TIN NÓNG 24 GIỜ QUA: Đường dây mua bán trinh nữ sinh liên tỉnh (kỳ cuối); táo tợn vào ngân hàng cướp tiền

A.Đ (t/h) Thứ ba, ngày 28/12/2021 19:00 PM (GMT+7)
Hành trình gian nan giải cứu nữ sinh 15 tuổi bị dụ dỗ bán trinh (kỳ cuối); nam thanh niên táo tợn xông vào chi nhánh ngân hàng ở Bình Dương cướp tiền; những "góc khuất" được tiết lộ trong đơn tố cáo của người mẹ bé 8 tuổi nghi bị bạo hành tử vong ở TP.HCM... là những tin nóng 24 giờ qua.
Bình luận 0

Hành trình gian nan giải cứu nữ sinh 15 tuổi bị dụ dỗ bán trinh (kỳ cuối)

Sau một thời gian dài theo dõi, phóng viên nắm được thông tin sẽ có một vụ giao dịch mua bán trinh trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Nạn nhân là nữ sinh mới 15 tuổi. Phóng viên Báo Điện tử Dân Việt đã phối hợp với Công an tỉnh Bắc Ninh kịp thời giải cứu nữ sinh, ngăn chặn hành vi quan hệ với trẻ vị thành niên.

Hành trình gian nan giải cứu nữ sinh 15 tuổi bị dụ dỗ bán trinh (kỳ cuối). Nhóm phóng viên điều tra Dân Việt

Nếu như, giá như, những câu nói của nữ sinh thực sự chạm tới lương tri của người lớn. Đó cũng là thông điệp thôi thúc chúng ta phải hành động ngay để ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng môi giới, mua trinh.

Theo luật sư, Luật Hình sự đã dành những hình phạt nghiêm khắc cho các đối tượng môi giới, mua dâm với trẻ dưới 18 tuổi, và từ đủ 14 tuổi đến 16 tuổi. Tình tiết tăng nặng định khung, mức phạt tù từ 7 đến 15 năm. Thậm chí, có trường hợp, hành vi mua dâm với trẻ vị thành niên chưa hoàn thành vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự để tăng tính răn đe và bảo vệ các em.

Nam thanh niên táo tợn xông vào chi nhánh ngân hàng ở Bình Dương cướp tiền

Như Dân Việt đã thông tin: Chiều 28/12, Công an tỉnh Bình Dương cùng các đơn vị nghiệp vụ tổ chức điều tra, đồng thời chốt chặn ở một số tuyến đường để truy bắt đối tượng xông vào một chi nhánh ngân hàng tại huyện Bàu Bàng để cướp tiền.

Nam thanh niên xông vào chi nhánh ngân hàng BIDV ở Bình Dương để cướp tiền - Ảnh 1.

Chi nhánh ngân hàng tại huyện Bàu Bàng, nơi xảy ra vụ cướp tiền. Ảnh: V.D

Theo thông tin ban đầu từ nguồn tin Công an tỉnh Bình Dương, vào trưa cùng ngày, một nam thanh niên khoảng 30 tuổi đi xe máy hiệu Suzuki Sport xông vào một chi nhánh ngân hàng tại thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng (tỉnh Bình Dương) và đe doạ, cướp tiền. Sau khi gây án, nam thanh niên chạy ra ngoài, leo lên xe máy tẩu thoát. 

Chiều 28/12, Công an tỉnh Bình Dương cho biết, đã bắt giữ được nghi phạm cướp ngân hàng trên. Nghi phạm cướp ngân hàng bị bắt được xác định tên là Trần Văn Hùng (31 tuổi, ngụ xã Tân Hưng, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương).

Trước đó, vào trưa cùng ngày, Hùng cầm theo khẩu súng giả xông vào một chi nhánh ngân hàng ở quốc lộ 13, thuộc xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, uy hiếp nhân viên của ngân hàng để cướp đi số tiền gần 500 triệu đồng rồi leo lên xe máy bỏ chạy.

Sau khi vụ cướp xảy ra, các trinh sát của Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bình Dương đã nhanh chóng phối hợp với lực lượng công an địa phương nhanh chóng truy xét điều tra. Hình ảnh camera được trích xuất, hàng chục trinh sát có kinh nghiệm tỏa đi nhiều hướng để truy bắt tên cướp. Sau hơn 1 giờ xảy ra vụ cướp, các trinh sát đã bắt được Hùng, khi tên này đang tẩu thoát về gần nơi cư trú. 

Bước đầu, Hùng khai nhận do túng tiền nên đã liều mua súng giả để đi cướp ngân hàng.

Cơ quan điều tra đang lấy lời khai của Hùng để làm rõ vụ việc.

Vụ bé 8 tuổi nghi bị bạo hành tử vong: Những "góc khuất" được tiết lộ trong đơn tố cáo của người mẹ

Như Dân Việt đã thông tin: Ngày 28/12, Công an quận Bình Thạnh, TP.HCM vẫn đang điều tra, làm rõ nguyên nhân tử vong của bé N.T.V.A (8 tuổi, nghi vấn bị vợ sắp cưới của bố bạo hành đến tử vong) gây phẫn nộ, bức xúc trong dư luận.

Theo thông tin từ phía gia đình của bé V.A, mẹ và cậu ruột (anh trai của mẹ bé V.A) đã làm đơn tố cáo gửi các cơ quan thẩm quyền và Hội Bảo vệ quyền lợi trẻ em để yêu cầu xử lý nghiêm minh những kẻ gây ra cái chết đau đớn, tức tưởi cho đứa trẻ.

Theo nội dung đơn tố cáo của bà N.T.H (mẹ bé V.A), bà H và ông N.K.Tr.T kết hôn năm 2012, đến năm 2013 thì sinh cháu V.A. Năm 2016, hai vợ chồng có thêm một bé trai nữa.

Năm 2020, ông N.K.Tr.T ngoại tình, có quan hệ bất chính với bà V.N.Q.Tr nên vợ chồng thường xuyên lục đục, cãi vã. Đến tháng 8/2020, tòa án đồng ý cho hai người thuận tình ly hôn, ông T nuôi V.A còn bà H nuôi đứa con trai nhỏ.

Vụ bé 8 tuổi nghi bạo hành tử vong: Những "góc khuất" được tiết lộ trong đơn tố cáo của người mẹ - Ảnh 1.

Di ảnh của bé V.A được bác ruột và người dân đặt trước tòa nhà để tưởng nhớ trong đêm 27/12. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Sau khi ly hôn, ông T và bà Tr dọn về sống chung với nhau và cấm cản, không cho bà H được gặp bé V.A. Tính đến thời điểm hiện tại, dù đã hơn 1 năm nhưng bà H chỉ được gặp con 2-3 lần, lần cuối cùng là khoảng tháng 12/2020.

"Do ông T ngăn cản không cho tôi gặp cháu V.A nên tôi không hiểu, không biết trong suốt một năm cháu V.A sống như thế nào, ra sao…; chỉ biết lúc cháu chết là bác sĩ nói do bị phù nề phổi, có nhiều vết thương bầm tím. Sau khi lo hậu sự cho cháu, tôi có tìm hiểu nguyên nhân cái chết của cháu, lý do tại sao con tôi chết mà trên cơ thể có nhiều vết bầm tím", bà H nêu rõ trong đơn.

Ngoài ra, gia đình bà H cũng đã liên hệ với một số người dân sống gần căn hộ của ông T và bà Tr thì được biết, từ thời điểm ông T nuôi bé V.A, ngày nào trong căn hộ này cũng nghe thấy tiếng chửi bới, đánh đập, la hét. Vì căn hộ này thường xuyên gây ồn ào nên người dân đã báo bảo vệ lên làm việc, và nhận được thông tin là gia đình ông T dạy bảo con cái.

Cũng theo đơn tố cáo bà H gửi các cơ quan chức năng, trong đêm 22/12, hàng xóm ở phía dưới căn hộ đã nghe rất rõ tiếng người phụ nữ trong phòng nói rằng: "Anh ơi, An nó tắt thở rồi, đưa nó đi cấp cứu". Tiếng người đàn ông đáp lại là "đưa nó đi cấp cứu để mà đi tù à".

Ngoài ra, bà H cũng cung cấp các thông tin về biên bản khám nghiệm tử thi đối với cháu V.A. Theo đó, biên bản này ghi cháu bị phù nề phổi, trên cơ thể có nhiều vết bầm tím, đầu có vết rách bị cạo để khâu, đầu có vết sẹo cũ, nách trái nách phải bị bầm tím, mông có bầm tím khoảng lớn... Kết luận nêu rõ, nguyên nhân cái chết của cháu V.A là do phù nề phổi và trên cơ thể có nhiều vết bầm tím gây ra.

Theo kết quả khám bệnh tại Bệnh viện Vinmec - nơi ông T và bà Tr đưa bé V.A vào cấp cứu đêm 22/12 có ghi rõ cháu ngưng thở, cơ thể có nhiều vết tím tái và đã chết trước khi vào bệnh viện.

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Quang Vinh (cậu ruột của bé V.A) cho biết, đến nay gia đình vẫn chưa có thông tin gì về kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra. Chỉ biết rằng, ông N.K.Tr.T có bị tạm giữ một ngày rồi được thả tự do.

"Gia đình chúng tôi khẩn thiết đề nghị cơ quan chức năng sớm làm rõ nguyên nhân cái chết của V.A, truy cứu trách nhiệm hình sự và áp dụng khung hình phạt cao nhất đối với những kẻ gây ra cái chết cho cháu", ông Vinh nói.

Ông Nguyễn Đức Chung và cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội có lời khai "đá" nhau ở phiên tòa

Hôm nay (28/12), phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung và 6 đồng phạm bước sang ngày làm việc thứ 2. Phiên tòa tiếp tục với phần xét hỏi.

Tại phiên xử hôm nay, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội tập trung làm rõ chỉ đạo dừng triển khai gói thầu số hóa năm 2016 của bị cáo Nguyễn Đức Chung đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội.

Khai trước tòa, cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội Nguyễn Văn Tứ cho biết, bị cáo này đã nhận được sự chỉ đạo rất quyết liệt của cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội liên quan việc dừng gói thầu số hóa năm 2016 trước giờ "G".

Ông Nguyễn Đức Chung và cựu Giám đốc Sở có lời khai "đá" nhau ở phiên tòa - Ảnh 1.

Bị cáo Nguyễn Văn Tứ cho biết đã nhận được cuộc gọi chỉ đạo rất quyết liệt, yêu cầu dừng gói thầu năm 2016 của cựu Chủ tịch Nguyễn Đức Chung. Ảnh: PH

Khai về 2 cuộc điện thoại của bị cáo Nguyễn Đức Chung gọi cho mình vào tối 15/5/2016, theo ông Tứ, ông Chung yêu cầu dừng thầu, nói rõ gói thầu triển khai không đúng các quy định của Thành phố, ngoài ra không có nội dung gì khác.

Khai tiếp về 2 cuộc điện thoại trong ngày 15/5/2016 do ông Nguyễn Đức Chung gọi, cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội trình bày, ông Chung không nói gì đến việc áp dụng công nghệ nào, cũng như không hỏi về việc kết nối, tích hợp vào hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của thành phố.

Nói về cuộc điện thoại thứ 3 vào đầu giờ sáng 16/5/2016, chỉ vài tiếng trước khi gói thầu được Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội mở, bị cáo Nguyễn Văn Tứ cho biết ông Chung đã nói vô cùng ngắn gọn.

"Tôi yêu cầu anh dừng gói thầu lại để đưa bằng được công nghệ của Nga vào" - bị cáo Tứ khai.

Trước diễn biến này, cựu Chủ tịch UBND TP.Hà Nội bác bỏ lời khai của ông Tứ, một lần nữa khẳng định những nội dung đã trình bày trong phiên xét xử chiều qua.

Bị cáo Nguyễn Đức Chung khai trong cuộc gọi đầu tiên vào chiều 15/5/2016, ông Chung hỏi ông Tứ về việc ông đã yêu cầu dừng triển khai tất cả các dự án công nghệ thông tin tại các sở, ngành, quận, huyện mà tại sao Sở Kế hoạch và Đầu tư vẫn triển khai.

Cuộc gọi tiếp theo cũng trong chiều 15/5/2016 cho ông Tứ, theo lời khai của bị cáo Chung, ông này đề cập vấn đề yêu cầu ông Nguyễn Văn Tứ phải cập nhật công tác tích hợp cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp và hộ kinh doanh vào "đầu bài" của gói thầu; đồng thời yêu cầu ông Tứ kiểm tra, báo cáo lại việc thẩm định thầu.

Về cuộc gọi sáng 16/5/2016, bị cáo Chung nói gọi cho ông Tứ để yêu cầu vận dụng các quy định của pháp luật đình chỉ gói thầu.

Được yêu cầu lên đối chất lại trước lời khai của ông Chung, cựu Giám đốc Sở Nguyễn Văn Tứ khẳng định bảo lưu nội dung đã khai báo.

Thậm chí ông Tứ còn đề nghị Hội đồng xét xử cho khôi phục lại đoạn băng 3 cuộc điện thoại để làm rõ các nội dung liên quan.

Cựu Tổng Giám đốc SADECO Tề Trí Dũng: "Tôi chủ quan, không ai nhắc nên làm sai"

Chiều 28/12, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử bị cáo Tất Thành Cang (cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM) và 19 đồng phạm, liên quan đến sai phạm tại Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận - IPC, gây thất thoát, lãng phí cho Nhà nước.

Tại phiên tòa, bị cáo Tề Trí Dũng (cựu Tổng Giám đốc, Thành viên Hội đồng thành viên (HĐTV) Công ty IPC, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Công ty SADECO) thừa nhận hành vi như cáo trạng nêu. Thời điểm thực hiện phương án phát hành 9 triệu cổ phần cho cổ đông chiến lược là Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Nguyễn Kim, bị cáo không biết được hành vi của mình là sai.

Bị cáo tề Trí Dũng: “Tôi chủ quan, không ai nhắc nên làm sai"   - Ảnh 1.

Bị cáo Tề Trí Dũng (cựu Tổng Giám đốc, Thành viên HĐTV Công ty IPC, Chủ tịch HĐQT Công ty SADECO) thừa nhận sai phạm: "Không ai nhắc nên làm sai". Ảnh: Chinh Hoàng

Bị cáo Dũng trình bày: "Đây là lỗi của tôi, tôi rất hối hận. Tại thời điểm đó với nhận thức của mình, tôi cho rằng mình đã làm tròn công việc khi đã chọn được phương án phát hành cổ phần tốt nhất cho SADECO cũng như phù hợp với quy định pháp luật. Và thực tế trong quá trình xin ý kiến thực hiện, UBND TP.HCM giao các sở, ngành tham mưu nhưng khi trao đổi với tôi, cơ quan tham mưu chỉ nhắm vào việc Công ty SADECO là công ty có hiệu quả, không một ai nhắc tôi phải thực hiện đấu giá theo quy định khoản 5 Điều 38 Nghị định 91/2015 của Chính phủ. Chính điều này dẫn đến sự chủ quan của tôi và dẫn đến hậu quả gây thất thoát tài sản Nhà nước".

Trong vụ án này, bị cáo Dũng bị truy tố với 2 tội danh "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" , "Tham ô tài sản" theo Điều 353 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt 7-15 năm tù; 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Tại tòa, các bị cáo liên quan tại IPC, SADECO... đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố. Song, các bị cáo khai đều không biết nếu phát hành cổ phần theo phương án xác định giá 40.000 đồng/cổ phần là sai. Bởi thời điểm đó, ai cũng biết Công ty Nguyễn Kim là công ty "đang ăn nên làm ra".

Khi HĐXX chất vấn về vai trò của bị cáo Tất Thành Cang, bị cáo Dũng trình bày: HĐTV SADECO có 7 thành viên, trong đó 5 người là cán bộ, đảng viên, 2 thành viên là vốn tư nhân. Trong tất cả hoạt động của SADECO, đặc biệt là những công việc quan trọng, IPC đều lắng nghe, tôn trọng và thực hiện theo ý kiến Văn phòng Thành ủy theo nguyên tắc Đảng lãnh đạo. Hoạt động của SADECO trong nhiều năm, chưa bao giờ có biểu quyết nào mâu thuẫn với ý kiến Văn phòng Thành ủy.

Bị cáo Dũng nói: "Việc phát hành cổ phần, trong biên bản họp HĐTV, chúng tôi cũng ghi rõ việc phát hành cổ phần này chỉ được đưa ra hội đồng cổ đông sau khi có ý kiến đồng thuận của Thành ủy và UBND thành phố. Với quan điểm như vậy, nếu không có văn bản số 495 thì việc phát hành sẽ dừng lại".

Theo bị cáo Dũng, sau khi gửi văn bản xin ý kiến UBND thành phố, ông Nguyễn Hữu Tín (lúc này là Phó Chánh Văn phòng UBND thành phố) gọi cho bị cáo Dũng nói rõ Văn phòng UBND thành phố chỉ trình cho Thường trực sau khi có ý kiến của Thường trực Thành ủy. Do đó, sau này trong báo cáo của IPC gửi Thường trực UBND thành phố vào tháng 6/2017 có nội dung Thường trực Thành ủy đã đồng ý phương án này.

"Văn bản chỉ đạo số 495 của đồng chí Phó Bí thư thường trực là rất quan trọng để 5/7 thành viên HĐTV SADECO biểu quyết phương án phát hành", bị cáo Dũng trình bày.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem