Cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế khai về group chat giữa lãnh đạo 5 bộ về chuyến bay giải cứu

Gia Bình - Bách Thuận Thứ ba, ngày 18/07/2023 11:57 AM (GMT+7)
Phạm Trung Kiên nói có nhận 42 tỷ đồng từ các doanh nghiệp tổ chức chuyến bay giải cứu, nhưng cho hay không ép buộc họ. Lý do, lãnh đạo 5 bộ có group chat Viber nên anh ta với vai trò thư ký, không thể “gây ảnh hưởng”.
Bình luận 0

Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế là người nhận hối lộ nhiều nhất trong vụ án chuyến bay giải cứu, với 253 lần, tổng số hơn 42 tỷ đồng. Anh ta bị Viện kiểm sát đề nghị mức án tử hình.

Bào chữa trong sáng 18/7, Kiên "xác nhận hành vi phạm tội như cáo trạng nêu" và cho hay rất ăn năn, gửi lời xin lỗi lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng người dân về "hành động sai trái của mình".

Clip: Cựu Thư ký Thứ trưởng khóc, mong được hưởng án tù có thời hạn để sớm trở về với gia đình.

Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế khai về group chat giữa lãnh đạo 5 bộ về chuyến bay giải cứu - Ảnh 1.

Phạm Trung Kiên nói 5 bộ có group chat, anh ta chỉ là thư ký nên không thể gây khó cho doanh nghiệp.

Anh ta tuy vậy khẳng định không gây khó khăn, ép buộc các doanh nghiệp đưa tiền, việc đưa bao nhiêu là do doanh nghiệp tự nguyện.

Một căn cứ thể hiện việc này, theo Kiên là Tổ công tác 5 bộ có group chat Viber để trao đổi thông tin với nhau. Ví dụ, khi Bộ Ngoại giao có công văn gửi các bộ về cấp phép chuyến bay, bị cáo Tô Anh Dũng khi đó là Thứ trưởng hay cấp dưới Đỗ Hoàng Tùng sẽ báo lên group chat, xin ý kiến các chuyến bay, đề nghị sớm gửi lại ý kiến cho Bộ Ngoại giao.

Clip: Phạm Trung Kiên khai về group Viber của lãnh đạo 5 bộ.

Gần ngày phải trả lời, bị cáo Dũng hoặc Tùng sẽ nhắc lại trên group, đề nghị các bộ nào có văn bản thì khẩn trương trả lời.

"Căn cứ nội dung đó, thể hiện một phần chuyến bay combo là bị cáo không thể làm chậm tiến độ công việc về cấp phép chuyến bay, gây ảnh hưởng kinh doanh của doanh nghiệp", Kiên nói.

Cáo trạng thể hiện, Tổ công tác 5 bộ gồm đại diện của các bộ: Ngoại giao, Công an, Quốc phòng, Y tế, Giao thông Vận tải. Tổ công tác này có thẩm quyền trong việc phê duyệt các chuyến bay giải cứu hình thức combo (người dân trả tiền vé máy bay, cách ly).

Trở lại diễn biến tòa, Phạm Trung Kiên dẫn chứng về một số bị cáo trong vụ đưa hối lộ cho anh ta là tự nguyện. "Trường hợp anh Lê Văn Nghĩa có gọi cho bị cáo sau khi Bộ Y tế ban hành văn bản chấp thuận chuyến bay của Công ty Nhật Minh. Anh Nghĩa gọi, bảo đang ở Khánh Hòa, biết em và Bộ Y tế tạo điều kiện nhưng chưa gặp được, khi nào có chuyến bay nội bộ trong nước sẽ gặp. Một tháng sau, anh Nghĩa gặp, chuyển số tiền như cáo trạng nêu", Kiên khai.

Kiên lấy thêm ví dụ trường hợp bị cáo Nguyễn Tiến Mạnh, cũng "lên gặp" Kiên sau khi Bộ Y tế chấp thuận Công ty Lữ Hành Việt tổ chức các chuyến bay. Anh ta khai: "Mạnh bảo em và bộ giúp chuyến bay nhưng trước đó tuy là Cục Lãnh sự phê duyệt, anh không tổ chức được, chi phí đó em bỏ qua. Sau có chuyến nào, anh gửi chi phí cho em".

Kiên tiếp tục khẳng định: "Bị cáo nhận tiền là đúng nhưng không phải ép bức hay bắt doanh nghiệp đóng tiền cho mình". Anh ta bật khóc, cho hay trong 3 tháng gần đây được gia đình cố nộp tiền, hướng tới "khắc phục triệt để" 42 tỷ đồng nên mong Hội đồng xét xử không tuyên án tử hình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem