Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Loại trừ sự "lai căng" sản phẩm thổ cẩm

Duy Hậu Thứ ba, ngày 15/01/2019 06:55 AM (GMT+7)
Tối 14.1, tại thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông), "Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ nhất, tại Đắk Nông" đã chính thức khai mạc với sự tham gia của hơn 2.000 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, vận động viên quần chúng là đồng bào các dân tộc thiểu số đại diện cho 17 tỉnh, thành trong cả nước.
Bình luận 0

Với chủ đề “Văn hóa thổ cẩm - Tinh hoa hội tụ”, chương trình nghệ thuật tại đêm khai mạc đã tái hiện quá trình hình thành, phát triển, ý nghĩa của văn hóa thổ cẩm trong đời sống của đồng bào các dân tộc.

img

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ khai mạc.

Theo Ban tổ chức, Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ nhất sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 14 - 16.1. Lễ hội có các hoạt động đáng chú ý như: triển lãm không gian văn hóa thổ cẩm, không gian văn hóa ẩm thực, trình diễn thời trang thổ cẩm, hội thảo văn hóa thổ cẩm, lễ hội đường phố, phục dựng nghi lễ truyền thống…

Lễ hội được xem là sự kiện nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị thổ cẩm, một di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc Việt Nam; đồng thời chào mừng kỷ niệm 15 năm thành lập tỉnh Đắk Nông (2004 - 2019).

img

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông phát biểu khai mạc Lễ hội.

Phát biểu khai mạc Lễ hội, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, Trưởng Ban tổ chức, cho biết, nếu cồng chiêng là bức tranh sôi động thể hiện tiếng nói của người dân Tây Nguyên, thì thổ cẩm lại là bức tranh tĩnh chân thật, đa sắc màu được thêu dệt từ những ước vọng về cuộc sống cộng đồng của các dân tộc bản địa.

Qua bàn tay khéo léo, tài hoa của các nghệ nhân, tinh hoa của núi rừng đã được thổi hồn vào những tấm thổ cẩm, một nét văn hóa độc đáo trong sinh hoạt của người dân gắn với truyền thống của mỗi dân tộc. Hoa văn thổ cẩm mang một nét đẹp quyến rũ trong lễ trưởng thành, chúc phúc, ma chay, cưới xin, mừng lúa mới…hòa âm trong cồng chiêng đại ngàn.

img

Đêm khai mạc có sự góp mặt của Hoa hậu Ngọc Hân và H'Hen Niê.

"Tuy nhiên, trước xu thế phát triển và hội nhập mang tính toàn cầu, văn hóa thổ cẩm đã dần bị mai một. Vì vậy, việc tổ chức "Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ nhất, tại Đắk Nông" sẽ góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, khôi phục và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam"- bà Hạnh cho biết.

Tham dự Lễ hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cho biết, thổ cẩm được sáng tạo từ ngàn xưa, trong quá trình lao động sáng tạo do bàn tay khối óc con người được lưu giữ, lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Thổ cẩm không chỉ có vai trò đặc biệt đối với đời sống của các đồng bào dân tộc mà còn góp phần quan trọng làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần các dân tộc Việt Nam.

img

Tiết mục văn nghệ tại đêm khai mạc.

Vì thế theo Thủ tướng, cần phải nhìn ra khía cạnh kinh tế với những tiềm năng trong từng tấm thổ cẩm mà đồng bào đã cần cù làm ra với tất cả niềm tự hào thiêng liêng về bản sắc văn hóa, những nét đặc trưng riêng được chuyển tải bằng chất liệu thổ cẩm.

Thủ tướng cho hay, trong nghị quyết số 6 tại hội nghị trung ương 4 BCH Trung ương Đảng khóa XII khẳng định, xây dựng văn hóa trong kinh tế, khai thác hiệu quả khía cạnh kinh tế của văn hóa, nâng cao giá trị văn hóa trong các sản phẩm mang đặc trưng, đặc sắc của mỗi địa phương.

img

Một tiết mục trong chương trình văn nghệ tại đêm khai mạc.

Do đó, Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, đặc biệt là Bộ VH-TT & DL cần tích hợp khía cạnh văn hóa các sản phẩm thổ cẩm gắn với từng vùng miền, từng cộng đồng vào chiến lược phát triển du lịch. Đặc biệt các mô hình du lịch văn hóa cộng đồng trải nghiệm từ các vùng miền núi Tây Bắc đến Tây Nguyên…để mỗi tấm thổ cẩm dệt ra đều chứa đựng một câu chuyện đặc sắc về lịch sử, bản sắc văn hóa của 54 dân tộc anh em…

Để từ đó một trong những quà tặng của những vị lãnh đạo đối với những nhà lãnh đạo quốc tế trong những chuyến công du chính là những sản phẩm thổ cẩm của đồng bào ta, trong đó có thổ cẩm của đồng bào Đắk Nông.

img

Hàng ngàn người dân thị xã Gia Nghĩa tham dự đêm khai mạc Lễ hội.

Cũng theo Thủ tướng, các đơn vị cần nghiên cứu, tiếp cận để đưa thổ cẩm vào sản xuất các sản phẩm cao cấp. “Ngành thương mại của Việt Nam hiện nay đã được Quốc tế quan tâm và đánh giá cao, tôi tin rằng nếu có quyết tâm và chiến lược đúng đắn chúng ta có thể làm ra được điều tương tự với các sản phẩm thổ cẩm Việt Nam”- Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, bên cạnh việc nghiên cứu các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hơn nữa khả năng bảo tồn các sản phẩm thổ cẩm thì cũng phải kiên quyết loại trừ sự lai căng, làm giả, làm dối các sản phẩm thổ cẩm...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem