Thương nhân Nhật Bản từng bị coi là tầng lớp thấp vì mục đích lợi nhuận

Hoàng Nhật Thứ tư, ngày 11/07/2018 07:30 AM (GMT+7)
“Thương nhân Nhật Bản từng bị coi là tầng lớp thấp nhất của xã hội bởi mục đích của nhóm này là tìm kiếm lợi nhuận, nước Nhật lúc này không phát triển được. Song sau đó Nhật Bản nhận thấy rõ sự tụt hậu của mình so với Thế giới, họ thay đổi tư tưởng, cách nhìn nhận về vấn đề tìm kiếm lợi nhuận của thương nhân và thành quả mang lại là sự thịnh vượng quốc gia” Th.S. Bùi Ngọc Sơn - Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới nói.
Bình luận 0

img

Ông Bùi Ngọc Sơn - Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới chia sẻ về kinh tế tư nhân Nhật Bản giai đoạn cuối Thế kỷ XIX

Tại hội thảo Thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW với chủ đề: “Tiếp tục hoàn thiện môi trường phát triển kinh tế tư nhân” được tổ chức chiều 10.7, câu chuyện về vai trò của khu vực kinh tế tư nhân đối với sự phát triển của kinh tế Việt Nam đã được các chuyên gia kinh tế chia sẻ, thảo luận.

Lấy ví dụ về câu chuyện phát triển của Nhật Bản trong Thế kỷ XIX, XX, Th.S. Bùi Ngọc Sơn, Trưởng phòng Kinh tế thế giới, Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới cho biết, vào thời kỳ của Sumarai, Nhật Bản có triết lý rất rõ ràng: võ sĩ đạo là số 1, tiếp theo tới dân chúng, cuối cùng là thương nhân.

“Thương nhân bị coi là tầng lớp thấp nhất của xã hội bởi mục đích của nhóm này là tìm kiếm lợi nhuận, nước Nhật lúc này không phát triển được. Mãi tới cuối Thế kỷ XIX, khi Nhật Bản bắt đầu giao thương nhiều hơn với phương Tây, tầng lớp Samurai đã tận dụng vị thế của mình trong hoạt động buôn bán, làm ăn, rồi trở nên giàu có.

Song sau đó Nhật Bản nhận thấy rõ sự tụt hậu của mình so với thế giới. Họ nhận ra phải là lực lượng thương nhân mới phát triển được đất nước. Nước này thay đổi tư tưởng, cách nhìn nhận về vấn đề tìm kiếm lợi nhuận của thương nhân không phải là xấu, vấn đề là cách tìm kiếm lợi nhuận như thế nào. Đó là những cởi trói đầu tiên về mặt tư tưởng để Nhật Bản bắt đầu có những công ty tư nhân lớn từ cuối thế kỷ XIX”, ông Sơn kể lại.

Kết quả, bài học thay đổi tư tưởng từ tư duy coi thường, khinh bỉ đến tôn trọng vai trò của kinh tế tư nhân đã mang thành quả là sự thịnh vượng quốc gia. Đặc biệt, năm 1964 Nhật Bản đã trở thành thành viên OECD.

Còn ở Việt Nam, ông Sơn cho biết, có thời kỳ thương nhân Việt Nam từng bị coi là con phe. Tới lúc này, dù vai trò của kinh tế tư nhân đã được nhìn nhận đúng đắn hơn nhưng vẫn chưa thực sự được coi trọng.

Ông Bùi Ngọc Sơn tiếp dục dẫn chứng câu chuyện về kinh tế Hàn Quốc. Cụ thể, trong số các doanh nghiệp tư nhân, Chính phủ sẽ lựa chọn những doanh nghiệp sản xuất được sản phẩm có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế để hỗ trợ.

“Chính phủ Hàn Quốc chọn những doanh nghiệp giỏi nhất trong khu vực tư nhân, không phải khu vực Nhà nước. Họ mời các doanh nghiệp tư nhân tới, hỏi các doanh nghiệp cần gì Chính phủ sẵn lòng hỗ trợ, nhưng với điều kiện phải tạo ra sản phẩm vươn tầm thế giới. Nhờ đó, sau 26 năm, Hàn Quốc, đã gia nhập OECD vào năm 1996, GDP bình quân đầu người đạt 9.800 USD, và có hàng loạt các hãng tư nhân tầm cỡ toàn cầu trong các ngành công nghệ ô tô, đóng tàu, điện tử, hóa chất, dệt may”, ông Sơn phân tích.

Câu chuyện này được ông Sơn đánh giá là trái ngược với những gì diễn ra ở Việt Nam khi lựa chọn các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước chứ không phải doanh nghiệp tư nhân, dẫn tới tình trạng kinh doanh kém hiệu quả và tham nhũng.

Với câu chuyện của Trung Quốc, nhiều chuyên gia nhận định Nhà nước Trung Quốc đứng sau hậu thuẫn các doanh nghiệp tư nhân để hỗ trợ đưa ra hàng loạt các công ty công nghệ Trung Quốc lớn như Huawei, Xiaomi, ZTE, China Mobile... những doanh nghiệp công nghệ hàng đầu này phát triển trên nền tảng của Hàn Quốc và Nhật Bản.

Cuối cùng, ông Bùi Ngọc Sơn thẳng thắn nhìn nhận: “Trong khi đó, Việt Nam không có một doanh nghiệp có thể cạnh tranh ở tầm thế giới. Các doanh nghiệp lớn hầu như là bất động sản, chưa có doanh nghiệp có sản phẩm nào tầm cỡ”.

Từ ba quốc gia có sự thần kỳ tăng trưởng kể trên, ông Sơn nhấn mạnh, cần thay đổi cần bắt đầu từ tư duy, coi trọng khu vực kinh tế tư nhân.

“Việt Nam cần chiến lược xây dựng các hãng tư nhân có tầm thế giới. Cần suy tôn tư nhân thực sự: là khu vực chủ đạo, không phải chỉ là góp phần, khuyến khích, hỗ trợ”, ông Bùi Ngọc Sơn kiến nghị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem