Thương mại điện tử xuyên quốc gia: Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt?

Khải Huyền Thứ hai, ngày 15/10/2018 18:00 PM (GMT+7)
Được đánh giá là nước có mức tăng trưởng thương mại điện tử xuyên biên giới nhanh nhất thế giới, doanh nghiệp Việt Nam liệu có tận dụng được các lợi thế để phát triển sản xuất, kinh doanh từ thị trường khổng lồ này?
Bình luận 0

Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam năm 2017 cho thấy, có 32% doanh nghiệp vừa và nhỏ đã thiết lập quan hệ kinh doanh với nước ngoài qua kênh trực tuyến. Tính đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp Việt càng có nhiều cơ hội hơn khi các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) đầu tư vào Việt Nam như Alibaba, Amazon, Tencent…

Các sàn TMĐT ào ạt vào Việt Nam

Sự kiện “Ngày hội bán hàng toàn cầu cùng Amazon” tổ chức tại TP.HCM hồi cuối tháng 9 vừa qua thu hút hơn 1.000 doanh nhân, chủ doanh nghiệp… tham dự cho thấy sức hấp dẫn của lĩnh vực này tại Việt Nam hiện nay.

Từ đầu năm 2018, Amazon đã có hàng loạt động thái tiếp cận các nhà cung ứng Việt Nam thông qua các chương trình đào tạo và hội thảo về lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới.

Tiếp đó, để khắc phục các rào cản về ngôn ngữ, Amazon đã chính thức cung cấp trang web tiếp thị bằng tiếng Việt (services.amazon.vn) và trang facebook (fb.com/banhangamazon) giúp người bán hàng Việt dễ dàng tìm thông tin, tài liệu và sự hỗ trợ để bắt đầu việc bán hàng trên Amazon.

Ông Park Joonmo – Giám đốc Amazon Global Selling Đông Nam Á và Hàn Quốc, cho biết, khi kinh doanh trên Amazon, các doanh nghiệp, chủ shop… có thể tiếp cận được hơn 300 triệu tài khoản khách hàng ở hơn 180 quốc gia trên toàn cầu mà không phải tốn công sức, chi phí để mở hệ thống phân phối ở thị trường nước ngoài.

Đặc biệt, Amazon còn hỗ trợ giao hàng, chăm sóc khách hàng với các dịch vụ đã vào “hạng” chuyên nghiệp, giúp người bán dễ dàng hơn trong việc thực hiện các đơn hàng.

img

TMĐT xuyên biên giới đang phát triển sôi động tại Việt Nam. 

Trước Amazon, Alibaba – một sàn TMĐT lớn của tỷ phú Jack Ma (Trung Quốc) sáng lập cũng đã đặt nền móng vững chắc tại Việt Nam. Sau nhiều năm tìm nhà cung ứng cho sàn thương mại điện tử B2B, cuối tháng 7 vừa qua, Alibaba tiếp tục tìm kiếm nhà bán hàng Việt cho trang B2C là AliExpress.

Alibaba hiện có khoảng trên 100 triệu thành viên đang hoạt động và 3 triệu lượt tìm kiếm mua hàng mỗi ngày. Tại Việt Nam, Alibaba đã xây dựng được mạng lưới hơn 300.000 thành viên đăng ký tài khoản và 1.000 doanh nghiệp trong số đó đã và đang là thành viên uy tín của Alibaba.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng – Phó chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) nhận định, Việt Nam hiện là thị trường thu hút nhiều đại gia TMĐT nước ngoài. Tốc độ tăng trưởng TMĐT của VN năm 2017 đạt trên 25% và tốc độ này có thể được duy trì trong giai đoạn 2018 – 2020. Riêng lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, doanh thu năm 2017 tăng 35%; tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ chuyển phát từ 62% lên 200%…

Doanh nghiệp vẫn ái ngại

Dù được đánh giá là nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển, tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn khá e ngại với TMĐT xuyên biên giới. Những rào cản thường gặp là vấn đề ngôn ngữ, hệ thống logistics còn hạn chế hoặc mặt hàng không đa dạng, phong phú nên khó tìm kiếm khách hàng.

Trên thực tế, đã có rất nhiều sản phẩm “Made in Vietnam” được bán với giá khá cao trên các sàn TMĐT lớn như sản phẩm Cao Sao Vàng từng được bán với giá 8,5USD (khoảng 190.000 đồng) trên eBay hay mức giá 7,5USD trên trang Amazon. Hay như dịp tết nguyên đán vừa qua, một tàu lá chuối tươi bán cho người Việt để gói bánh chưng được bán với mức giá gần 500.000 đồng trên trang Amazon Nhật Bản…

Theo một số doanh nghiệp, sở dĩ các mặt hàng bán trên Amazon, eBay hay Alibaba có thể tìm được lượng khách hàng ổn định, giá cả khá tốt… là nhờ vào tính độc đáo, riêng biệt và chất lượng của sản phẩm. Vì nếu chỉ bán những mặt hàng thông dụng, nhiều người cung cấp thì khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt lại không bằng.

Một vấn đề khác khiến doanh nghiệp Việt còn ái ngại với các hình thức TMĐT xuyên biên giới là thói quen giữ bí mật thông tin về sản phẩm, về doanh nghiệp mình của người Việt. Hơn nữa, khi ra thị trường thế giới, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng bị đối tác dò hỏi giá nhiều hơn là đặt hàng.

img

Các doanh nghiệp Việt vẫn còn e ngại với xu hướng mua sắm online xuyên biên giới, vì những rào cản như ngôn ngữ, logistics...

Bà Lê Minh Hồng Phúc - Giám đốc tác nghiệp Công ty TNHH SX TM IAmV (chuyên sản xuất, kinh doanh tỏi đen) kể, từng gặp nhiều đơn hàng ảo khi bán hàng trên các sàn TMĐT. Có lần một đối tác Trung Quốc đặt làm 15 tấn tỏi đen nhưng sau khi đàm phán xong hết các thỏa thuận, họ lại ngưng hợp đồng, không mua hàng nữa.

Cũng có lúc đối tác yêu cầu gởi mẫu thử nhưng sau khi doanh nghiệp làm mẫu và báo giá theo như yêu cầu của người mua thì họ “bỗng dưng biến mất”.

“Giao dịch trên Alibaba, cạnh tranh giá rất gắt, nếu mình hạ giá thấp để có đơn hàng trên này thì sẽ rất khó khi bán hàng trực tiếp vì khách hàng mua trực tiếp sẽ so sánh giá”, chị Phúc chia sẻ.

Theo số liệu từ Bộ Công thương, hiện nay có khoảng 200 doanh nghiệp trong nước có bán hàng trên Amazon. Con số này chưa lớn so với tiềm năng sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi, các sản phẩm “Made in Vietnam” như hàng nông sản, thủy sản, đồ gỗ… có sức cạnh tranh rất cao trên thị trường. Do đó, Bộ Công thương và VECOM đang tiếp tục kết nối với các “ông lớn” trong lĩnh vực TMĐT để hỗ trợ doanh nghiệp Việt mở rộng kinh doanh.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) thông tin, quy mô thị trường thương mại điện tử khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2017 trên 600 tỉ USD và được dự báo đến 2021 sẽ vượt ngưỡng 1.000 tỉ USD. Tương tự, thị trường thương mại điện tử Đông Nam Á năm 2015 đạt doanh số khoảng 5,5 tỉ USD và dự báo đến năm 2025 sẽ đạt trên 88 tỉ USD.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem