Khi nào Chủ tịch Hà Nội được đại diện vốn Nhà nước tại Hapro?

Hoàng Nhật Thứ hai, ngày 04/12/2017 18:44 PM (GMT+7)
Theo phương án cổ phần hóa Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thực hiện bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng theo quy định, điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ và làm đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước khi không bán hết cổ phần theo Phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bình luận 0

img

Hapro hiện đang vận hành các siêu thị, cửa hàng tiện tích Hapromart tại nhiều mặt bằng có vị trí "vàng" ở Hà Nội

Chi ít nhất 1.900 tỷ đồng để sở hữu 65% cổ phần của Hapro

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa phê duyệt Phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro). Theo đó, hình thức cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Thương mại Hà Nội là kết hợp hình thức bán toàn bộ phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vừa phát hành thêm để tăng vốn điều lệ.

Vốn điều lệ của Tổng công ty Thương mại Hà Nội - Công ty cổ phần (Hapro) là 2.200 tỷ đồng với 220 triệu cổ phần, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần.

Về cơ cấu vốn điều lệ, Nhà nước không nắm giữ cổ phần. Người lao động trong  Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) sẽ được mua 1.074.000 cổ phần ưu đãi của Hapro, con số này chiếm 0,49% vốn điều lệ của Hapro.

Ngoài ra, 75.926.000 cổ phần của Hapro bán đấu giá công khai, chiếm 34,51% vốn điều lệ. Tiếp đó, 143 triệu cổ phần của Hapro bán cho nhà đầu tư chiến lược, chiếm 65% vốn điều lệ. Giá khởi điểm chào bán cổ phần lần đầu khi thực hiện cổ phần hóa Hapro là 12.800 đồng/cổ phần.

Với mức giá này, nhà đầu tư chiến lược sẽ phải chi ít nhất 1.900 tỷ đồng để sở hữu 65% cổ phần của Hapro.

img

Tổng doanh thu 8 tháng năm 2017 của Hapro ước đạt 2.703 tỷ đồng

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng ủy quyền Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thực hiện bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng theo quy định và điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ và làm đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Hapro khi doanh nghiệp này không bán hết cổ phần theo Phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Hapro thực hiện thuê đất của Nhà nước và trả tiền thuê đất theo phương án sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất; giải quyết các tồn tại về nhà, đất (nếu có) trước khi chính thức chuyển thành công ty cổ phần.

Về phương án sắp xếp lao động, tổng số lao động tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp là 630 người, tổng số lao động chuyển sang công ty cổ phần là 550 người, tổng số lao động dôi dư là 80 người. Trong đó, có 79 người lao động dôi dư sắp xếp theo Nghị định 63/2015/NĐ-CP ngày 22.7.2017 của Chính phủ quy định chính sách đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và 1 viên chức tinh giảm theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP ngày 20.11.2014 của Chính phủ về chính sách tinh giảm biên chế.

Kết quả kinh doanh tích cực

Về kết quả kinh doanh, tổng doanh thu 8 tháng năm 2017 của Hapro ước đạt 2.703 tỷ đồng, đạt 52,4% kế hoạch năm, trong đó doanh thu Công ty Mẹ ước đạt 1.827 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch năm.

Kim ngạch xuất khẩu 8 tháng năm 2017 của Hapro ước đạt 64,7 triệu USD, đạt 47,5% kế hoạch năm, trong đó Kim ngạch XK Công ty Mẹ ước đạt 62 triệu USD, đạt 47% kế hoạch năm.

Lợi nhuận trước thuế ước đạt 23,2 tỷ đồng, đạt 60% kế hoạch năm, trong đó Công ty Mẹ ước đạt 9,5 tỷ đồng, đạt 79% kế hoạch năm.

Về giá trị tài sản, dến tháng 6.2017, Hapro có tổng tài sản 3.986 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 1.976 tỷ đồng.

Hapro hiện đang vận hành các siêu thị, cửa hàng tiện tích Hapromart, và siêu thị đồng thương hiệu Unimart-Seika. Hapro hiện đang sở hữu địa điểm kinh doanh tại nhiều mặt bằng có vị trí "vàng" ở trung tâm Hà Nội. Công ty đang đẩy mạnh công tác xã hội hóa đầu tư, khai thác hạ tầng thương mại tại 30 - 40 Lê Thái Tổ, số 5 Lê Duẩn, và 47 Cát Linh...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem