng lên… Tôi đề nghị Quốc hội nên bàn theo hướng đưa chính sách gì vào Bộ luật lao động (sửa đổi) để cải thiện thu nhập của người lao động, đồng thời để họ có thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc con cái. Có rất nhiều công nhân hàng chục năm không về thăm gia đình được, con gửi về quê cho ông, bà, cha, mẹ nuôi. Có chuyện gì xót xa hơn như vậy không”, ĐB Quyết Tâm nói.

Theo ĐB Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa), đối với doanh nghiệp việc làm theo giờ là vì mục tiêu sản phẩm, còn với người lao động chủ yếu để tăng thêm thu nhập. Việc làm thêm nhiều sẽ không có thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe, chăm lo cho con nên có thể sẽ dẫn tới hệ lụy đáng tiếc.

ĐB Mẫn đề nghị việc làm thêm chỉ cần tập trung vào một số doanh nghệp, ngành nghề chủ yếu và trong một thời gian nhất định.

Phát biểu tranh luận với ĐB Quyết Tâm, ĐB Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) cho rằng: Việc làm thêm giờ là nguyện vọng chứ không bắt buộc. “Con người sinh ra bình đẳng như nhau, ai cũng có mưu cầu hạnh phúc, do vậy có quyền làm thêm giờ để thêm thu nhập cho gia đình có cuộc sống tốt hơn. Bên cạnh đó cần đưa ra quy định rõ ràng đối với một số nghề nghiệp có nguy cơ gây nguy hiểm như lái xe bus, lái xe đường dài chỉ được hoạt động đúng giờ quy định sau đó phải nghỉ không cho tăng thêm giờ, thậm chí quy định số giờ”, ĐB Tuấn nói.

Dự thảo Bộ luật quy định mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt: tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành (từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm).

Theo Ban soạn thảo, việc mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và nhu cầu của một bộ phận người lao động. Mức giờ tăng thêm là tương đối phù hợp xét trên tổng hòa các yếu tố về: điều kiện kinh tế-xã hội; tính cạnh tranh của thị trường lao động và thu hút đầu tư; nhu cầu doanh nghiệp; nhu cầu, sức khỏe và yêu cầu bảo vệ tiền lương của người lao động. Mức tăng giờ làm thêm này cũng chỉ áp dụng đối với một số ngành nghề nhất định và vào các thời điểm nhất định (thời điểm hoàn thành đơn hàng theo mùa, vụ). 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem