Tiếc nuối khi rút BHXH 1 lần, về già không chỗ dựa

Kim Pha Thứ hai, ngày 25/12/2023 05:44 AM (GMT+7)
Đã từng rút BHXH một lần, giờ đây nhiều người ở tuổi “xế chiều” bày tỏ sự tiếc nuối khi về già không có lương hưu.
Bình luận 0

2 lần sai lầm rút BHXH 1 lần 

Nghỉ việc tại Công ty Dệt Long An năm 2003, bà N.T.H tham gia BHXH được 14 năm. Nhìn bạn bè đồng nghiệp cùng thời nghỉ việc và rút BHXH một lần, bà cũng nhanh chóng làm thủ tục nhận BHXH 1 lần mà không chần chừ suy nghĩ. 

Bà nhận được 60 triệu đồng tiền BHXH 1 lần, lấy vốn kinh doanh tiệm tạp hóa. Nào ngờ công việc kinh doanh không tốt, không chịu được thua lỗ kéo dài nên bà H đành đóng cửa hàng. Còn lại chút tiền, bà mua xe máy cũ cho con trai đi học. Vậy là 14 năm đi làm của bà "không còn dấu vết". 

Cuộc sống càng khó khăn hơn khi chồng bà cũng nghỉ việc vì cơ quan giảm biên chế năm 2011. Sai lầm lại nối tiếp sai lầm, sau 1 năm nghỉ việc, chồng bà H cũng quyết định nhận BHXH 1 lần để có tiền trang trải sinh hoạt. 

Tiếc nuối khi rút BHXH 1 lần, về già không chỗ dựa - Ảnh 1.

Bà H tâm sự về việc không có lương hưu. Ảnh Kim Pha

Từ đó đến nay, bà chỉ quanh quẩn ở nhà lo nội trợ còn ông chăm sóc cây cảnh quanh vườn. Mọi chi phí sinh hoạt, ăn uống, điện nước trong gia đình đều trông chờ vào đồng lương công nhân ít ỏi của con trai và khoảng tiền không thường xuyên từ cô con gái lấy chồng gần nhà.

“Nghĩ lại tôi thấy hối hận vô cùng, giá như hồi đó cứ “thắt lưng buộc bụng” không rút BHXH 1 lần, sau này có điều kiện ổn hơn đóng tiếp BHXH tự nguyện thì bây giờ đã có lương hưu, có chỗ dựa tuổi già, không phải trông chờ vào con cháu. Tụi nó ai cũng có gia đình riêng, còn phải lo con cái nên đâu giúp mình được nhiều.

Tôi may mắn còn ba mẹ già năm nay cũng gần 80 tuổi, nhưng nhiều khi muốn về quê thăm ba mẹ, muốn mua cho ba mẹ chút quà hay đồ ăn ngon cũng phải xin tiền con. Đối với chúng tôi bây giờ, lương hưu là ước mơ, là điều gì đó xa vời mà chúng tôi khó có được…”, bà H buồn rầu nói.

Những thiệt thòi khi lao động rút BHXH 1 lần

Cuộc sống còn nhiều bộn bề khó khăn khiến một số người lao động lựa chọn rút BHXH 1 lần để có khoản chi tiêu, trang trải cuộc sống; đồng thời một bộ phận nhỏ người lao vì lợi ích trước mắt, muốn rút BHXH một lần để có được một khoản tiền cầm trong tay cho “chắc ăn”. 

Với nhiều người, số tiền rút BHXH một lần có thể “ra tấm, ra món” nhưng rồi cũng chỉ đủ trang trải trong vài tháng ngắn ngủi và lại tiếp tục lo mưu sinh cho tuổi già. Thực trạng này rất đáng lo ngại, không chỉ gây thiệt thòi lớn về quyền lợi của người lao động mà còn tạo hệ lụy cho an sinh xã hội quốc gia khi dân số nước ta đang bắt đầu già hóa.

Cụ thể, khi lựa chọn hưởng BHXH 1 lần, các quyền lợi của người lao động sẽ bị hạn chế hơn rất nhiều so với hưởng lương hưu, đơn cử như sau:

Thứ nhất, người lao động không còn trong hệ thống BHXH được Nhà nước bảo hộ, mất cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng – nguồn thu nhập ổn định, hữu ích khi về già. Người tham gia BHXH khi đã hưởng lương hưu thì mức lương hưu sẽ được điều chỉnh định kỳ theo chỉ số giá tiêu dùng và mức tăng trưởng kinh tế (từ năm 2003 đến nay, Nhà nước đã điều chỉnh tăng lương hưu 17 lần, với mức tăng từ khoảng 7,5% đến 9,3% cho mỗi lần điều chỉnh, tùy theo nhóm đối tượng).

Thứ hai, người lao động mất đi cơ hội được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu để hưởng các quyền lợi về khám chữa bệnh BHYT, chăm sóc sức khỏe khi tuổi già, độ tuổi dễ gặp bất trắc về sức khỏe nhất của mỗi người.

Thứ ba, thân nhân của người lao động không được hưởng chế độ tử tuất khi không may người lao động qua đời. Theo quy định hiện hành, người lao động đang đóng BHXH hoặc đang bảo lưu thời gian đóng hoặc đang hưởng lương hưu mà không may qua đời thì người lo mai táng sẽ được nhận một lần trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở tại tháng người hưởng lương hưu qua đời (hiện tại là 18.000.000 đồng) và thân nhân được hưởng trợ cấp tử tuất hằng tháng hoặc một lần.

Thứ tư, số tiền người lao động nhận BHXH một lần thiệt hơn so với số tiền đã đóng vào quỹ BHXH. Theo quy định hiện hành, tổng mức đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất là 22% mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của người lao động. 

Trong đó, người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%, tổng mức đóng vào quỹ BHXH hằng năm bằng 2,64 tháng lương. Nếu người lao động hưởng BHXH 1 lần thì mức hưởng mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014 và bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. 

Như vậy, nếu lĩnh BHXH một lần, người lao động sẽ mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và mất khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014.

Thứ năm, khi không rút BHXH một lần, khoản tiền đóng vào quỹ BHXH là “của để dành” quý giá của người lao động, nó không mất đi mà ngược lại vẫn được cơ quan BHXH quản lý và đầu tư tăng trưởng.

Tiếc nuối khi rút BHXH 1 lần, về già không chỗ dựa - Ảnh 2.

Đẩy mạnh tuyên truyền giúp người lao động nâng cao nhận thức về những thiệt thòi khi nhận BHXH một lần được BHXH tỉnh thường xuyên thực hiện. Ảnh Kim Pha

Trong trường hợp, với những khó khăn trước mắt (do mất việc làm, giảm sút thu nhập gây nên) người lao động hoàn toàn có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH, để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện (người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, với các mức hỗ trợ 10%-25%-30% tính trên chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn với 3 nhóm đối tượng khác nhau).

Trong thực tế đã có rất nhiều trường hợp khi đã nhận BHXH 1 lần muốn nộp lại tiền để phục hồi số năm đã tham gia BHXH cho đủ điều kiện hưởng lương hưu, nhưng pháp luật về BHXH chưa quy định về trường hợp này. Vì vậy, người lao động nên cân nhắc kỹ trước khi quyết định hưởng BHXH 1 lần.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem