Xử lý thuốc lá lậu 'khổ sở' vì quyết định mới

Theo NGUYỄN TRÍ (Tuổi trẻ) Thứ bảy, ngày 16/11/2019 16:00 PM (GMT+7)
Không có đơn vị chịu trách nhiệm giám định, không có tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng thuốc lá điếu ngoại nhập lậu, khiến hàng triệu bao thuốc lá nằm kho, thất thoát.
Bình luận 0

img

Nhiều ý kiến được lực lượng tham gia chống buôn lậu, gian lận thương mại của nhiều tỉnh, thành đưa ra tại Hội nghị - Ảnh: NGUYỄN TRÍ

Phản ánh trên được nhiều cơ quan nêu ra tại Hội nghị bàn giải pháp thực hiện quyết định số 20/2018/QĐ-TTg về việc xử lý thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu, diễn ra ngày 15-11 do Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) tổ chức.

Theo nhiều địa phương, nếu tiếp tục áp dụng QĐ 20 thì cần điều chỉnh lại. Ngoài ra, việc xem xét giữa tiêu hủy toàn bộ hay chọn lọc để bán đấu giá thuốc lá lậu nhập ngoại cũng cần lưu ý.

Xử lý thuốc lá nhập lậu rối như "tơ vò"

Theo lực lượng quản lý thị trường (QLTT) các địa phương, tháng 4-2018 QĐ 20 bắt đầu áp dụng, theo đó tiêu hủy thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu là thuốc lá giả, thuốc lá không đảm bảo chất lượng và thí điểm bán đấu giá thuốc lá để xuất khẩu ra nước ngoài.

Tuy nhiên, QĐ không nêu rõ cơ quan đảm nhận giám định, cơ sở giám định khiến việc xử lý đình trệ.

Theo ông Nguyễn Minh Trung - cục trưởng Cục QLTT tỉnh Đồng Tháp, Sở Khoa học công nghệ được xem là đơn vị "khả dĩ" nhất trong việc thẩm định chất lượng thuốc lá nhập lậu nhưng đơn vị này không nhận. Hiện cũng không có chỉ tiêu chung nào để xác định thuốc lá nhập lậu ở mức nên tiêu hủy hay bán đấu giá, khiến lượng lớn thuốc được địa phương tạm giữ bị tồn đọng, hư hỏng.

Tương tự, TP.HCM tồn đọng 526.000 bao nhưng hiện chưa thành lập được hội đồng giám định chất lượng thuốc lá nhập lậu để xử lý.

Là địa phương duy nhất tiêu hủy được thuốc lá nhưng tỉnh Long An cho biết do vướng việc giám định nên hiện mới chỉ tiêu hủy 720.000 bao trên hàng triệu bao thu giữ. Lượng thuốc còn lại hư hỏng dần.

Trong khi đó, theo ông Phạm Nguyễn Thiên Chương - phó ban thị trường Hiệp hội Thuốc lá VN, thuốc lá nhập lậu nếu không phải VN sản xuất, đặc biệt loại Jet và Hero (sản xuất ở Indonesia) có quy chuẩn riêng, không thể áp quy chuẩn VN vào để đánh giá.

Bên cạnh đó, theo nhiều đơn vị, thuốc lá có hạn sử dụng trung bình 1 năm. Trong khi đó, khi không xử lý được buộc lưu giữ trong môi trường kém dẫn đến thuốc hư hỏng nhanh, gây tổn thất.

Không những thế, theo ông Nguyễn Thế Anh - đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng Cục Hải quan), thời gian qua đơn vị tạm giữ nhiều lô xì gà, thuốc lá điện tử nhập lậu nhưng do đây là những sản phẩm mới, chưa có quy chuẩn phân biệt, giám định cụ thể dẫn đến việc xử lý gặp khó.

Tương tự, đại diện Bộ tư lệnh vùng Cảnh sát biển 3 cho biết, nhiều lô hàng xì gà xuất xứ từ Cuba bị bắt giữ có giá trị triệu USD nhưng nếu bán thì chỉ có khách nước ngoài mua, để xuất khẩu lại khá phức tạp.

Nên cân nhắc giữ tiêu hủy hay bán đấu giá

Theo Hiệp hội Thuốc lá VN, còn 5 tháng sẽ kết thúc thí điểm thực hiện QĐ 20. Nếu tiếp tục thực hiện cơ chế này thì phải có hướng dẫn cụ thể về việc giám định thuốc lá từ trung ương để các địa phương có cơ sở thực hiện nhất quán.

Theo đại diện Ban chỉ đạo 389 quốc gia, từ khi áp dụng QĐ 20, cả nước chỉ tịch thu khoảng 6 triệu bao thuốc lá lậu/năm, bằng phân nửa trước đó. Tuy nhiên, việc tiếp tục áp dụng hay không quyết định này tới đây sẽ được kiến nghị xem xét.

Ông Đàm Thanh Thế - chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia - cho biết nhiều địa phương chưa áp dụng đồng nhất việc xử lý thuốc lá nhập lậu theo quyết định mới khiến lượng thuốc tồn dư rất nhiều, hiện trên 7 triệu bao.

"Đơn vị sẽ làm việc với bộ ngành để xác định cơ quan nào làm nhiệm vụ giám định thuốc lá lậu. Khả năng là phân công cho Sở Khoa học công nghệ các tỉnh", ông Thế nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo ông Phạm Nguyễn Thiên Chương, với mức hỗ trợ tiêu hủy 4.500 đồng/gói, trung bình mỗi năm đơn vị chi gần 45 tỉ đồng. Thực tế, giá mua thuốc lá nhập lậu chủ yếu ở mức thấp (3.000-6.000 đồng/bao) nhưng rất khó bán đấu giá.

"Trước đây, theo khảo sát ở tỉnh Long An, dưới 1 triệu bao nếu bán đấu giá thu được 900 triệu nhưng tiêu hủy mất gần 2 tỉ. Nên việc đấu giá hay tiêu hủy cần xem xét lại", ông Chương nêu.

Trên thực tế, trong số 9,5 triệu bao thuốc lá nhập lậu tịch thu còn tồn đọng trên cả nước (tính từ 4-2018 đến hết tháng 10-2019), chưa có bao nào được bán đấu giá.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem