Thủ tướng: Từ 10-15/3 khả năng xảy ra cao điểm xâm nhập mặn ở ĐBSCL, kiên quyết không để người dân thiếu nước sinh hoạt

Bình Minh Thứ bảy, ngày 09/03/2024 08:41 AM (GMT+7)
Từ ngày 10-15/3/2024 có khả năng sẽ xảy ra đợt cao điểm về xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL. Để chủ động ứng phó, ngày 8/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện yêu cầu các bộ, địa phương liên quan tập trung ứng phó đợt xâm nhập mặn cao điểm tại ĐBSCL.
Bình luận 0

Công điện nêu rõ: Những ngày qua tại các tỉnh Nam Bộ đã xảy ra nắng nóng kéo dài, tại một số địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đã xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của người dân, nhiều hộ dân đã gặp khó khăn về nước sinh hoạt, nhất là tại khu vực ven biển các tỉnh: Bến Tre, Tiền Giang, Sóc Trăng.

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, từ ngày 10 đến 15 tháng 3/2024 có khả năng sẽ xảy ra đợt cao điểm về xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt tại nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Hậu Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng.

Để chủ động ứng phó với nguy cơ xâm nhập mặn cao, thiếu nước ngọt cục bộ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh: Chủ động bố trí nguồn lực của địa phương, huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ, triển khai ngay các biện pháp cần thiết phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương nhằm bảo đảm nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân, kiên quyết không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt hoặc phải sử dụng nước sinh hoạt không bảo đảm chất lượng.

Thủ tướng: Từ 10-15/3 khả năng xảy ra cao điểm xâm nhập mặn ở ĐBSCL, kiên quyết không để người dân thiếu nước sinh hoạt- Ảnh 1.

Xe cung cấp nước sạch cho người dân tại Sóc Trăng hồi tháng 2 năm 2020. Ảnh: XC

Tổ chức theo dõi chặt chẽ, nắm bắt đầy đủ, kịp thời thông tin về tình hình thiếu nước, xâm nhập mặn tại từng khu vực trên địa bàn để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó cụ thể phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, theo chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung chỉ đạo theo dõi sát diễn biến nguồn nước, dự báo, cung cấp thông tin kịp thời về tình hình nguồn nước trên sông Mê Công và xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long để các cơ quan chức năng, các địa phương và người dân biết, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt, xâm nhập mặn, không để xảy ra bị động, bất ngờ.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tổ chức theo dõi diễn biến để có dự báo chuyên ngành về nguồn nước, chất lượng nước, nguy cơ thiếu nước, xâm nhập mặn để cung cấp thông tin cho các địa phương và người dân; đồng thời chủ động chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai phòng, chống thiếu nước, xâm nhập mặn phù hợp với diễn biến thực tế tại từng khu vực, hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương nghiên cứu, triển khai các phương án để từng bước chủ động nguồn nước sinh hoạt cho người dân tại các khu vực thường xuyên xảy ra thiếu nước, xâm nhập mặn hàng năm.

Các Bộ, ngành khác chủ động chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ địa phương ứng phó với nguy cơ thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm đời sống người dân theo chức năng quản lý nhà nước được giao.

Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, đồng bằng sông Cửu Long đang vào giai đoạn giữa mùa khô 2023-2024, cao điểm của nắng nóng và xâm nhập mặn.

Dự báo nguồn nước về khu vực này trong tháng 3-2024 vẫn ở mức thấp, kéo theo tình trạng xâm nhập mặn từ nay đến giữa tháng 3 sẽ lên mức cao. Điều này có khả năng ảnh hưởng đến khoảng 40.000 hecta lúa. Một số tỉnh có diện tích trồng lúa ảnh hưởng nhiều như Tiền Giang hơn 1.400 ha, Bến Tre 7.500 ha, Trà Vinh 13.000 ha và tỉnh Cà Mau 15.000 ha. Ngoài ra, khoảng 43.300 ha vùng trồng cây ăn trái cũng bị thiếu nước ngọt như tỉnh Long An với 3.100 ha, Tiền Giang 21.800 ha, Bến Tre 16.000 ha, Sóc Trăng 3.400 ha.

Ngoài ra, khoảng 43.300 hecta vùng trồng cây ăn trái cũng bị thiếu nước ngọt như tỉnh Long An với 3.100 hecta, Tiền Giang 21.800 hecta, Bến Tre 16.000 hecta, Sóc Trăng 3.400 hecta.

Trong tháng 3 này, ở vùng các cửa sông Cửu Long, ranh mặn 4g/l có khả năng xâm nhập từ 45-65 km, tùy từng cửa sông. Mức này cao hơn 4-9 km so với năm 2023. Xâm nhập mặn còn gây ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi cách biển từ 50-60 km trong các kỳ triều cường.

Ranh mặn 4g/l lớn nhất trên sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây ở mức 80-85 km, cao hơn 13-15 km so với năm trước. Xâm nhập mặn ảnh hưởng đến khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi cách biển từ 75 km trở xuống vào các ngày triều cường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem