Thủ tướng dự Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ VN

Thành An Thứ năm, ngày 09/05/2019 08:29 AM (GMT+7)
Sáng nay (9.5), tại Hà Nội diễn ra Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam có chủ đề: “Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường” và khẩu hiệu hành động “Make in Vietnam”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự và phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn.
Bình luận 0

Với chủ đề: “Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường”, với khẩu hiệu hành động “Make in Vietnam”, các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ phải dùng công nghệ của nhân loại để giải quyết vấn đề Việt Nam, bài toán Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) Phan Tâm - Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn nhận định, Diễn đàn phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam là sự kiện hàng đầu đối với cộng đồng ứng dụng, chuyển giao, nghiên cứu, phát triển công nghệ. Đây là nơi chia sẻ, truyền cảm hứng, đề xuất giải pháp, ý tưởng đột phá, huy động và tập hợp nguồn lực của cả xã hội để phát triển hàng chục, hàng trăm nghìn doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.

img

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giới thiệu với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc các sản phẩm của doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. (Ảnh: Quỳnh Trang - Zing).

Theo Thứ trưởng Phan Tâm, cơ hội hóa rồng cho Việt Nam đang đến với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư dựa trên nền tảng của nhiều công nghệ mới mà cốt lõi là công nghệ số ICT, lĩnh vực mà người Việt Nam có nhiều tiềm năng.

Tương lai và triển vọng kinh tế của mỗi quốc gia không nằm trên đường kéo dài của quá khứ, nên một quốc gia đang phát triển, với ít hành trang của quá khứ, hoàn toàn có thể đi nhanh hơn và đuổi kịp các nước phát triển.

Dự kiến, Diễn đàn sẽ thu hút khoảng 1.000 đại biểu gồm lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là hàng trăm chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ uy tín trong và ngoài nước cũng như các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam.

“Vì vậy, ứng dụng và phát triển công nghệ, xây dựng cộng đồng 100.000 doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ là một trong các giải pháp đột phá để kinh tế Việt Nam bứt phá, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045”, Thứ trưởng Bộ TTTT Phan Tâm nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo Bộ TTTT, trong khu vực, các quốc gia như: Nhật Bản, Hàn Quốc … đã trở thành những con rồng châu Á, những cường quốc thế giới chỉ trong khoảng vài thập kỷ dựa vào phát triển công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông trong những năm gần đây.

Các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ như Toshiba, Samsung, LG, Sony, Foxconn… đã đi đầu trong phát triển nhiều công nghệ mới của thế giới và qua đó tạo dựng sức mạnh kinh tế của các quốc gia này.

Do vậy, việc phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt tạo ra giá trị gia tăng Việt Nam trên cơ sở huy động mọi tiềm năng và sức mạnh trí tuệ của con người Việt Nam được kỳ vọng tạo ra động lực tăng trưởng mới, nhanh và bền vững. Trong “sân chơi” này, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ ở thế chủ động, từ thiết kế đến sản xuất những sản phẩm “Make in Vietnam”.

Lý giải về sự chuyển đổi từ "Made in Vietnam" thành "Make in Vietnam", bà Tô Thị Thu Hương - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ TTTT) cho biết, khẩu hiệu "Make in Vietnam" là câu tiếng Anh có khả năng tạo hiệu ứng truyền thông tốt.

"Đặc biệt, thay vì sự bị động trong "Made in Vietnam", "Make in Vietnam" thể hiện sự chủ động của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trong sản xuất, thiết kế sản phẩm công nghệ, thể hiện khao khát của người Việt Nam trong việc làm chủ công nghệ", bà Tô Thị Thu Hương nói.

Về việc tổ chức diễn đàn, ô Hùng Trần - Giám đốc công nghệ của Got It cho biết, nếu phát triển kinh tế là các công ty công nghệ thành công sẽ mang lại giá trị nhiều hơn trong thời gian ngắn hơn, so với công ty truyền thống và đây là cách nhanh nhất để có nền kinh tế mạnh, mặc dù việc này sẽ vô cùng khó chứ không dễ như nói.

Đại diện doanh nghiệp cũng cho rằng, đối với doanh nghiệp công nghệ, đội ngũ kỹ sư giỏi giữ vai trò nòng cốt để quyết định thành công. Tại Việt Nam, nhân sự công nghệ thông tin rất nhiều nhưng để làm ra sản phẩm thì không dễ. Đa số kỹ sư Việt Nam còn thiếu kỹ năng mềm, Tiếng Anh… Tuy vậy, “các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam không nên tự bó hẹp mình vào một thị trường nhỏ”- ông Hùng Trần nói.

Theo số liệu của Bộ TTTT, năm 2018, Việt Nam có hơn 50.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). Nếu không tính các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ, số lượng doanh nghiệp ICT là trên 30.000 doanh nghiệp. Doanh thu ngành ICT năm 2018 đạt 98,9 tỷ USD, tăng trưởng 8% so với trước đó. Việt Nam được đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển công nghệ thông tin, truyền thông và đưa quốc gia nhanh chóng phát triển.

Diễn đàn diễn ra với 4 phiên thảo luận, diễn đàn dự kiến sẽ ghi nhận nhiều ý tưởng, giải pháp nhằm phát triển doanh nghiệp công nghệ.

Các chủ đề thảo luận bao gồm: Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam giải quyết bài toán Việt Nam; Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình; Chính sách và giải pháp phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam; Giải pháp, kết nối các doanh nghiệp công nghệ.

Bên lề Diễn đàn có triển lãm trưng bày một số sản phẩm, giải pháp công nghệ đã được ứng dụng trong thực tiễn, tiềm năng lớn, hiệu quả kinh tế xã hội mang lại cao do các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sản xuất và cung cấp. 

Khu trưng bày được thiết kế và chia theo 5 khu vực: Công nghiệp 4.0; Kinh tế, tài chính, thương mại điện tử; Giao thông, xây dựng và tài nguyên, môi trường; Y tế, du lịch; Nông nghiệp và Chuyển đổi số.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem