img img
img

imgimg
 

20 năm đầu tiên trong cuộc đời một con người có thể coi là khoảng thời gian đẹp nhất gắn với tuổi thơ, những mơ mộng thuở học trò, cánh phượng hồng, bằng lăng tím ép khô trong cuốn sổ lưu niệm trao tay gắn với mối tình đầu trong sáng.

Nhưng với Dương Thúy Vi, ký ức gần như chỉ gói gọn trên thảm đấu. Nơi đó ghi dấu những giờ tập luyện miệt mài, những chuyến tập huấn, thi đấu xa nhà. Biết bao mồ hôi đã đổ xuống và những chấn thương dai dẳng tưởng như sẽ cản bước Thúy Vi đi đến tận cùng đam mê.

imgimg
 

Trước thềm ASIAD 2014, Thúy Vi đã bị chấn thương khá nặng nhưng cuối cùng vẫn tỏa sáng, giành tấm huy chương vàng (HCV) duy nhất cho đoàn TTVN. Sức bật nào giúp Vi có thể thăng hoa như vậy?

- Nói về chấn thương thì nhiều lắm nhưng kỷ niệm khó quên nhất của tôi chính là ở giải trẻ thế giới 2008 ở Bali (Indonesia). Trong một động tác tiếp đất, mu ban chân của tôi bị gập, chệch ổ khớp.

img

Vô cùng đau đớn nhưng tôi cố gắng đi hết bài dù biết không thể giành huy chương. Vừa kết thúc, mọi người ùa vào bế tôi ra ngoài, cũng chẳng biết làm gì vì xung quanh là biển nước mênh mông. Đá chưa kịp mang tới và mọi người dí thẳng chân của tôi vào một bể cá rất to để được làm lạnh. Ngày ấy tôi còn trẻ, mới 15 tuổi, rất sốc với chấn thương đó và đã muốn nghỉ.

Qua câu chuyện kể trên, tôi muốn nói rằng chấn thương ngay trước ASIAD 2014 có nặng thật nhưng nếu bảo tôi không đi ASIAD thì sự nặng nề về tinh thần còn lớn hơn nhiều.

Thời gian đó vô cùng áp lực. Tôi đã tập luyện miệt mài, quên ăn, quên ngủ để đợi khoảnh khắc thể hiện những gì mình tích lũy được tại Á vận hội. Vậy mà khi chỉ còn hơn 1 tuần nữa là Đại hội diễn ra, mình lại bị chấn thương.

ASIAD 4 năm mới có 1 lần, lúc đó tôi đã 21 tuổi – độ tuổi mà nhiều nữ vận động viên (VĐV) wushu đã chia tay thảm đấu. Tôi không chắc là 4 năm sau tôi còn cố được nữa hay không. Ngay cả khi tôi còn có thể thi đấu thì sẽ gặp phải sự cạnh tranh của nhiều VĐV giỏi khác.

Lúc đó tôi không nghĩ gì tới thành tích mà chỉ nghĩ tới “Cơ hội thi đấu” mà thôi. Nếu tôi dừng lại có nghĩa là bao công sức tập luyện sẽ bỏ sông bỏ biển. Tôi không chấp nhận điều đó và tiếp tục tiến bước.

imgimg
 

Tôi đã chứng kiến nhiều VĐV Việt Nam, kể cả các lãnh đạo, thành viên ban huấn luyện từng không cầm được những giọt nước mắt hạnh phúc, tự hào khi đứng trên bục nhận HCV, mắt hướng theo lá cờ Tổ quốc được kéo lên ở vị trí cao nhất trong giai điệu Quốc ca thiêng liêng. Nhưng với Thúy Vi, tôi chưa bao giờ thấy bạn khóc, thậm chí còn có vẻ “lạnh lùng” trong giây phút để đời tại ASIAD 2014. Vì sao vậy?

img
img

- Tấm HCV ASIAD 2014 đến lúc này vẫn là tấm huy chương đáng nhớ nhất trong sự nghiệp thi đấu của tôi, dù trong bộ sưu tập đã có đầy đủ những tấm HCV SEA Games, thế giới.

Ngày ấy, tôi không tin mình giành được HCV, thực sự quá áp lực. Năm đó khi sang Hàn Quốc, làng VĐV ở cách xa nhà thi đấu, di chuyển bằng xe ô tô phải mất 3 giờ đồng hồ. Chúng tôi phải dậy từ 4-5 giờ sáng, trang điểm và chuẩn bị. Sáng thi xong chỉ biết nằm vật ra ở vòng khởi động nghỉ ngơi buổi trưa, chờ đến chiều thi tiếp. Tại ASIAD 2014, tổng điểm thi 2 bài kiếm thuật và thương thuật, tôi chỉ hơn VĐV giành HCB 0,01 điểm.

Tôi biết lãnh đạo, ban huấn luyện đã ôm nhau òa khóc với tấm HCV của tôi. Còn tại sao tôi “một mình một kiểu” ư? Bởi vì tôi đã khóc trước đó ở phía sau rồi, mọi người không nhìn thấy mà thôi.

Đôi khi tôi cũng không hiểu được bản thân mình, chỉ biết rằng tôi không muốn thể hiện ra ngoài là mình yếu đuối, tôi sợ nếu tôi khóc tôi sẽ nhụt chí.

Có lẽ thói quen kìm nén cảm xúc trong tôi đã lớn dần lên theo năm tháng từ khi tôi theo nghiệp võ cách đây 19 năm, khi tôi mới 7 tuổi. Tôi sợ rằng mình mà khóc mỗi khi chấn thương hay trong bất kỳ trường hợp nào đó sẽ làm cha mẹ thêm lo lắng.

Họ đã muốn tôi dừng lại rồi, và tôi không muốn có thêm lý do để cha mẹ bắt tôi từ bỏ wushu.

imgimg
 

Con gái đi theo thể thao chuyên nghiệp đã gặp phải nhiều khó khăn. Đằng này Thúy Vi còn là “tiểu thư” Hà thành, là con một, và chắc hẳn phải đối mặt với rất nhiều định kiến, đặc biệt là những can ngăn từ phía gia đình…?

- Tôi nghĩ nếu thời điểm này, con gái đi tập võ thì không vấn đề gì. Thể thao phát triển, quan niệm của mọi người cũng thoáng hơn bởi phụ nữ cũng cần rèn luyện thể chất, biết cách tự vệ.

Còn với cá nhân tôi và các VĐV cùng lứa mà xa hơn là các thế hệ “đàn chị” đi trước như Phương Lan, Thúy Hiền, Mỹ Đức, Đàm Thanh Xuân… đúng là khó thật.

Bố mẹ vui vẻ khi cho tôi đi tập với mục đích chỉ để vui, khỏe. Khi biết tôi có ý định theo chuyên nghiệp, tất cả đều phản đối. Bố là đàn ông nên cũng nhẹ nhàng hơn chứ mẹ tôi thì quyết liệt lắm.

Trong quan điểm của mẹ, con gái là phải “đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên” nhưng tôi thì không thế, tôi nghịch quá! Nếu khán giả nào thời gian qua có xem bộ phim truyền hình “Về nhà đi con” thì có thể phần nào hình dung ra tôi trong hình ảnh của nhân vật Dương do Bảo Hân đóng.

Khó khăn nhất đến với tôi khi học xong cấp 3. Mọi người áp đặt, thậm chí còn tranh cãi với nhau, gây sức ép để tôi bỏ tập vì không có tương lai, vì con gái theo nghiệp võ vất vả quá.

Những câu hỏi tôi thường xuyên phải đối mặt là: “Cuối cùng mục đích của con là gì, tương lai xác định ra sao?...”. Toàn câu hỏi quá khó đối với tôi!

Tôi chỉ nghĩ bản thân mình thích, mình đam mê wushu và muốn được làm điều mình thích. Sau bao năm tập luyện, tôi cũng thấy tiếc công sức, những gì mình tích lũy được.

Tôi tự tin mình có thể mang vinh quang về cho Tổ quốc trên đấu trường quốc tế. Vậy nên tôi cũng chỉ biết “lì” ra với bố mẹ và tiếp tục đi con đường của mình.

Sau này, kể cả khi tôi giành được HCV ASIAD 2014, được đặc cách vào Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội thì cha mẹ vẫn muốn tôi nghỉ.

Nhưng giờ tôi vẫn đang đứng đây chuẩn bị cho giải vô địch thế giới 2019 vào tháng 10 tới tại Thượng Hải (Trung Quốc).

img img

Ở tuổi 26 - lứa tuổi mà nhiều bạn cùng lứa đã có gia đình thì “cô gái vàng” Dương Thúy Vi vẫn mải miết theo đuổi niềm đam mê wushu. Với một người tài năng lại sở hữu gương mặt khả ái như Thúy Vi thì càng có nhiều thắc mắc về mẫu hình bạn trai lý tưởng. Tại sao đến giờ cô vẫn chưa “theo chồng bỏ cuộc chơi”? Thúy Vi cũng không phải là cá biệt khi trong giới thể thao có không ít trường hợp tương tự như Nguyễn Hoàng Ngân (karatedo), Lệ Dung (đấu kiếm), Châu Tuyết Vân (taekwondo)…

imgimg
 

Có phải vì yêu wushu quá nên cho đến giờ Vi vẫn chưa nghĩ tới chuyện lập gia đình?

- Nói thật nhé, tính đến lúc này, bao năm tôi chỉ biết ăn, tập và thi đấu. Tôi chưa chơi được gì, thậm chí nhiều khi phải kìm nén những sở thích đơn giản nhất của bản thân thì làm sao tôi có thể nghĩ tới hôn nhân lúc này.

So với các môn thể thao khác, wushu - đặc biệt nội dung biểu diễn mà tôi theo đuổi “ép người” từ khi còn nhỏ, khi mới 6-7 tuổi. Và nếu như các môn khác tập 5-10 năm là thi đấu được rồi thì chúng tôi phải tập 10 năm chưa chắc đã làm được gì.

imgimg
 

Trong khoảng thời gian chục năm đó, hàng ngày, hàng giờ, tôi luyện đi luyện lại một bài kiếm, bài thương hay bài quyền… Các môn khác có sự hưng phấn, có sự cạnh tranh cao. Còn nội dung của tôi là chiến đấu với chính mình. Một động tác đá, có khi phải đá tới hàng chục nghìn lần, nhiều khi cảm thấy rất chán!

Với thể thao, để chơi phòng trào thì không sao nhưng nếu theo chuyên nghiệp thì vấn đề sức khỏe, chấn thương… là điều mà mọi VĐV đều phải đối mặt.

Chúng tôi thường phải vượt ngưỡng chịu đựng của cơ thể mình và đương nhiên xương khớp gặp vấn đề.

Đàn ông các anh ấy lấy vợ xong vẫn tập luyện, thi đấu trở lại được còn với tôi có lẽ sau khi lập gia đình xong sẽ nghỉ thôi!

Tôi là người cầu toàn muốn hướng tới một mối quan hệ bền chặt, gắn bó khi cả 2 đều đủ trưởng thành, suy nghĩ chín chắn.

Tôi nghĩ sau khi lập gia đình tôi phải có nhiều trách nhiệm hơn chứ không muốn sinh con xong để đó cho bố mẹ và chồng phải lo.

Vậy nên dù gia đình đề cập tới chuyện cưới xin nhưng tôi chỉ ậm ừ cho qua. Tôi chưa sẵn sàng! Tôi vẫn đang muốn được tập luyện, được thi đấu.

Chưa lập gia đình nhưng Vi có thể chia sẻ một chút về “một nửa” của mình chứ?

- Cũng không có gì khó nói cả. Bạn trai tôi bằng tuổi, anh ấy sinh ra và lớn lên ở Đức nhưng đã về Việt Nam học xong Đại học. Gia đình anh ấy vẫn bên Đức và dự định cuối năm anh ấy lại sang bên đó.

Có không ít người đã hỏi tôi mẫu người mà tôi sẽ yêu như thế nào? Thực tế là tôi chẳng có hình mẫu nào cả. Tôi là người sống cảm xúc, luôn lắng nghe trái tim mình. Tôi cảm thấy rung động và tôi yêu!

img img
imgimg
 

Ngoài đam mê wushu, Vi có thể kể chút về những sở thích khác của mình?

- Ngoài võ thuật, tôi đặc biệt thích du lịch. Đời VĐV được đi nước ngoài nhiều nhưng để hiểu về văn hóa, con người nơi đến thì chưa. Chúng tôi chỉ tới đất khách, tập luyện, đi thi đấu rồi về.

Năm nay SEA Games không có nội dung thi đấu của tôi nên chắc chắn tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn cho sở thích này.

Tôi cũng rất thích ngồi cafe, trà chanh la cà phố xá với bạn bè. Đó có thể là người mới quen hay cả những đồng đội đã tập luyện cùng tôi 10-20 năm qua. Điều quan trọng là thay đổi không gian giúp tôi cảm thấy thư giãn, thoải mái.

Về ẩm thực, tôi đặc biệt thích ăn giá xào thịt bò và cũng thích vào bếp làm món này cho mọi người thưởng thức. Tôi cũng thích làm thịt kho nhưng để làm ngon cần nhiều thời gian trong khi tôi lại đi tập huấn, thi đấu suốt nên ít có dịp “rèn luyện”.

Về sách, tôi thích đọc Harry Potter và những truyện trinh thám kiểu như Conan chứ không thích các tác phẩm văn học kinh điển. Nhạc thì chỉ thích nghe nhạc ngôn tình (cười!).

Phong cách thời trang ưa thích của Vi là gì?

- Tôi chỉ thích giày thể thao, áo phông và… quần đùi. Nó cho tôi cảm giác thoải mái, tự tin.

img img
imgimg
 

Thời đại 4.0, trong khi nhiều nữ VĐV rất biết cách để trở nên “sáng nhất facebook” thì Dương Thúy Vi lại khá im ắng trên mạng xã hội. Tất cả những gì tôi cảm nhận về Thúy Vi chính là sự chân thành. Sự sôi nổi, nhiệt huyết của Vi khi đề cập tới vấn đề cô thích cứ cuồn cuộn chảy bất tận như khi Vi “hòa thân vào kiếm” trên thảm đấu. Nó khác hẳn trạng thái có phần ngượng nghịu khi đề cập tới những chuyện… con gái như son phấn, váy vóc, tạo dáng chụp hình.

imgimg
 

Là người nổi tiếng nhưng trang facebook của Vi lại khá trầm lặng, không giống với những gì thể hiện trên facebook của những VĐV cùng lứa khác. Có cảm giác Vi “già trước tuổi”?

- Có thể nói thế cũng được! Tôi thấy mình là người có thể chịu được và vượt qua những áp lực trong thi đấu nhưng với “áp lực” từ mạng xã hội , từ “fan cuồng” đã có lúc làm tôi phát hoảng.

imgimg
 

Cách đây 5-6 năm, đặc biệt là sau khi tôi giành HCV ASIAD 2014, có rất nhiều người gửi lời kết bạn với tôi trên facebook. Họ nhắn tin dài dằng dặc, tôi làm gì có thể trả lời hết được.

Thế là bắt đầu có những dòng tin nhắn khiếm nhã, nói tôi thế này thế nọ làm tôi hết sức ngỡ ngàng!

Có anh thậm chí còn vượt qua cả ngưỡng của một người hâm mộ. Anh ta lập rất nhiều tài khoản facebook ảo có hình của tôi, tìm kiếm bạn bè của tôi để xin bằng được số điện thoại. Anh ta còn tìm được số điện thoại của mẹ tôi.

Sau đó là hàng giờ gọi điện thoại làm tôi đến điên đầu. Tôi không nghe, bật loa ngoài anh ta vẫn gọi. Tôi biết nếu tôi chặn số thì anh ấy vẫn dùng số khác gọi. Tôi đổi số thì anh ta vẫn sẽ tìm được thôi nên đành chịu “sốc”!

Anh ấy còn mò đến Trung tâm huấn luyện VĐV cấp cao Hà Nội, bằng cách nào đó vào được bên trong để theo dõi tôi tập luyện từ góc nhìn trên tầng 3. Thật, hồi đó anh ta làm tôi cũng phải phát sợ!

Đến bây giờ anh ta vẫn chưa chịu từ bỏ đâu. Thi thoảng lại thấy một loạt tin nhắn gửi lời yêu say đắm (cười!).

img img

Vậy Vi đã có dự định gì cho mình sau khi giã từ sàn đấu?

- Quả thực, tôi không thể tìm ra tôi có một năng khiếu gì ngoài wushu cả mà có những lựa chọn khác. Những sở thích của con gái như shopping, trang điểm… tôi đều không quen.

img
 
img

Giả dụ như bây giờ mà tôi mặc váy về nhà thì bố mẹ tôi sẽ ngạc nhiên vô cùng mà mừng lắm. Ngay cả hát tôi cũng không hát nổi. Hồi nhỏ tôi cũng hay vẽ nhưng chỉ vẽ được… ngôi nhà thôi. Chứ động tới cái gì nghệ thuật một chút như vẽ đặc tả đôi mắt là chịu!

Tôi nghĩ, chắc cả đời mình sẽ gắn bó với wushu. Tôi tâm niệm nhờ wushu mà tôi có được như ngày hôm nay, được mọi người biết tới nên tôi sẽ chẳng rời xa đâu!

Tôi đã tốt nghiệp Đại học TDTT và cũng đã được vào biên chế của Sở VHTT Hà Nội. Vậy nên sau này không thi đấu nữa sẽ làm công tác huấn luyện.

Có thời gian, tôi sẽ cố gắng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn của mình sâu hơn để sau này góp phần đào tạo nên những thế hệ vận động viên mới cho TTVN.

Nhìn lại cả một hành trình, tôi vẫn thấy mình là người may mắn khi có được HLV, chuyên gia Trung Quốc rất tâm lý. Tôi biết họ rất áp lực thành tích nhưng không bao giờ nói với tôi: “Em phải giành HCV” hay “Em không được mắc lỗi” này nọ.

Tất cả những gì họ làm là giúp tôi học được tính kiên nhẫn, kiên trì thay vì quá vội vàng do tự yêu cầu bản thân quá cao trong tập luyện.

Trước đây khi trẻ, tôi thường nôn nóng, làm 1 động tác 3 lần không được là tôi tự biên động tác khác để đi tìm sự hoàn hảo nhanh nhất cho bài biểu diễn của mình.

Nhưng HLV, chuyên gia đã “ép” tôi. Đúng là có thời gian tôi cảm thấy cái tôi của tôi bị “ép” xuống, vô cùng khó chịu. Nhưng nghĩ lại, nhờ đó mà tôi trưởng thành hơn. Khi “sâu” hơn trong suy nghĩ, phong cách biểu diễn của tôi cũng ổn định hơn!

Những kinh nghiệm, bài học ấy là tài sản vô giá trong hành trang của tôi. Tôi mong muốn truyền lại tất cả cho lứa “đàn em” hiện tại và học trò sau này!

Xin cảm ơn và chúc Dương Thúy Vi giành được nhiều thành công hơn nữa trong sự nghiệp, hạnh phúc hơn nữa trong cuộc sống.

imgimg
 
imgimg
 

Dương Thúy Vi sinh năm 1993 tại Hà Nội. Năm 7 tuổi, cô đòi cha mẹ cho theo anh họ đi tập wushu đơn giản chỉ vì… thích. Thời gian trôi đi, wushu đã ăn vào máu của Vi. Trong bộ sưu tập của mình ở tuổi 26, Vi đã có đầy đủ những tấm HCV khu vực, châu lục và thế giới. Đáng nhớ nhất là 2 tấm HCV giải vô địch thế giới 2013, 2017 và xen giữa đó là tấm “vàng mười” ASIAD 2014 tại Hàn Quốc.

img img
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem