dd/mm/yyyy

Tìm giải pháp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân

Hội Nông dân tỉnh Sơn La tổ chức Hội thảo giữa doanh nghiệp với nhà nông về bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho nông dân năm 2024.

Clip: Tìm giải pháp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân

Nông dân Sơn La bàn giải pháp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

Tỉnh Sơn La đã trở thành vựa trái cây lớn nhất miền Bắc, với tổng diện tích cây ăn quả các loại trên 84.000 ha, sản lượng khoảng 455.000 tấn/năm; trên 20.700 ha cà phê Arabica, trên 6.000 ha chè, trên 10.000 ha mía; trên 490.000 con trâu, bò, đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ thủy điện Sơn La, thủy điện Hòa Bình...

Đến nay, toàn tỉnh thành lập được 850 hợp tác xã, 7 liên hiệp hợp tác xã; 150 sản phẩm được chứng nhận OCOP với 280 chuỗi ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn, quản lý 294 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, 145 cơ sở áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; có 560 nhà máy và cơ sở chế biến nông sản. Có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm nông sản chưa thật sự bền vững.

Tham dự hội thảo, các đại biểu đã được xem phóng sự "Toàn cảnh bức tranh về phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Sơn La"; nghe các doanh nghiệp, hợp tác xã giới thiệu về năng lực và ngành nghề phát triển sản xuất, kinh doanh; kế hoạch sản xuất, kinh doanh, nhu cầu liên doanh, liên kết, tiêu thụ các sản phẩm nông sản.

Tìm giải pháp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân- Ảnh 1.

Hội thảo giữa doanh nghiệp với nhà nông về bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho nông dân năm 2024. Ảnh: Văn Ngọc

Trong phần thảo luận, hội thảo có gần 20 ý kiến tham gia, trao đổi giữa các chủ doanh nghiệp, hợp tác xã với lãnh đạo các sở, ban ngành của tỉnh, cán bộ, hội viên nông dân trong liên kết phát triển sản xuất và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp, giải đáp những vướng mắc trong liên kết phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, như: Việc áp dụng khoa học kỹ thuật, chăm sóc, cắt tỉa tạo tán, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; đóng gói bao bì, mẫu mã sản phẩm; giá cả đầu tư đầu vào, vật tư phân bón; giá bán sản phẩm; phát triển chăn nuôi đại gia súc; liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm...

Ông Lê Huy Anh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La tiếp thu ý kiến chỉ đạo và đề nghị: Các sở, ban ngành của tỉnh quan tâm hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, cán bộ hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh được hưởng các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh trong liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị; kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong thực tế tổ chức sản xuất, tiêu thụ.

Hội Nông dân các huyện, thành phố tiếp tục tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên nông dân tham gia thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, chi hội nông dân nghề nghiệp, để cùng nhau phát triển sản xuất hàng hóa lớn, tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị; tuyên truyền, vận động nhân rộng các mô hình hiệu quả ra diện rộng. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo vùng sản xuất nguyên liệu tập trung gắn với bao tiêu sản phẩm ổn định, bền vững và lâu dài.

Tìm giải pháp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân- Ảnh 2.

Tìm giải pháp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân- Ảnh 3.

Các đại biểu tham dự Hội thảo giữa doanh nghiệp với nhà nông về bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho nông dân năm 2024. Ảnh: Văn Ngọc

Nông dân liên kết sản xuất nông nghiệp sạch

Mang đến hội thảo giữa doanh nghiệp với nhà nông về bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho nông dân năm 2024. Công ty TNHH Công nghệ sinh học Tenabio Việt Đức giới thiệu sản phẩm phân bón lá PlantaGreenPower (PGP). Đẩy là sản phẩm phân bón được nhập khẩu trực tiếp từ CHLB Đức. Phân bón lá PGP được chứng nhận đầu vào cho cạnh tác hữu cơ bởi FiBL – Viện Nghiên cứu Nông nghiệp hữu cơ hàng đầu Châu Âu với 100% nguyên liệu từ thiên nhiên. Phân bón lá PGP có hàm lượng khoáng ổn định với kích thước siêu nhỏ, được công nhận chất lượng và lưu hành tự do tại EU và các nước có nền nông nghiệp phát triển.

Anh Trần Văn Đức, Công ty TNHH Công nghệ sinh học Tenabio Việt Đức cho biết: Phân bón lá PlantaGreenPower (PGP) được pha theo nồng độ 0,3 – 0,5%. Trung bình cho 1 hecta sử dụng 3kg pha với 600-800 lít nước, tùy từng đối tượng cây trồng. Phun hỗn hợp này trực tiếp lên lá, chỉ nên phun vào buổi sáng sớm hoặc buổi chiều mát, tránh phun trong điều kiện ánh sáng mặt trời trực tiếp. Có thể dùng các dụng cụ phun sương để phun: bình phun tay, phun máy, phun bằng drone hoặc máy bay. Phân bón PGP được sử dụng và đạt hiệu quả trên các loại cây ăn, cây lương thực, cây công, các loại cây rau. Số lần phun trong 1 năm tùy thuộc vào từng đối tượng cây trồng. Sản phẩm an toàn cho sức khỏe của người trồng và vật nuôi.

“Với phương châm công nghệ cao cho nông nghiệp hữu cơ, qua hội thảo ngày hôm nay chúng tôi mong muốn được liên kết với những người nông dân trên địa bàn tỉnh Sơn La trong việc liên kết sản xuất nông nghiệp, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn đến với người tiêu dùng”, anh Đức nói.

Tìm giải pháp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân- Ảnh 4.

Gian hàng trưng bày sản phẩm phân bón nhập khẩu của Công ty TNHH Công nghệ sinh học Tenabio Việt Đức.Ảnh: Văn Ngọc

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nhấn mạnh: Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trong cả nhiệm kỳ 2020 - 2025 luôn luôn kiên định đi theo con đường ứng dụng công nghệ cao, hướng tới sản xuất hàng hóa và nông nghiệp là trụ đỡ cho kinh tế và ổn định cho công nghiệp chế biến.

Đồng chí mong muốn việc tổ chức liên kết phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân trên địa bàn tỉnh Sơn La sẽ là một chuỗi sản xuất ổn định, bền vững và lâu đài, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, phấn đấu đến năm 2025 đạt mục tiêu thu nhập bình quân 60 triệu đồng/người/năm.

Tìm giải pháp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân- Ảnh 5.

Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Tìm giải pháp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân- Ảnh 6.

Gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Qua hội thảo các đại biểu cơ bản đã thống nhất các nội dung thảo luận về tổ chức mối liên kết phát triển sản xuất và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp phải là mối liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và hội viên nông dân. Để chuỗi liên kết sản xuất bền vững thì yếu tố quan trọng nhất đó là phải đảm bảo "Hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ".

Văn Ngọc