Thư ký, Trợ lý – Đừng để tình trạng "cua cậy càng, cá cậy vây"

Xuân Ân Thứ hai, ngày 06/05/2024 10:15 AM (GMT+7)
Được ví như "người gác cửa", cánh tay đắc lực giúp việc cho lãnh đạo, thủ trưởng, nhưng thời gian qua, không ít trường hợp Thư ký, Trợ lý đã không thắng được sự cám dỗ tiền tài vật chất, lợi dụng vị trí, vai trò của mình để trục lợi rồi vướng vào vòng lao lý.
Bình luận 0

LỜI TOÀ SOẠN: Vừa qua, vụ việc ông Phạm Thái Hà, Trợ lý của nguyên Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bị bắt với tội danh lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng để trục lợi liên quan đến sai phạm ở Tập đoàn Thuận An đã gây chấn động dư luận xã hội.

Trước đó, một số vụ đại án mà người liên quan đều giữ chức vụ Trợ lý, Thư ký của các vị lãnh đạo cấp cao trong bộ máy hành chính công quyền như vụ ông Nguyễn Huỳnh - Thư ký của Bộ trưởng Bộ Y tế đòi Công ty Việt Á "lại quả" hơn 2 triệu USD trong vụ án kit xét nghiệm, ông Phạm Trung Kiên - Thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên – nhận "lót tay" 42,6 tỷ đồng trong vụ "chuyến bay giải cứu", ông Nguyễn Quang Linh (cựu Trợ lý nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ), nhận tiền lót tay cũng trong vụ án trên…

Cần phải khẳng định, vị trí Thư ký, Trợ lý có vai trò rất quan trọng trong bộ máy hành chính Nhà nước, là người gác cửa, giúp việc, cánh tay phải hỗ trợ đắc lực cho các vị lãnh đạo trong xử lý công việc hàng ngày. Đa số những người giữ vị trí quan trọng này thời gian qua đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, những trường hợp nêu trên chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh".

Tuy nhiên, với vai trò là người gác cửa cho các vị lãnh đạo cấp cao, những "Trợ lý", "Thư ký" cũng rất dễ bị cám dỗ, sa ngã... nếu như không giữ được sự tỉnh táo và bản lĩnh vững vàng. 

Vậy vị trí này cần làm gì để tránh những cám dỗ mà vị trí của họ đưa lại, thực sự trở thành cánh tay đắc lực giúp việc cho các vị lãnh đạo cấp cao, đóng góp hiệu quả giúp cho lãnh đạo đưa ra những quyết sách đúng đắn có lợi cho dân, cho nước.

Loạt bài "Trợ lý, Thư ký – Đừng để tình trạng "cua cậy càng, cá cậy vây" của Báo NTNN/Dân Việt sẽ giúp bạn đọc giải đáp những câu hỏi trên.

Khi lỗ hổng đến từ người "gác cửa" (Bài 1)

Được ví như "người gác cửa", cánh tay đắc lực giúp việc cho lãnh đạo, thủ trưởng, nhưng thời gian qua, không ít trường hợp Thư ký, Trợ lý đã không thắng được sự cám dỗ tiền tài vật chất, lợi dụng vị trí, vai trò của mình để trục lợi rồi vướng vào vòng lao lý.

Sếp có tiền, thư ký cũng được "chúc Tết"

Trao đổi với Dân Việt, TS Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ chia sẻ: Thư ký và Trợ lý là những vị trí có vai trò, chức năng riêng. Thư ký thường làm các công việc hành chính, sắp xếp, lên kế hoạch, lịch trình còn Trợ lý là những người giúp việc cho thủ trưởng trong xử lý công việc.

Trợ lý có chức năng, nhiệm vụ ghi nhận thông tin của tất cả các văn bản gửi đến để xem xét và có ý kiến tham mưu; đề xuất nội dung, tham gia đóng góp những vấn đề mà thủ trưởng cần phải cho ý kiến... Trợ lý cũng là người xem xét những đề xuất đối với một cái vấn đề, một địa phương hoặc một nội dung công việc để báo cáo, trao đổi lại với thủ trưởng. Trên cơ sở đó, thủ trưởng với tư duy, vị trí, chức năng của mình sẽ ra các nghị quyết, chỉ đạo hợp lý.

Như vậy, Trợ lý có vai trò hết sức quan trọng và rất gắn bó với người thủ trưởng, lãnh đạo trực tiếp của mình. Tuy vậy, với vị trí quan trọng như vậy, nếu người làm Thư ký, Trợ lý không rèn luyện bản lĩnh để vượt qua cám dỗ, họ sẽ tạo ra những "lỗ hổng" ở chính nơi họ "gác cửa" và gây ra những hệ luỵ không chỉ cho mình mà cho chính người lãnh đạo của mình.

Trong các vụ đại án thời gian gần đây, có một số vị Thư ký, Trợ lý vướng vòng lao lý, trên cương vị công tác họ đã lợi dụng chức trách và phải trả giá cho hành vi vi phạm. Một buổi tối năm 2020, Nguyễn Huỳnh, Thư ký ông Nguyễn Thanh Long, khi đó là Thứ trưởng Bộ Y tế, tâm sự với Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Việt Á, việc có mua ô tô Volvo XC90 (giá hiện tại hơn 4 tỷ đồng), phải vay tiền ngân hàng.

Sau tối đó, nhân viên của Phan Quốc Việt tìm gặp Huỳnh trước một khách sạn, chuyển một túi vải màu xanh, trong có 4 cọc, mỗi cọc 10 tệp, mỗi tệp 100 tờ 500.000 đồng. Tổng số 2 tỷ đồng này, theo Việt là để giúp Huỳnh trả nợ, kết luận điều tra vụ án Việt Á nêu.

Thư ký, Trợ lý – Đừng để tình trạng "cua cậy càng, cá cậy vây" - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Huỳnh bị cáo buộc nhận hối lộ cho cá nhân và cho lãnh đạo của mình. Ảnh: DV

Đầu tháng 2/2021, Huỳnh lại gọi điện cho Phan Quốc Việt, truyền đạt ý kiến của Thứ trưởng Long "đang cần số tiền lớn để xử lý công việc". Việt hỏi thêm cụ thể là bao nhiêu và nhận câu trả lời 1 triệu USD. Anh ta lập tức đồng ý con số này, chỉ xin cho chút thời gian thu xếp vì gần Tết Âm Lịch, khó xử lý nguồn.

Cuối tháng, Phan Quốc Việt tự tay mang túi đựng 1 triệu USD và 2 tỷ đồng đến nhà Nguyễn Huỳnh, nói 1 triệu USD gửi ông Long còn 2 tỷ đồng là: "Có chút ít chúc Tết anh".

Cơ quan tố tụng làm rõ, thông qua Nguyễn Huỳnh, ông Nguyễn Thanh Long nhiều lần yêu cầu và được Phan Quốc Việt "tặng" tổng cộng 2,25 triệu USD. Huỳnh cũng được Việt cho 4 tỷ đồng. Lý do, cả ông Long và thư ký của mình đã nhiều lần giúp Công ty Việt Á chiếm đoạt kết quả nghiên cứu kit test Covid-19 rồi sản xuất thương mại, bán với giá cao.

Thư ký, Trợ lý có thể coi là người gác cửa cho lãnh đạo nhưng nhiều trường hợp, chính họ lợi dụng việc này để trục lợi cho bản thân hoặc cấp trên. Ngay trong vụ án Công ty Việt Á, một Trợ lý của Phó Thủ tướng là Nguyễn Văn Trịnh cũng bị cáo buộc giúp doanh nghiệp này trục lợi bất chính, gây thiệt hại 1.235 tỷ đồng.

Tại tòa tòa sơ thẩm hồi đầu năm, ông Trịnh thừa nhận cáo buộc của Viện Kiểm sát là "thỏa đáng" và bản thân ông cũng được Phan Quốc Việt "cảm ơn" 200.000 USD sau khi thực hiện những hành vi sai phạm. Vị này còn cho hay đã sửa văn bản họp của Bộ Y tế để giúp Việt.

Chủ tọa phiên sơ thẩm có hỏi, tại sao bị cáo là người thuộc Chính phủ, không phải người của Bộ Y tế nhưng lại sửa được văn bản họp giao ban của đơn vị này? Ông Trịnh đáp: "Khi đó, thủ trưởng của bị cáo (tức nguyên Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam) đang phụ trách Bộ Y tế, có giao bị cáo và Chánh Văn phòng Bộ phụ trách việc đó". Do vậy, trước mỗi khi Bộ Y tế ra công văn, phía Văn phòng Bộ sẽ gửi mail và bản giấy cho ông ta xem trước, góp ý rồi mới phát hành.

Lãnh đạo đã ký nhưng "chưa có tiền chưa đóng dấu"

Một trường hợp thư ký trục lợi khác xảy ra trong vụ án chuyến bay giải cứu. Tại tòa, bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, bị hàng loạt bị cáo khác là chủ doanh nghiệp tố vòi tiền, phải chi 150 triệu đồng/chuyến bay được cấp phép.

Ông Kiên bị xác định lợi dụng vị trí của mình trong quá trình chuyển hồ sơ phê duyệt chuyến bay giải cứu, nhận hối lộ 253 lần, tổng số hơn 42,6 tỷ đồng, nhiều nhất trong vụ án.

Những bị cáo trong nhóm doanh nghiệp khai Kiên yêu cầu họ phải đưa tiền cố định là 150 triệu đồng/chuyến. Như Đào Minh Dương, Chủ tịch Công ty Vijasun, cho hay lần đầu gặp Thư ký Thứ trưởng khi được Samsung và LG nhờ lên Bộ Y tế xin tiêm vắc xin cho công nhân.

"Tôi nhớ từng chi tiết, bị cáo Kiên quát bị cáo Lê Hồng Sơn (Giám đốc doanh nghiệp khác), nói to gấp rưỡi trong một phòng họp Bộ Y tế, yêu cầu phải chi mấy triệu một khách. Sơn nói như vậy cao, xin 100 triệu/chuyến và Kiên đòi 150 triệu một chuyến", Dương kể.

Vị Giám đốc nói thêm thấy Kiên như vậy nên không báo lại việc tiêm vắc xin với Giám đốc LG và Samsung bởi "không thể làm việc với một con người như vậy".

Thư ký, Trợ lý – Đừng để tình trạng "cua cậy càng, cá cậy vây" - Ảnh 2.

Thư ký Phạm Trung Kiên, người đã có hàng trăm lần nhận hối lộ trong quá trình cấp phép cho các chuyến bay giải cứu.

Về các chuyến bay giải cứu, Công ty của Dương được cấp phép 17 chuyến và bị Kiên ép chuyển 150 triệu đồng/chuyến trước mỗi khi cấp phép. Anh ta khẳng định: "Tôi bị ép Công ty của tôi phải đưa tiền chứ tôi không muốn đưa".

"Cứ 8h30, khi tôi vừa đến thang máy tòa nhà Lotte là Kiên gọi điện. Lúc đó đang là thời kỳ dịch Covid - 19, nghe điện thoại trong thang máy bị cấm nhưng Kiên gọi liên tục, tôi phải cho nhân viên nghe. Nhân viên báo lại anh Kiên muốn gặp anh và lại đòi tiền. Anh ta gửi ảnh quyết định phê duyệt chuyến bay, nói Thứ trưởng ký rồi, anh chuyển tiền thì mới có dấu", Dương khai.

Phần mình, Phạm Trung Kiên nhiều lần bác bỏ việc ép buộc các doanh nghiệp phải đưa tiền. Anh ta giải thích việc nhận hối lộ hơn 42,6 tỷ đồng bởi: "Các doanh nghiệp chủ động tìm đến, tự đưa ra mức chi thì bị cáo nhận".

Không đơn thuần là "cua cậy càng"

Ý kiến của luật sư Lê Vĩnh Thụy (Đoàn Luật sư Hà Nội) khi bình luận về các trường hợp Thư ký, Trợ lý vướng vòng lao lý gần đây. Luật sư đánh giá, trong các trường hợp Thư ký kể trên hoặc như gần đây, một Trợ lý của lãnh đạo cấp cao bị bắt, mọi người thường hiểu đơn giản là họ lợi dụng ảnh hưởng của sếp để trục lợi.

Tuy nhiên, cần hiểu rộng hơn bởi Thư ký, Trợ lý của lãnh đạo thường là "người có thực tài", là những người gác cửa, có vai trò nhất định trong hệ thống cơ quan công quyền, theo luật sư Thụy. Công tác nhân sự là "then chốt của then chốt" và các lãnh đạo, nhất là lãnh đạo cấp cao chắc chắn chọn người có năng lực để cùng làm việc.

Ảnh hưởng của Thư ký, Trợ lý với người khác đến từ nhiều nguồn, không chỉ đơn thuần là "ăn theo" quyền lực người lãnh đạo của họ, như thường nói là "cáo mượn oai hùm". Ví dụ, quá trình làm việc, Thư ký, Trợ lý nếu muốn giúp ai có thể đẩy hồ sơ lên cho lãnh đạo giải quyết sớm hoặc ngược lại là ngâm hồ sơ, gần hết thời hạn quy định mới trình lên.

Qua quá trình làm việc lâu dài, Thư ký, Trợ lý của lãnh đạo có thể xây dựng "quyền lực mềm" của mình, khác với quyền lực chính trị lãnh đạo của họ nắm giữ. 

Như trường hợp của Nguyễn Huỳnh, ông ta giúp lãnh đạo Nguyễn Thanh Long nhận hối lộ 2,25 triệu USD và bản thân cũng được 4 tỷ đồng, cao hơn số Phan Quốc Việt hối lộ một số lãnh đạo cấp Vụ, Cục, Sở nên chứng tỏ, ông ta có vai trò nhất định, dù không phải quan chức.

Pháp luật hình sự đã tính đến các trường hợp này, các tội danh trong chương Tham nhũng – Chức vụ hoàn toàn đủ xử lý, theo luật sư Thụy. Cụ thể, Thư ký, Trợ lý nếu làm sai có thể chịu cáo buộc về các hành vi nhận hối lộ; lợi/lạm dụng chức vụ quyền hạn; lợi dụng ảnh hưởng với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi…

Nhưng luật sư Thụy cho rằng, nếu để xử lý hình sự sẽ "muộn rồi" bởi hậu quả và thiệt hại đã xảy ra. Do vậy, để ngăn chặn tình trạng Thư ký, Trợ lý trục lợi, cần làm ngay từ khâu nêu gương, quản lý và xây dựng quy trình làm việc hợp lý.

"Ông Nguyễn Thanh Long nếu không nhận tiền của Phan Quốc Việt thì Nguyễn Huỳnh cũng không có 4 tỷ đồng. Ông Thứ trưởng Bộ Y tế nếu yêu cầu bản thân ký xong, cấp dưới phải đóng dấu phát hành luôn, Phạm Trung Kiên khó có thể vòi vĩnh doanh nghiệp", luật sư Lê Vĩnh Thụy nêu quan điểm.

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem