Thúc đẩy đổi mới công nghệ, chuyển đổi số để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường

Thanh Tùng Thứ ba, ngày 20/06/2023 13:06 PM (GMT+7)
Ngày 20/6, tại Hà Nội, Ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của LHHKHKT Việt Nam phối hợp với Trung tâm Con người và Thiên nhiên tổ chức Hội thảo "Xã hội hóa nguồn lực bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu".
Bình luận 0

Hội thảo được tổ chức với mục đích truyền tải mạnh mẽ thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên, sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thúc đẩy đổi mới công nghệ, chuyển đổi số để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo "Xã hội hóa nguồn lực bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu". Ảnh: Thanh Tùng

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, PGS.TS Phạm Quang Thao – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, cho biết: "Với vai trò là tổ chức chính trị-xã hội của đội ngũ trí thức KH&CN Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời gian qua thực hiện nhiều nội dung nhằm góp phần trực tiếp hoặc gián tiếp thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường".

Thúc đẩy đổi mới công nghệ, chuyển đổi số để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường - Ảnh 2.

PGS.TS Phạm Quang Thao – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Ảnh: Thanh Tùng

Đánh giá cao sáng kiến của Ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Liên hiệp Hội Việt Nam trong việc tổ chức Hội thảo "Xã hội hóa nguồn lực bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu" vào đúng dịp Tháng hành động vì môi trường, Ngày Môi trường Thế giới 5/6, ngày Đa dạng sinh học 22/5, Phó Chủ tịch LHHKHKT Việt Nam, cho biết: "Ngày Đa dạng sinh học 22/5/2023 với chủ đề được Liên hợp quốc chọn là Ngày Quốc tế đa dạng sinh học với mục tiêu nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động về đa dạng sinh học. 

Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2023 được Liên hợp quốc phát động với chủ đề "Từ thỏa thuận đến hành động: Phục hồi đa dạng sinh học" nhằm kêu gọi chính phủ các nước nhanh chóng biến các cam kết thành hành động để ngăn chặn và đẩy lùi sự suy giảm đa dạng sinh học, hướng tới xây dựng một tương lai "Sống hài hòa với thiên nhiên".

Ngày Môi trường Thế giới 05/6/2023 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề "Giải pháp cho ô nhiễm nhựa" (Solutions to Plastic Pollution), trong đó tập trung thực hiện chiến dịch "Chống ô nhiễm nhựa" (Beat Plastic Pollution).

Chủ đề năm nay nhằm truyền tải mạnh mẽ thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lí tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu; kiểm soát, giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa thông qua các chính sách, sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực; hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn; tăng cường tái chế, tái sử dụng; thúc đẩy xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững; thực thi hiệu quả chính sách chống rác thải nhựa".

Thúc đẩy đổi mới công nghệ, chuyển đổi số để bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường - Ảnh 3.

Câu chuyện thúc đẩy xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững thu hút sự quan tâm của các đại biểu. Ảnh: Thanh Tùng

Theo chia sẻ của TS. Trần Văn Miều - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam: "Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong 12 trung tâm ĐDSH cao của Thế giới, có các hệ sinh thái tự nhiên phong phú và đa dạng về các nguồn gen động, thực vật quý hiếm và đặc hữu chỉ phân bố ở Việt Nam mà không có nơi nào trên Thế giới có được. Hiện nay, nước ta có 176 khu bảo tồn, trong đó có 34 vườn quốc gia; 66 khu dự trữ thiên nhiên; 18 khu bảo tồn loài và sinh cảnh; 58 khu bảo vệ cảnh quan. Trong đó có 10 khu đất ngập nước được công nhận là khu Ramsar thế giới, 10 vườn Di sản ASEAN và 2 khu di sản thiên nhiên thế giới là Vịnh Hạ Long và Tràng An Ninh Bình.

Do đó, Bảo tồn đa dạng sinh học Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, có điểm khởi đầu và không có điểm kết thúc. Bảo tồn ĐDSH, BVMT và ứng phó với BĐKH tuy ba, nhưng là một. Bảo tồn ĐDSH là một trong những nội dung quan trọng trong BVMT;  BVMT và bảo tồn ĐDSH là bảo vệ các yếu tố thiên nhiên nhằm giảm sự nóng lên của Trái đất. Ba nhiệm vụ này thực chất cùng hướng đến mục tiêu nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, chuyển đổi xanh và Kinh tế tuần hoàn trên Thế giới và ở Việt Nam".

Với mục tiêu xã hội hóa nguồn lực để bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học, ông  Nguyễn Văn Phấn - Giám đốc Trung tâm GD&TT môi trường, cho rằng: "Hiện nay nhiều quốc gia phát triển, đang phát triển, giàu hay nghèo trên thế giới đều quan tâm đến Xã hội hóa nguồn lực trong BVMT, Ứng phó với BĐKH, bảo tồn ĐDSH.

 Một số quốc gia như Singapore, Nhật bản, Hà Lan, Đức, Bỉ đã thực hiện rất thành công Xã hội hóa, người phát sinh chất thải phải chi trả tiền, người vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm minh, còn người thu gom, xử lý chất thải, ngành công nghiệp, dịch vụ môi trường được Chính phủ khuyến khích tạo điều kiện hỗ trợ giúp đỡ phát triển, mọi người dân, doanh nghiệp đều có trách nhiệm và quyền lợi khi tham gia Xã hội hóa BVMT, Ứng phó với BĐKH, bảo tồn ĐDSH. Nhà nước chỉ đóng vai trò kiểm tra, giám sát, hỗ trợ cơ chế chính sách, luật pháp và hỗ trợ khi gặp khó khăn.

Lý do cần Xã hội hóa là Việt Nam đang trong thời kỳ đẩy mạnh Công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước cùng với gia tăng dân số, đô thị hóa mạnh mẽ đã tạo sức ép khai thác tài nguyên thiên nhiên, sử dụng nhiều nguyên nhiên liệu, năng lượng, phát sinh nhiều chất thải rắn, lỏng, khí làm tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, phát sinh khí nhà kính gây biến đổi khí hậu, đe dọa tới sức khỏe người dân và làm thay đổi môi trường sinh thái, đe dọa bảo tồn đa dạng sinh học".

Theo ông Phấn, để BVMT, Ứng phó với BĐKH, bảo tồn ĐDSH rất cần có sự chung tay của toàn xã hội. Hiện nay ngân sách Nhà nước dành cho bảo vệ môi trường hàng năm rất hạn hẹp (1% tổng chi ngân sách), lại chỉ tập trung cho các dự án lớn, yêu cầu vốn đầu tư cao như xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị, BVMT lưu vực sông, giải quyết triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, kè đê biển, đê sông ứng phó với BĐKH …, 

Do đó cần phải huy động nguồn lực Xã hội hóa để thực hiện thành công sự nghiệp BVMT, Ứng phó với BĐKH, bảo tồn ĐDSH, đúng như lời Hồ Chủ Tịch đã căn dặn "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, Khó vạn lần dân liệu vẫn xong" đã thể hiện rõ tầm quan trọng của Xã hội hóa.

Trong khuôn khổ hội nghị, các tổ chức, nhà khoa học, nhà quản lý đã cùng nhau chia sẻ, thảo luận để thúc đẩy các cơ chế, chính sách nhằm thực hiện tốt hơn chủ trương xã hội hóa, huy động nguồn lực hiệu quả để chung tay góp phần vào mục tiêu quốc gia và toàn cầu về bảo tồn thiên nhiên, thích ứng biến đổi khí hậu đồng thời cùng hành động để bảo tồn thiên nhiên, điều hòa khí hậu, giảm thiểu ô nhiễm, góp phần phát triển bền vững đất nước.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem