Cho vịt ăn con don, dắt, vịt đẻ trứng sai lại thơm, bán được giá

Thu Thủy Thứ sáu, ngày 13/12/2019 16:32 PM (GMT+7)
Có truyền thống nuôi vịt đẻ từ những năm 70 của thế kỷ trước, vùng Chấn Hưng (gồm 5 xã Bắc Hưng, Nam Hưng, Đông Hưng, Tây Hưng và Tiên Hưng) của huyện Tiên Lãng, TP.Hải Phòng, tập trung nhiều HTX, nhiều hộ dân nuôi vịt đẻ từ nhỏ lẻ đến quy mô lớn. Sản phẩm này đã được Sở Khoa học - Công nghệ Hải Phòng cấp giấy chứng nhận thương hiệu “Đặc sản trứng vịt Chấn Hưng”.
Bình luận 0

Nơi đây là vùng đất trũng, nước mặn nên nông dân chủ yếu trồng lúa và nuôi thủy cầm - mà phần lớn là nuôi vịt đẻ. Xã ít thì có 9.000 con vịt đẻ, xã nhiều thì có trên 70.000 con vịt đang cho trứng. Có thời điểm, cả vùng Chấn Hưng có tới trên 100.000 con vịt đẻ.

Chị Phạm Thị Vảng (ở thôn Xuân Hưng, xã Tây Hưng), chia sẻ: “Thông thường, đàn vịt đẻ được gây đàn từ vài ngày tuổi đến 6 tháng hoàn toàn cho ăn thóc. Khi đàn vịt đẻ được vài lứa quả trứng mới ăn thức ăn hỗn hợp vừa công nghiệp vừa thức ăn tự nhiên. Nhưng người dân vùng biển thường sử dụng thức ăn làm từ con don, dắt cho vịt ăn nên vịt đẻ sai, chất lượng trứng thơm ngon, đậm đà. Gia đình tôi đã nuôi vịt đẻ từ nhiều đời nay, theo thời gian số lượng vịt nuôi cũng tăng dần, có thời điểm gia đình nuôi tới 2.000 con”.

img

Nuôi vịt lấy trứng tại Tiên Lãng. Ảnh: T.T

Ông Nguyễn Văn Thấm - Trưởng phòng NNPTNT huyện Tiên Lãng, cho biết: “Tiên Lãng có số lượng trang trại chăn nuôi gia cầm đứng đầu thành phố cả về quy mô và sản lượng. Toàn huyện có 173 trang trại chăn nuôi tập trung thì có 143 trang trại gia cầm với 1,92 triệu con. Vì vậy, số lượng trứng gia cầm của huyện rất lớn, đặc biệt là trứng vịt của vùng Chấn Hưng”.

Để có chất lượng trứng vịt khác biệt, quan trọng nhất là nguồn nước mà tự nhiên ban tặng cho vùng đất này. Đàn vịt được nuôi thả trên các vùng bãi cửa sông Thái Bình đổ ra biển, uống nguồn nước phù sa hàng ngày, ăn những thức ăn từ biển. Chất lượng trứng đậm đà, ngậy ngon, nhiều lòng đỏ. Hiện nay, vịt đẻ Chấn Hưng được nuôi theo nhiều hình thức khác nhau. Nhiều hộ dân vẫn nuôi theo hình thức chăn thả tự nhiên, nhưng cũng nhiều trang trại nuôi theo hình thức công nghiệp và bán công nghiệp. Song nguồn thức ăn vẫn được phối hợp theo tỉ lệ nhất định nên chất lượng của trứng luôn được đảm bảo.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Tây Hưng - ông Nguyễn Văn Phú cho biết: “Trứng vịt tại vùng này ngon có tiếng. Thương lái từ khắp nơi đổ về, người chăn nuôi không phải lo lắng nhiều đến đầu ra của sản phẩm. Theo ước tính, đối với hộ nuôi vịt đẻ quy mô khoảng hơn 1.000 con, mỗi ngày, người nuôi vịt xuất bán trung bình từ 200 - 300 quả trứng, tổng thu nhập mỗi tháng đạt gần 20 triệu đồng”. Được biết, nghề nuôi vịt đẻ, kinh doanh buôn bán trứng giúp nhiều nông dân ở Tây Hưng có thu nhập khá ổn định. Tại xã này hiện có hơn 500 hộ nuôi với tổng đàn vịt 95.000 con.

Hiện trứng vịt Chấn Hưng là 1 trong 12 sản phẩm OCOP đạt tiêu chí cấp huyện và chờ Hội đồng đánh giá cấp thành phố đánh giá, xếp hạng vào dịp cuối tháng 11/2019.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem