Tin mới nhất vụ cháy Rạng Đông: 3 tủ lạnh chứa Amalgam còn nguyên

Nguyễn Tố Thứ hai, ngày 02/09/2019 06:45 AM (GMT+7)
Thông tin mới nhất liên quan đến vụ cháy Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, đó là hóa chất Amalgam – hợp kim của thủy ngân và các kim loại khác dùng trong sản xuất bóng đèn và phích nước được chứa trong 3 tủ lạnh, và các tủ lạnh này còn nguyên vẹn.
Bình luận 0

img

Sở TN-MT Hà Nội đã tiến hành lấy mẫu đất, nước, không khí để đánh giá mức độ an toàn của các yếu tố trên sau vụ cháy. Ảnh: IT

Theo thông tin từ Sở TN-MT, sau khi đơn vị này tiến hành kiểm tra kho chứa Amalgam - nguyên liệu dùng trong sản xuất bóng đèn và phích nước nước của Công ty Rạng Đông thì phát hiện khu vực chứa 3 tủ lạnh đựng nguyên liệu này không có dấu hiệu bị cháy.

Cũng theo Sở TN-MT Hà Nội, các mẫu đất lấy ở 5 vị trí xung quanh khu vực Nhà máy đều có nồng độ thủy ngân bằng 0. Kết quả phân tích không khí của Trung tâm Quan trắc Tài nguyên Môi trường Hà Nội tại 5 vị trí xung quanh Công ty bóng đèn phíc nước Rạng Đông cũng cho thấy các thông số về khí hậu đều trong ngưỡng cho phép.

Cơ quan chức năng sẽ tiếp tục lấy mẫu đất, nước, không khí để đánh giá chất lượng môi trường và công bố trong thời gian tới.

img

Hiện trường vụ cháy tại Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Ảnh: IT

Trước đó, trong văn bản gửi các cơ quan chức năng, Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã nêu rõ: Công ty đã sử dụng hợp chất Amalgam thay thế cho thủy ngân lỏng trong sản xuất từ năm 2016. 

Thông tin trên được rất nhiều người quan tâm, thậm chí, nhiều người tỏ ra tò mò về loại chất thay thế thủy ngân này và liệu nó có gây độc như thủy ngân hay không?

TS Trần Quang Tùng, Giảng viên Viện Kỹ thuật hóa học (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết: Amalgam còn được gọi là hỗn hống thủy ngân. Amalgam thu được khi hòa tan một số kim loại vào thủy ngân lỏng, do đó, về bản chất hóa học thì hỗn hống thủy ngân vẫn chứa thủy ngân ở dạng nguyên tố Hg.

Theo TS Trần Quang Tùng, độc tính của thủy ngân phụ thuộc vào dạng tồn tại của nó. Thủy ngân ở dạng lỏng hấp thụ rất chậm qua da, trong khi thủy ngân ở thể hơi lại hấp thụ rất nhanh qua đường hô hấp và khuếch tán nhanh vào cơ thể. Vì vậy, có thể nói, hơi thủy ngân rất độc.

Còn với Amalgam, thủy ngân ở dạng Amalgam thường là thể rắn, do đó, khó phát tán, khó bay hơi và dễ thu hồi hơn dạng thủy ngân nguyên chất ở thể lỏng.

Theo Thông tư 58/2015 của liên bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Y tế, chất thải Amalgam cũng được coi là một chất thải y tế nguy hại cần phải xử lý và tiêu hủy theo quy định để đảm bảo an toàn cho môi trường và sức khỏe.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem