Với Triều Tiên, Mỹ cần trả giá tương xứng chứ đừng trông chờ Trung Quốc

Vietnam+ Thứ sáu, ngày 18/01/2019 20:00 PM (GMT+7)
Theo Thời báo Hoàn cầu, để đẩy nhanh tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, Mỹ cần thẳng thắn làm tròn trách nhiệm, chịu "trả giá" tương xứng, chứ không nên trông chờ Trung Quốc giúp Mỹ.
Bình luận 0

img

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hội đàm với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) trong chuyến thăm Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 19/6/2018. 

Theo Thời báo Hoàn cầu, chuyến thăm Trung Quốc của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un diễn ra trong bối cảnh Mỹ-Triều đang gấp rút chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai và phía Mỹ tiết lộ 2 bên đang lựa chọn địa điểm tổ chức hội nghị. 

Hơn nữa, việc thực hiện kết quả hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất vào tháng 6.2018 từng gặp khó khăn nhất định, nhưng sau đó hai nước đã nối lại các cuộc tiếp xúc cấp cao, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tới thăm Bình Nhưỡng hồi tháng 10/2018. Thêm vào đó, trong bài phát biểu chào Năm Mới 2019, Kim Jong-un đã tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. 

Truyền thông quốc tế đặt câu hỏi: chuyến thăm của ông Kim Jong-un tới Trung Quốc diễn ra đúng vào lúc đàm phán thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra tại Bắc Kinh, không rõ Trung Quốc có nhân cơ hội này để tác động đến các cuộc đàm phán với Mỹ hay không? 

Có thể khẳng định rằng số người Trung Quốc nghĩ như vậy ít hơn nhiều so với số người Mỹ, và dường như không có học giả nghiên cứu chiến lược nào của Trung Quốc xem xét vấn đề từ góc độ này. 

Đa số người Trung Quốc quan tâm đến vấn đề khác, đó là trong bài phát biểu chào Năm Mới, ông Kim Jong-un tiếp tục nhấn mạnh Triều Tiên nỗ lực xây dựng kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, đồng thời tin tưởng kế hoạch này sẽ ảnh hưởng đến thái độ của thế giới bên ngoài đối với Triều Tiên.

Dư luận Trung Quốc có một số mong muốn sau: 

Một là, Mỹ và Hàn Quốc nhận thức rõ về ý nghĩa mang tính xây dựng của việc phát triển quan hệ Trung-Triều đối với việc thúc đẩy phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Thứ Bình Nhưỡng thiếu thốn nhất là niềm tin về vấn đề an ninh quốc gia, trong khi đó mối quan hệ Trung-Triều mật thiết là cội nguồn lớn nhất đối với cảm giác an toàn của Triều Tiên. Không có sự ủng hộ, khích lệ của Trung Quốc, tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên không thể được thúc đẩy thông qua biện pháp hòa bình. Do vậy, các bên cần kiên trì coi Trung Quốc là bên hỗ trợ tiến trình phi hạt nhân hóa. 

Việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên liên quan đến lợi ích quan trọng của Trung Quốc, ủng hộ phi hạt nhân hóa bán đảo này là lập trường lâu dài, kiên định của Trung Quốc. Nhu cầu địa chính trị ngắn hạn và lợi ích của việc coi vấn đề Bán đảo Triều Tiên là một quân bài đều không tương xứng với lợi ích của Trung Quốc trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo này, Trung Quốc quyết không vì lợi ích ngắn hạn mà đánh mất lợi ích lâu dài, to lớn. 

Hai là, Trung Quốc mong muốn đàm phán trực tiếp Mỹ-Triều thu được tiến triển bởi vì cuộc khủng hoảng trên Bán đảo Triều Tiên thực chất là do lâu nay hai nước này chưa thoát khỏi trạng thái đối địch từ Chiến tranh Lạnh. Việc Mỹ-Triều cải thiện quan hệ và đàm phán về lộ trình hòa giải, phi hạt nhân hóa mà hai bên đều có thể chấp nhận cũng là nguyện vọng của Trung Quốc. Mỹ cần thoát khỏi tư duy Trung Quốc dùng thủ đoạn để gia tăng ảnh hưởng, bởi điều này trong năm 2018 đã liên tục tác động đến đánh giá của Mỹ đối với cục diện tình hình Triều Tiên.

Ba là, để đẩy nhanh tiến trình phi hạt nhân hóa, Mỹ cần thẳng thắn làm tròn trách nhiệm, chịu "trả giá" tương xứng, chứ không nên trông chờ Trung Quốc giúp Mỹ thực hiện mọi nghĩa vụ của Mỹ. Triều Tiên luôn lo ngại về khả năng giữ chữ tín của Mỹ, để làm tiêu tan mối lo ngại này, Mỹ cần hành động chứ không chỉ dựa vào những lời hứa suông. 

Việc Mỹ-Hàn ngừng tập trận chung đã tạo ra hiệu quả tốt, khiến việc Triều Tiên phá hủy cơ sở thử nghiệm vũ khí hạt nhân, ngừng thử tên lửa đạn đạo nhận được sự đền đáp. Tiếp theo, Mỹ mong muốn Triều Tiên làm nhiều hơn, song để đạt được mong muốn này, Mỹ cần áp dụng nhiều biện pháp tích cực đối với Triều Tiên chứ không phải là “ra đòn” đối với nước này.

Có thể nói, tình hình Bán đảo Triều Tiên hiện nay rất tích cực, đã không còn bóng dáng các vụ thử tên lửa, vũ khí hạt nhân, không còn sự đe dọa lẫn nhau giữa Mỹ và Triều Tiên. Đây là điều khó tưởng tượng khi Tổng thống Donald Trump mới lên cầm quyền. Mỹ cần coi trọng kết quả không dễ gì có được này, theo kịp sự phát triển của tình hình, nỗ lực thúc đẩy tạo ra những kết quả lớn hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem