Cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry: Việt Nam không nên là "tù nhân" của năng lượng than

Huyền Anh Thứ năm, ngày 17/01/2019 16:30 PM (GMT+7)
Cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh phụ thuộc than là quyết định tương lai không tươi sáng. Đó là nguyên nhân dẫn tới sự bùng nổ về các loại bệnh liên quan đến hệ hô hấp; gây tỷ lệ tử vong rất cao ở Việt Nam.
Bình luận 0

Sáng ngày 17.01.2019, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các tổ chức USAID, IFC, Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ, các tập đoàn công nghiệp ABB và GE .v.v. cùng một số Bộ, Ban, Ngành trung ương và địa phương tổ chức Hội thảo chuyên đề về  "Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và củng cố an ninh năng lượng đảm bảo phát triển bền vững” và Triển lãm “Công nghệ năng lượng mới”.

Đây là sự kiện quốc tế có quy mô lớn, nằm trong chuỗi sự kiện Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 3 (năm 2019) với sự tham dự của gần 250 đại biểu lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành trung ương và địa phương, cộng đồng doanh nghiệp trong nước, một số đại sứ quán, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, các diễn giả quốc tế.

Phát biểu danh dự, ông John Kerry, cựu Ngoại trưởng Mỹ, Chủ tịch danh dự Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, cũng khẳng định thách thức biến đổi khí hậu là vấn đề rất lớn trên thế giới, không riêng đối với Việt Nam. Biến đổi khí hậu luôn có mối quan hệ chặt chẽ với ngành năng lượng. Với tốc độ tăng trưởng năng lượng khá cao như Việt Nam hiện nay, thì Việt Nam cần quan tâm, thực thi những giải pháp hữu hiệu để chủ động ứng phó.

img 

Ông John Kerry, cựu Ngoại trưởng Mỹ

Hiện nay, theo cựu Ngoại trưởng Mỹ, nhiều quốc gia trên thế giới đã chuyển dần những nguồn năng lượng truyền thống sang năng lượng mới và tái tạo; đây là xu thế chung để giải quyết vấn đề phát triển năng lượng bền vững, giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của biến đối khí hậu.

"Lựa chọn của chúng ta về năng lượng là phải chú ý đến biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu đang diễn ra rồi. Nhu cầu về than của Đông Nam Á hiện nay vẫn tăng và tăng cao nhất ở Đông Nam Á với mức 5% so với thế giới", ông Kerry nói.

Với Việt Nam, theo vị cựu Ngoại trưởng Mỹ, yếu tố phát thải lớn nhất đối với CO2 cũng chính là than. Chúng tác động làm gia tăng hiện tượng nước biển dâng cao. Cùng với đó là sự ấm lên của nước biển, hệ sinh thái thay đổi, các tầng san hô sẽ chết nhanh hơn và sự sụt giảm 50% các loài cá. Biến đổi khí hậu đang hiện hữu, diễn ra nhanh hơn và chúng ta đã có những người tị nạn ở thế giới do biến đổi khí hậu rồi.

"Tôi có thông điệp rõ ràng gửi đến những người bạn Việt Nam là Việt Nam là quốc gia có nhiều cơ hội và lợi thế, chúng ta không cần đầu tư vào than nữa", cựu Ngoại trưởng Mỹ nói.

Ông Kerry khẳng định: Việt Nam không cần thiết phải là "tù nhân", phụ thuộc vào năng lượng than; phụ thuộc than là quyết định tương lai không tươi sáng, chúng ta cần hướng đến nguồn năng lượng tái tạo bền vững, giảm phát thải CO2 càng nhiều càng tốt. Điều này là cấp thiết bởi hiện tại mức độ ô nhiễm ở Hà Nội còn cao hơn cả Bắc Kinh (Trung Quốc) và New Delhi (Ấn Độ).

“Đó là nguyên nhân dẫn tới sự bùng nổ về các loại bệnh liên quan đến hệ hô hấp; gây tỷ lệ tử vong rất cao ở Việt Nam”, ông John Kerry lo ngại.

img 

Cựu Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh: "Hãy sử dụng năng lượng sạch ngay từ hôm nay, bất kỳ ai nói than rẻ hơn thì họ không tính giá thành hoặc chi phí ngoại biên hoặc các nguồn năng lượng hóa thạch gây ra như bệnh ung thư, phổi. Nếu tính các lợi thế này, nhiệt điện than sẽ không rẻ hơn các năng lượng mới, năng lượng sạch. Việt Nam có lợi thế về năng lượng sạch như thủy điện, mặt trời, sức gió..."

Hiện nay, theo cựu Ngoại trưởng Mỹ, nhiều quốc gia trên thế giới đã chuyển dần những nguồn năng lượng truyền thống sang năng lượng mới và tái tạo; đây là xu thế chung để giải quyết vấn đề phát triển năng lượng bền vững, giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của biến đối khí hậu.

 “Tôi có nói chuyện với ông Nguyễn Văn Bình (Trưởng ban Kinh tế T.Ư), chúng tôi đều thấy rằng phải làm gì đó và khuyến nghị cho Quốc hội, Chính phủ biết về việc cần phải giảm sự phụ thuộc năng lượng vào than và tăng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch như điện mặt trời. Đó là giải pháp để Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhanh, bền vững”, ông John Kerry gửi gắm thông điệp, và cũng nhấn mạnh Chính phủ Việt Nam nên hỗ trợ khả năng cạnh tranh lĩnh vực tư nhân.

Đề xuất về giải pháp cho vấn đề này, ông John Kerry đặt câu hỏi “Tại sao Việt Nam không áp dụng cơ chế hỗ trợ giá từ điện sạch, gọi vốn. Tại sao không thúc đẩy đầu tư hệ thống truyền tải với sự tham gia của tư nhân? Tại sao không thúc đẩy vào đầu tư pin trữ lớn và sử dụng số hóa truyền tải điện. Tại sao chúng ta không sử dụng điện mặt trời trên mái nhà... khi đây là cơ hội đầu tư giá rẻ mà ai cũng có thể là khách hàng, đối tác của điện lực"

"Để phòng chống biến đổi khí hậu, chúng ta rất cần có những cam kết cụ thể từ phía các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng về việc giảm phát thải khí nhà kính, đi kèm với xử lý chất thải để đảm bảo an toàn môi trường", ông Kerry nói, "Muốn đáp ứng được những mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, Việt Nam cần thực thi nhiều chính sách đồng bộ trong công tác chủ động phòng chống và ứng phó với biến đổi khí hậu", ông John Kerry nhấn mạnh.

Liên quan đến việc giảm phụ thuộc vào than, ông Nguyễn Tài Anh, phó tổng giám đốc điện lực của Việt Nam lại cho rằng, “nhiệt điện than là xu thế vẫn phải làm tại Việt Nam, nếu chúng ta lo lắng về phác thải CO2 từ nhiệt điện than thì tôi khẳng định chúng ta có đủ giải pháp về công nghệ để xử lý”

Theo ông Tài Anh, tại Việt Nam, lượng phác thải CO2 hơn 200 tấn, chỉ chiếm 0,56% lượng phác thải CO2 của của toàn thê giới, trong khi Trung Quốc chiếm tới 30% và Mỹ cũng phải vào khoảng 14%. Những con số này cho thấy, lượng phác thải CO2 của Việt Nam vẫn nằm trong ngưỡng chấp nhận được

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem