Gia Lai: Nhiều "đại gia" rót tiền vào trồng, chế biến nông sản

Trần Hiền Thứ ba, ngày 17/09/2019 19:30 PM (GMT+7)
Trước thực trạng các dòng cây chủ lực như hồ tiêu, cà phê, cao su, điều... đang lao dốc không phanh vì cây chết, mất mùa, mất giá, nhiều địa phương ở Gia Lai đã tìm hướng đi mới, phát triển cây ăn quả. Rút kinh nghiệm từ những bài học trước, lần này địa phương ưu tiên các loại cây trồng có hợp đồng đầu tư, bao tiêu sản phẩm, nhất là ưu tiên phát triển những sản phẩm có nhà máy chế biến.
Bình luận 0

Theo ông Phạm Ngọc Cơ – Trưởng phòng NNPTNT huyện Mang Yang, để giúp người dân phát triển kinh tế, ngành nông nghiệp huyện đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

Vụ mùa 2017 huyện đã chuyển đổi hàng trăm ha đất trồng mì, cỏ chăn nuôi kém hiệu quả sang trồng bơ, sầu riêng, thanh long ruột đỏ, chuối Nam Mỹ. Năm 2018, huyện đã chuyển đổi 56ha sắn kém hiệu quả sang trồng dứa. 

img

 Mỗi năm, ông Nguyễn Tấn Thạch ở huyện Kong Chro thu lãi hơn 200 triệu đồng nhờ trồng na. Ảnh: T.H

“Trước khi trồng dứa, Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đã hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân, cam kết giá tối thiểu là 3.000 đồng/kg, nếu giá thị trường cao hơn thì sẽ mua theo giá thị trường. Bước đầu nông dân trong huyện đã trồng 56ha” - ông Cơ cho biết.

Quyết tâm chuyển đổi cây trồng ở Gia Lai đã có thêm hy vọng, khi Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao vừa khánh thành Trung tâm chế biến rau quả Doveco Gia Lai. Đây là tổ hợp nhà máy chế biến nông sản hiện đại lớn nhất khu vực Tây Nguyên, công suất 52.000 tấn sản phẩm/năm, 500 tấn nguyên liệu/ngày.

Cùng với trung tâm chế biến rau quả Doveco Gia Lai, Công ty Đồng Giao sẽ xây dựng vùng liên kết sản xuất hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị bền vững quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao với diện tích liên kết từ 10.000 - 15.000ha tại Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên. Đây là điều kiện thuận lợi để Gia Lai ổn định diện tích 10.000ha cây ăn quả giai đoạn đến năm 2020.

Theo ông Hà Ngọc Uyển – Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Gia Lai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng là giải pháp giúp người trồng hồ tiêu, cà phê vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, cũng là giải pháp xây dựng nông thôn mới. Nhưng việc lựa chọn cây trồng có hai vấn đề cần quan tâm, đó là phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của địa phương và có thị trường tiêu thụ ổn định, đặc biệt là phải có doanh nghiệp liên kết đầu tư.

“Diện tích mía, cao su, hồ tiêu... kém hiệu quả có thể chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả như sầu riêng, bơ, chanh leo trên cơ sở liên kết với các công ty đã và đang xây dựng các nhà máy chế biến, có thị trường tiêu thụ, cam kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân như Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, Tập đoàn quốc tế Trường Sinh, Công ty cổ phần Nông nghiệp quốc tế HAGL…” - ông Uyển nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem