Vì sao nền bóng đá 240 triệu dân của Indonesia đi xuống thảm hại?

Thứ sáu, ngày 18/10/2019 16:10 PM (GMT+7)
Trận thắng 3-1 của ĐT Việt Nam trước ĐT Indonesia giúp đội bóng của HLV Park Hang-seo leo lên ngôi nhì bảng G và cũng đẩy đội bóng xứ Vạn đảo xuống đáy BXH bảng G vòng loại thứ 2 World Cup 2022 khu vực châu Á, với 4 trận toàn thua.
Bình luận 0

Từ chỗ là một đội bóng mạnh của khu vực Đông Nam Á, đã có thời điểm xếp thứ 96 trên BXH FIFA, để rồi giờ đây xếp thứ 196, vậy chuyện gì đã xảy ra với nền bóng đá của quốc gia đông dân này?

Vấn đề con người

Năm 1938, ĐT Indonesia là đại diện đầu tiên của châu Á tham dự một vòng chung kết World Cup, dưới cái tên Đông Ấn Hà Lan (tiếng Indonesia là Hindia- Belanda). Ít ai biết rằng, Indonesia là đội bóng đầu tiên của Đông Nam Á mời một HLV đến từ châu Âu tới dẫn dắt đội tuyển quốc gia, cũng là đất nước đầu tiên ở khu vực ASEAN đem cầu thủ sang châu Âu học việc.

img

ĐT Indonesia giờ không còn là đối thủ của ĐT Việt Nam.

Tiền đạo huyền thoại của bóng đá Indonesia- Dwi Yulitano hay Bima Sakti đã từng có thời gian ăn tập tại Italia trong màu áo U19 Sampdoria. Gần đây hơn, những Boaz Salosa, Bambang Pamungkas đều là những “hung thần” với mảnh lưới của ĐT Việt Nam. Cách đây ba năm, tại bán kết lượt về AFF Cup, ĐT Indonesia đã vượt qua ĐT Việt Nam mặc cho những bất ổn của tình hình bóng đá nước này. Nhưng đó cũng là “hào quang” cuối cùng của Tim Garuda - biệt danh tuyển Indonesia.

Thực chất, thế hệ kế cận của ĐT Indonesia không phải là không tiềm năng. Ở lứa tuổi U19, Egy Maulana hay Witan Sulaeman đều là những cái tên đáng để chờ đợi. Nhưng cả hai cái tên kể trên vẫn còn quá trẻ, và nên nhớ rằng, cách đây ba năm, ĐT Indonesia tham dự AFF Cup với không ít cái tên đầy triển vọng. Evan Dimas, Lestaluhu hay Hansamu Yama từng được kì vọng sẽ cùng với những cái tên khác như Stefano Lilipaly, Lerby hay Anzik sẽ gánh vác Tim Garuda trong tương lai. Nhưng rồi không ai trong số họ có thể gành vác được đội tuyển của mình và chấp nhận những kết quả thất vọng ở các giải đấu sau đó. ĐT Indonesia có những tài năng trẻ, nhưng không nhiều trong số đó vươn mình trở thành những cầu thủ đẳng cấp để gánh vác đội tuyển trên vai.

Chất lượng nội binh đi xuống, và PSSI - Liên đoàn bóng đá Indonesia tính đến phương án sử dụng nhiều cầu thủ nhập tịch. Beto Goncalves, Dutra Otavio, Rudolof Yanto Basna là ba cái tên được nhập quốc tịch Indonesia để tăng cường sức mạnh cho đội bóng xứ Vạn đảo. Beto đã cùn mòn đi nhiều và phải đối đầu với một hàng thủ quá chắc chắn của ĐT Việt Nam. Hai cầu thủ còn lại, một người quá lóng ngóng, còn một thì không đủ dẻo dai để theo kèm những chân sút nhanh, khỏe, khéo bên phía ĐT Việt Nam.

Rõ ràng là nếu so sánh với ĐT Indonesia của HLV Alfred Riedl 3 năm trước, với ĐT Indonesia của thời điểm này chẳng khác nào những cầu thủ nghiệp dư. Khó có thể trách HLV Steve McMenemy khi trong tay ông chỉ có những cầu thủ như vậy, và vị chiến lược gia người Scotland đã làm tất cả những gì mình có thể rồi.

Những rối ren nơi thượng tầng của một nền bóng đá

Với dân số lên tới 240 triệu người, với nhiều sắc tộc, tôn giáo, tín ngưỡng… riêng, nhưng có thể thấy người dân Indonesia vô cùng yêu bóng đá. Hãy nhìn chảo lửa Gelora Bung Karno mỗi khi ĐT Indonesia thi đấu, hãy nhìn cách những Ultras của Indonesia biến sân đấu trở thành những “địa ngục” thật sự với mọi đội khách là hiểu tình yêu với bóng đá của quốc gia này.

Liga I - giải vô địch quốc gia Indonesia cũng quá quen với hình ảnh các CĐV xô xát, gây rối và cả sự thù địch giữa các CLB của đất nước Vạn đảo. Có thể nói, ở Indonesia, bóng đá chẳng khác nào thứ tôn giáo, và người dân ở đây mê bóng đá cũng không kém gì người Việt Nam, thậm chí còn so sánh được với những quốc gia Nam Mỹ như Brazil hay Argentina. Vậy vấn đề không nằm ở chỗ thừa người, thiếu tình yêu (như trường hợp của một đất nước đông dân khác là Trung Quốc), mà nó nằm ở cách tổ chức nền bóng đá của quốc gia này.

Thất bại của nền bóng đá Indonesia những năm gần đây có thể nói là hệ quả của sự yếu kém trong khâu tổ chức và quản lý của Liên đoàn bóng đá Indonesia. Trong gần một năm, từ 30/5/2015 đến 4/5/2016, FIFA cấm Indonesia tham gia mọi hoạt động bóng đá vì PSSI đã để chính phủ nước này can thiệp vào các vấn đề bóng đá. Nhưng chính phủ Indonesia cũng không thể làm gì khác ngoài can thiệp, khi vào thời điểm ấy, có tới… hai Liên đoàn bóng đá khác nhau cùng hai đội tuyển khác nhau.

FIFA luôn rất nhạy cảm với vấn đề liên quan đến chính trị trong bóng đá, nên một lệnh cấm đã được ban hành, và ĐT Indonesia lỡ vòng loại World Cup 2018. Thậm chí ngay cả khi bị cấm thi đấu 1 năm, ĐT Indonesia vẫn lọt vào tới chung kết AFF Cup 2016 một cách đầy thuyết phục, vậy mới thấy quyết tâm của các cầu thủ là lớn như thế nào.

Với tiềm lực về con người lớn như vậy, đáng lẽ ra ĐT Indonesia phải sở hữu dàn cầu thủ chất lượng, hoặc ít nhất là đề ra được một kế hoạch để đưa nền bóng đá đi lên. Cả hai điều đó, đều không thể thực hiện được, vì công tác quản lý yếu kém và những rối ren thượng tầng PSSI.

Nếu cần chỉ ra một cái tên tiêu biểu cho sự đi xuống của nền bóng đá Indonesia, không thể bỏ qua cái tên Nurdin Halid. Halid vừa nắm cương vị chủ tịch PSSI trong 8 năm, từ 2003 đến 2011, vừa là nhân vật quan trọng trong đội ngũ điều hành đảng Golkar- một đảng phái chính trị của Indonesia. Như đã nói, một quốc gia đông dân, đa tôn giáo, đa sắc tộc như Indonesia, thường chỉ tìm được tiếng nói chung khi đội tuyển quốc gia thi đấu. Và bằng cách nào đó, PSSI trở thành một thứ công cụ giúp Halid tăng ảnh hưởng trên chính trường, tạo thanh thế lớn trong các hoạt động chính trị, hai điều đó mang lại cho quan chức này số tiền khổng lồ.

Thượng bất chính, hạ tắc loạn, không khó hiểu khi bóng đá Indonesia xuống cấp dần theo từng năm, nạn mua bán độ, dàn xếp tỉ số diễn ra thường xuyên. Bạo lực trên sân cỏ, cầu thủ bị nợ lương, nhiều đội bóng phải phá sản, đào tạo trẻ bị bỏ bê, nhà tài trợ rút lui… tất cả khiến nền bóng đá Indonesia càng ngày càng đi xuống. Hiện tại, PSSI đang cố khắc phục những vết thương gây ra trong quá khứ, nhưng rõ ràng là hành trình đó còn quá nhiều những gian nan.

Bóng đá Indonesia đang trải qua một giai đoạn khó khăn, do những lí do chủ quan và khách quan khác nhau. Muốn vực dậy một nền bóng đá như vậy, cần nhiều thời gian và tâm huyết của những người làm công tác lãnh đạo. Hãy cùng chờ xem, đội bóng xứ Vạn đảo sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn này bằng cách nào, và liệu họ có thể lấy lại vị thế vốn có của mình trong khu vực.

PV (Goal/VN)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem