Từ vụ "nhà báo quốc tế": Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi!

Phan Đăng Thứ bảy, ngày 11/05/2019 08:45 AM (GMT+7)
Nghĩ đi nghĩ lại, tôi thấy phải cảm ơn trường THPT Nghi Lộc (Hà Tĩnh), vì nếu không có buổi đón tiếp "nhà báo quốc tế" Lê Hoàng Anh Tuấn chắc chắn đã xảy ra chuyện một "con voi" cứ thế chui qua hết "lỗ kim" này đến "lỗ kim" kia.
Bình luận 0

Ba lỗ kim được bịt

Lỗ kim đầu tiên là Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nơi "nhà báo quốc tế" đã đến "thỉnh giảng". Sau khi dư luận đặt nhiều dấu hỏi về tính trung thực của "nhà báo quốc tế", một lãnh đạo Học viện cho biết: "Lê Hoàng Anh Tuấn không phải giảng viên thỉnh giảng, mà chỉ được mời đến nói chuyện về vấn đề báo chí cho sinh viên các lớp đại học".

img

“Nhà báo quốc tế” Lê Hoàng Anh Tuấn tại buổi gặp gỡ hơn 1000 em học sinh trường THPT Nghi Lộc.

Chúng ta hiểu, "thỉnh giảng" đã được hạ xuống thành "nói chuyện" nhưng có lẽ sau hàng loạt những gì đã diễn ra thì bây giờ Học viện Báo chí cũng không dám mời "nhà báo quốc tế" đến nói chuyện cho sinh viên nghe nữa. Lỗ kim thứ nhất được bịt lại.

Lỗ kim thứ hai là Liên chi hội Nhà báo của Học viện, nơi đã chủ động giới thiệu "nhà báo quốc tế" với tư cách "giảng viên thỉnh giảng" để Hội Nhà báo Việt Nam xem xét, cấp thẻ hội viên. Theo quy định, chỉ có giảng viên chính thức mới đủ điều kiện được giới thiệu. Thành thử, giới thiệu một "giảng viên thỉnh giảng" là sai, còn nếu đối tượng được giới thiệu chỉ là người từng đến "nói chuyện với sinh viên" thì càng sai.

Cần nhắc lại, "nhà báo quốc tế" đã được hội kết nạp hội viên Hội nhà báo ngày 1.3, đang ở trong giai đoạn chờ nhận Thẻ hội viên. Nhờ cuộc gặp gỡ với hơn 1000 em học sinh ở trường THPT Nghi Lộc gây xôn xao dư luận mà "lỗ kim" thứ ba cũng đã được lãnh đạo Hội nhà báo bịt lại kịp thời, “nhà báo quốc tế” hết cơ hội thành “nhà báo Việt Nam”.

Một cuộc gặp gỡ tri ân trường cũ tưởng là dịp để "nhà báo quốc tế" quảng bá hình ảnh ai ngờ lại là lúc mà "nhà báo quốc tế" đánh mất hàng loạt cơ hội vốn đã nắm chắc trong tay mình! Ơn trời, may mà nó mất!

Mà theo hiệu trưởng trường THPT Nghi Lộc, buổi gặp gỡ, tri ân ấy là do chính "nhà báo quốc tế" đề xuất. Cái phông nền chào mừng với một lô xích xông các danh hiệu, từ "nhà báo quốc tế" đến "thạc sĩ", "tiến sĩ", "tổng biên tập" cũng do chính "nhà báo quốc tế" mang đến. Có nghĩa, "nhà báo quốc tế" biết mình đang có gì và cần phải làm gì…

Những tấm cardvisit chi chít chữ

Thật lòng, chẳng riêng gì "nhà báo quốc tế", ở xã hội ta có rất nhiều người làm những điều mà "nhà báo quốc tế" đã làm, nhưng có thể ở cấp độ nhẹ hơn chút.

img

Ông Lê Hoàng Anh Tuấn. Ảnh: nguoilambao.vn

Tôi đã từng nhìn thấy những tấm cardvisit chi chit chữ, nơi mà chủ nhân của nó ghi từ A đến Z những nhóm hội mình đang góp mặt, từ hội cây cảnh ở tỉnh đến hội phụ nữ ở quận, từ hội từ thiện ở phường đến cả hội thơ ở xóm. Cứ phải ghi hết ra, tất tần tật như để khẳng định: Tôi vẫn đang có giá trị đấy nhé!

Tôi cũng nhìn thấy những tấm card người ta không chỉ ghi những chức vụ đang có mà còn ghi luôn những chức vụ đã có: Nguyên giám đốc công ty X, nguyên chủ tịch hội Y, nguyên thành viên Ban tư vấn hội Z...

Ghi những chức vụ mình đang có ở một góc độ nào đó cũng có thể là để dễ bề liên lạc công việc, nhưng ghi tất cả những chức vụ mình đã có - từng có - thì chắc chắn không phải như vậy rồi. Ghi như vậy chắc là để gieo vào người đọc một thông điệp: Tôi đã từng lẫm liệt như vậy đấy!

Tôi làm Thư ký toà soạn một tờ báo ra hàng tháng, và thường xuyên nhận được những bài cộng tác của những cộng tác viên - nhà nghiên cứu. Một lần, sau khi bài lên trang, tôi nhận được một cú điện thoại mắng xối xả chỉ vì: "Tại sao cậu bỏ hết học hàm học vị của tôi? Tại sao không ghi hết  chức vụ của tôi? Tại sao không giới thiệu cho đàng hoàng?".

Giải thích đủ kiểu là quy định của toà soạn chỉ đề tên tác giả, chứ không liệt kê học hàm học vị và các chức vụ đi kèm, vị này ngúng nguẩy: "Thế là coi thường tôi đấy nhé!". Định giải thích thêm, coi thường hay không nằm ở chất lượng bài báo, chứ không nằm ở chức vụ hay học hàm học vị của tác giả bài báo thì vị này đã cúp máy, không một lời từ biệt.

Cảm giác như, cái làm nên giá trị của họ, niềm vui của họ, cuộc đời họ chính là cái bằng, cho dù có những người đạt được cái bằng nhờ những hành trình không hề trong sáng.

Thế nên dư luận mới không ngừng xì xầm bàn tán về những ông/ bà tiến sĩ "đểu" hay những vị "tiếng là giáo sư, phó giáo sư mà ăn không nên đọi, nói không nên lời" như nhận xét nóng hổi của Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung.

Tầm vóc con người nằm ở đâu?

Cách đây vài năm, tôi được giao nhiệm vụ hướng dẫn một nhà báo thử việc, và kinh ngạc nhận ra nhà báo này viết cái tin 200 chữ cũng sai be bét, cho dù đã có bằng thạc sĩ. Và đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ màn "đối thoại" của mình với vị thạc sĩ:

- Em có yêu nghề báo không?

- Không!

- Vậy sao lại học báo?

- Do bố mẹ em định hướng!

- Bố mẹ cũng định hướng học thạc sĩ luôn?

- Dạ không!

- Thế tại sao lại học thạc sĩ?

- Em ra trường, thử việc ở vài tờ báo đều không được nhận, chẳng biết làm gì nên đi học thạc sĩ... (?)

Sau gần nửa năm học việc, thạc sĩ báo chí này không được nhận vào toà soạn, vì vẫn không thể viết một cái tin cho tử tế. Mới đây lại giật mình nghe tin cậu này đang làm luận án tiến sĩ..

Hẳn nhiên vẫn có những tiến sĩ thực sự khiến chúng ta khâm phục, những giáo sư thực sự khiến chúng ta phải ngả mũ cả về chuyên môn và nhân cách. Nhưng những tiến sĩ/giáo sư cứ phải sống chết, tìm đủ mọi cách để trở thành tiến sĩ/giáo sư, từ đó luỵ vào cái bằng, cái danh để tìm đường tiến thân có lẽ không phải là số ít.

Trở lại cái danh xưng "nhà báo quốc tế" đã đề cập ở phần đầu bài viết, trên đời này, có "nhà báo quốc tế" thật không? Gõ vào công cụ google thấy ngay một Title báo thế này: "Thẻ nhà báo quốc tế của Lê Hoàng Anh Tuấn giá chỉ... 4 triệu đồng" (vtc.vn). Một bài báo khác dẫn lời lãnh đạo Học viện Báo chí giải thích: Nhà báo quốc tế có thể chỉ là cách để tự gọi nhau, chứ rất khó có một danh xưng chính quy như vậy.

Thực ra có rất nhiều nhà báo tầm cỡ quốc tế thật sự, những người lăn lộn trong khói lửa của những cuộc chiến tranh quốc tế, hoặc săn lùng tin tức, đeo bám nhân vật ở các hội nghị đa phương quốc tế, nhưng họ thường chỉ giới thiệu mình là người của Reuters, BBC, CNN... - giả dụ thế, chứ không bao giờ vỗ ngực giới thiệu là "nhà báo quốc tế". Vì họ hiểu, tầm cỡ quốc tế hay không nằm ở bản chất tin tức mình truyền tải, nằm ở bản chất lao động báo chí mình tham gia, chứ không nằm ở một cái danh xưng hão huyền.

Thế thì một người chưa có thẻ của Hội nhà báo Việt Nam, một người "vua không biết mặt - chúa chẳng biết tên" trong làng báo Việt Nam đột nhiên xuất hiện và đột nhiên giới thiệu mình là "nhà báo quốc tế", để làm gì? Để thoả mãn thói háo danh? Để hù doạ những người yếu bóng vía? Hay để mượn cái danh nhằm thực hiện những ý đồ nào đó?

Chỉ bản thân "nhà báo quốc tế" mới biết đâu là câu trả lời đúng nhất!

Còn với chúng ta, qua vụ "nhà báo quốc tế" có một không hai này, chúng ta lại có thêm một lần ngẫm ngợi về chuyện cái danh cái tiếng liên quan đến những con người nào đó quanh ta, và liên quan đến chính một "con người ham hố" nào đó vốn vẫn lẩn quất đâu đó ở trong ta.

Càng ngẫm càng thấm thía những điều thi nhân Nguyễn Khuyến từng viết trong một xã hội hỗn độn, mù mờ, khoa trương, giả dối ở cuối thế kỷ XIX ngày xưa:

Tấm thân xiêm áo sao mà nhẹ?

Cái giá khoa danh ấy mới hời

Ghế chéo, lọng xanh ngồi bảnh choẹ

Nghĩ rằng đồ thật hoá đồ chơi.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem