Thực hư “mối tình cọ - si” và chuyện huyền bí về ngôi đình thiêng

Thứ hai, ngày 02/12/2013 07:16 AM (GMT+7)
Ở đình thôn Giang, xã Viên Nội, huyện Ứng Hòa, TP.Hà Nội có “mối tình cọ - si” chung thủy, quấn quýt bên nhau mấy trăm năm bên ngôi đình thiêng thờ vua Lý Nam Đế.
Bình luận 0
Đã từ lâu mối tình cọ - si còn là biểu tượng, nét văn hóa cho sự thủy chung, son sắt và mến khách.

Thực hư “mối tình” 5 thế kỷ

Nằm phía tả đê sông Đáy, thôn Giang cách trung tâm thành phố Hà Nội hơn 30km, nơi đây vẫn giữ được những nét độc đáo riêng của một làng quê Việt. Người dân kể cho chúng tôi nghe câu chuyện khó tin về cây cọ mọc trên đỉnh cây si suốt mấy trăm năm qua và ngôi đình thiêng thờ vua Lý Nam Đế, mùa nước lũ không bao giờ bị ngập lụt.
Đã bao đời qua cây si và cây cọ quấn quýt bên nhau theo năm tháng thể hiện tình thủy chung son sắt.
Đã bao đời qua cây si và cây cọ quấn quýt bên nhau theo năm tháng thể hiện tình thủy chung son sắt.

Cây cọ và cây si được trồng từ thuở lập làng, mang theo ký ức và tình yêu, nét văn hóa đặc trưng của làng quê đồng bằng Bắc bộ. Hơn 500 năm tuổi, chứng kiến thời cuộc thăng trầm trong chiến tranh loạn lạc, cây vẫn xanh tươi như một biểu tượng kiên trung mãnh liệt của người dân vùng chiêm trũng xã Viên Nội.

Để tìm hiểu thực hư về câu chuyện này, người dân giới thiệu chúng tôi gặp ông Kim Bùi Soạn, một người dành nhiều thời gian tìm hiểu về văn hóa của xã Viên Nội. Ông Soạn cho biết: “Ngày trước, khi tôi còn nhỏ thường ra sân đình chơi đã thấy cây si và cây cọ quấn quýt bên nhau và không thay đổi nhiều so với trước đây. Nếu thoạt nhìn, người ta sẽ bảo cây cọ mọc trên đỉnh cây si.

Xung quanh việc cọ mọc trước hay si mọc trước có nhiều ý kiến gây tranh cãi. Nhưng thực ra cây si mọc nhờ vào cây cọ rồi dần dần thân và rễ cây si quấn quanh cây cọ lên đến gần ngọn. Nhiều cụ cao tuổi trong làng bảo hồi còn bé đã thấy thân cây cọ lộ ra ở dưới mặt đất, điều này cho thấy cây cọ có trước chứ không phải mọc trên đỉnh cây si như nhiều người nói. Hiện, thân cây si và rễ đã chiếm hết thân cây cọ nên giờ chỉ thấy cây cọ như mọc trên đỉnh cây si. Ước tính cây cọ và cây si đã trên 500 năm tuổi”.

Từ bao đời nay, cây si và cây cọ đã là niềm tự hào của người dân xã Viên Nội nói riêng và người dân huyện Ứng Hòa nói chung. Các cụ cao niên trong làng cho biết khi sinh ra đã thấy hai cây này ngự trị ở trong đình; lớn lên hỏi ông bà, bố mẹ cũng chỉ được câu trả lời “bao đời nay đã thế”.

Cụ Lộ Khắc Lập (SN 1936 ) - thủ từ đình thôn Giang thờ vua Lý Nam Đế - cho biết:

Cụ Lộ Khắc Lập là thủ từ của đình thôn Giang.
Cụ Lộ Khắc Lập là thủ từ của đình thôn Giang.

“Anh trai tôi 97 tuổi từng nói, từ khi sinh ra đã thấy cây si mọc bên cây cọ tự bao giờ. Ước tính phải mấy trăm năm. Hai cây song song cùng phát triển và trải qua biết bao thăng trầm, biến cố cùng lịch sử dân tộc. Bao đời nay, từ thời phong kiến, các cụ đã coi hình ảnh cây si và cây cọ như biểu tượng của sự thủy chung, son sắt, tình yêu con người, thiên nhiên để giáo dục con cháu”.

Người thôn Giang bảo cây si và cây cọ mọc được bên nhau và lạ kỳ như vậy là bởi chúng sống cạnh ngôi đình thiêng. Trong suốt hai cuộc kháng chiến ác liệt, quanh khu vực ngôi đình không bao giờ dính bom đạn và là nơi che chở dân làng.

Ngôi đình thôn Giang đã là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng từ đầu thế kỷ 16. Trong kháng chiến chống Pháp, ngôi đình từng được sử dụng làm cơ sở cách mạng. Giai đoạn 1946 – 1954, ngôi đình được trưng dụng làm nơi tổ chức các lớp bình dân học vụ, bổ túc văn hóa để đánh đuổi “giặc dốt". Sang kháng chiến chống Mỹ, du kích địa phương thường chọn đình thôn Giang làm nơi ẩn náu, chọn cây cọ và cây si làm nơi để treo cờ mặt trận.

Hiện nay, dưới gốc cây si và cây cọ trong khuôn viên ngôi đình là khu sinh hoạt văn hóa cộng đồng của bà con thôn Giang. Bên trong đình có đền thờ vua Lý Nam Đế… Hằng năm, dân làng còn tổ chức lễ tế xuân, lễ thanh minh, dâng lễ vật cúng tiến cầu mong cho dân lành, nước yên. Các nghi lễ được tổ chức rất nghiêm trang với chiêng trống, cờ các loại. Những trò chơi dân gian cổ truyền như đánh cờ tướng, bài chòi, thi nấu cơm, bịt mắt bắt dê… đều diễn ra dưới gốc cây si như một nếp văn hóa từ ngàn xưa.

Theo các cụ cao niên trong thôn Giang kể lại và thần phả có ghi ngôi đình ngày trước được lợp hoàn toàn bằng lá cọ. Sau này được làm lại bằng gỗ, chắc chắn và rộng rãi hơn. Đến năm 1938, trong làng có ông chánh tổng Bát giàu có nhất vùng đã công đức tiền của xây dựng lại ngôi đình bằng bê-tông chắc chắn nhưng vẫn giữ nguyên đường nét tinh xảo trước đó.
Cụ Lộ khắc Lập đang kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện xung quanh cây si và cây cọ.
Cụ Lộ khắc Lập đang kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện xung quanh cây si và cây cọ.

Ông Bùi Văn Quý – trưởng thôn Giang - chia sẻ: “ Cây cọ và cây si quấn quýt vào nhau như thể hiện tình yêu chung thủy, son sắt. Chính vì vậy, thỉnh thoảng có các cặp đôi yêu nhau, đặc biệt có những đôi đã thành vợ thành chồng vẫn đến đây cầu nguyện được bên nhau bền chặt như “hai cụ”. Chúng tôi cũng có khuyến cáo bà con cũng như khách thập phương không nên quá mê tín mà thêu dệt những câu chuyện không hay về ngôi đình cũng như cây si và cây cọ”.

Kỵ những con vật lông trắng?

CHƯA CÓ CĂN CỨ KHOA HỌC

“Người dân thôn Giang đã từ lâu coi ngôi đình thiêng thờ vua Lý Nam Đế của làng như một báu vật gắn liền với lịch sử, tín ngưỡng, đời sống và phong tục tập quán ở đây. Đặc biệt trong khuôn viên của ngôi đình có cây cọ và cây si quấn quýt vào nhau đã hơn 500 năm tuổi. Hình ảnh này như một biểu tượng cho sự thủy chung, tình yêu và mến khách của người dân nơi đây.

Không những thế, ngôi đình thiêng và hình ảnh cây si, cọ là trung tâm văn hóa của thôn Giang, hội họp trong những dịp lễ tết quan trọng. Thực hư những câu chuyện tâm linh rất khó giải thích, cũng chưa có căn cứ khoa học, nhưng người dân nơi đây rất tin vào sự linh thiêng của ngôi đình” – Ông Kim Văn Vân, trưởng ban văn hóa xã Viên Nội nói

Theo cụ thủ từ Lộ Khắc Lập, đình thôn Giang được vua ban 10 đạo sắc, nhưng vẫn có một đạo sắc được thờ chung với đình thôn Trung, làng kế bên. Điển tích ngày xưa truyền rằng, vào một ngày trời yên biển lặng, có một đạo sắc trôi theo dòng sông Đáy. Đạo sắc trôi đến đoạn sông giữa thôn Giang và thôn Trung.

Hai làng tranh nhau muốn nhận đạo sắc về thờ. Hai làng kiện nhau lên quan trên rồi đến tai nhà vua. Nhà vua mới phân xử "nhị thôn đồng phụng sự" nghĩa là mỗi làng lần lượt thờ đạo sắc một năm. Ngôi đình thôn Giang thờ vua Lý Nam Đế cũng bởi nơi đây ghi dấu bước chân ngựa của đức vua qua làng. Ngày đó Lý Bí đại vương dẫn quân về tập trận ở xã bên. Bởi vậy xuất phát ở đây có câu hát: “Nhong nhong ngựa ông đã về/Cắt cỏ bồ đề cho ngựa ông ăn”.

Cũng theo lời ông Lộ Khắc Lập, cách đây mấy năm do bờ tường của đình xuống cấp nên dân làng tiến hành tu tạo. Trong lúc đào móng đặt gạch, bất ngờ dưới nền đất xuất hiện con rắn to lù lù trườn lên. Ai nấy đều lo sợ nhưng con rắn không hề dọa người như thông thường. Ngược lại nó tỏ ra ngoan ngoãn nhìn xung quanh hồi lâu rồi bò tiếp vào gốc cây si - cọ. Người dân cho rằng bậc thần linh “hóa thần rắn” hiển linh và tạm lánh đi để con cháu xây tường mới. “Chúng tôi phải thắp nhang vái xin các ngài, đợi con rắn đi khỏi mới dám tiến hành tiếp công việc”.

Đặc biệt ở trong thôn Giang tuyệt đối không ai nuôi những con vật, gia súc, gia cầm có lông màu trắng như trâu, ngựa, lợn, gà, chó mèo trắng. Trong thôn có thờ một vị thần rất linh thiêng có tên húy là Bạch Lang. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, ngày trước có một viên quan lớn đi ngựa trắng qua đền Bạch Lang, con ngựa trắng hí lên mấy tiếng rồi tự nhiên lăn đùng ra chết. Bởi vậy, không ai nuôi con vật lông trắng để tránh xúc phạm đến tên húy của Ngài.

Một điều lạ là riêng ở nơi đây người ta không được gọi là khoai lang mà phải gọi là khoai dây. Với tất cả các loại quả bí xanh, bí đỏ, dây hoa thiên lý đều gọi chung là quả bầu vì vua Lý Nam Đế tên húy là Lý Bí nên phải tránh. “Dù chưa có ai bị trừng phạt vì gọi tên húy của Ngài, nhưng người dân vì tôn kính nên bao đời vẫn tránh gọi những tên “nhạy cảm ” đó ” – ông Kim Bùi Soạn nói.
Trần Toản - Lưu Minh (Dòng Đời) (Trần Toản - Lưu Minh (Dòng Đời))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem