Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên: Canh bạc chính trị của thế kỷ 21

Tiểu Đào (Theo BBC) Thứ hai, ngày 12/03/2018 15:30 PM (GMT+7)
Trong thời điểm hiện tại, cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên có lẽ đang là sự kiện chính trị nóng bỏng nhất đang được cả thế giới chờ đợi. Nếu thành công, hòa bình trên bán đảo Triều Tiên sẽ không còn là viễn cảnh xa vời; nếu thật bại, hậu quả sẽ không thể tưởng tượng nổi – đây chính là canh bạc chính trị của thế kỷ 21.
Bình luận 0

thuong-dinh-my-trieu-tien-canh-bac-the-ky-1

Liệu cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên có làm nên lịch sử?

Trong canh bạc chính trị này, không phải Tổng thống Mỹ Donald Trump hay Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, chính Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un mới là “tay chơi” quan trọng nhất.

Từ thông điệp năm mới muốn cải thiện mối quan hệ với Seoul cho tới quyết định gửi phái đoán đến dự Olympic mùa đông Pyeongchang, rõ ràng, nhà lãnh đạo Triều Tiên là người rất cao tay trong việc tuyên truyền hình ảnh của Bình Nhưỡng. Một số người sẽ nhìn nhận lời mời ông Trump đối thoại cũng như việc cam kết tạm hoãn các vụ thử tên lửa và hạt nhân trước cuộc gặp là một bước đột phá sau nhiều năm đối đầu căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên.

Tuy nhiên, vẫn chưa thể chắc chắn về ý định thật sự của vị Chủ tịch và các nguy cơ tiềm ẩn lại đang đè nặng lên đôi vai của ông chủ Nhà Trắng và Nhà Xanh.

Đòn tấn công quyến rũ của ai?

Trong mắt những người ủng hộ, Tổng thống Moon là người cầm lái, khéo léo thuyết phục Chủ tịch Kim mở lời về việc từ bỏ vũ khí hạt nhân. Ông là người đã nhìn thấy cơ hội trong bài phát biểu đầu năm của nhà lãnh đạo Triều Tiên và đã không ngần ngại nắm chặt lấy cơ hội này. Kết quả là mối quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Seoul ấm lên một cách nhanh chóng cùng với các đoàn đại biểu của hai miền viếng thăm lẫn nhau.

“Mọi người cho rằng, đây là đòn tấn công quyến rũ của Triều Tiên. Cá nhân tôi lại nghĩ rằng người ra đòn mới là Hàn Quốc. Đây là điều mà Tổng thống Moon Jae-in rõ ràng rất mong đợi”, ông John Delury thuộc trường Đại học Yonsei nhận định trước khi thông tin về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên được công bố.

thuong-dinh-my-trieu-tien-canh-bac-the-ky-2

Ông Kim Jong-un tươi cười chào đón đoàn đặc phái viên của Tổng thống Moon Jae-in

Ông Moon biết rõ, nhiệm vụ chính mà các đặc phái viên của mình phải làm khi đến Bình Nhưỡng là lấy ra được từ “giải trừ hạt nhân” từ chính miệng ông Kim. Ông cũng hiểu rằng, việc hai quan chức cấp bộ trưởng “tay bắt mặt mừng” với nhà lãnh đạo tối cao của Triều Tiên chắc chắn sẽ khiến đồng minh ở Washington và Toyko không hài lòng. Thế nhưng, dù có rủi ro, ông vẫn phải thử bởi nếu không có cuộc gặp ở Bình Nhưỡng, sẽ không có cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên nào hết. Kết quả, những người ông Moon gửi đến gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã hoàn thành nhiệm vụ.

Cố gắng đàm phán với cả ông Trump và ông Kim cùng một lúc, nhà lãnh đạo Hàn Quốc đang cố đóng vai trò là một người trung gian thuần túy. Ông rất cẩn thận trong từng lời nói, luôn giữ một cái đầu lạnh bởi bản thân ông hiểu rõ rằng, khó khăn, thử thách là không thế tránh khỏi.

Theo ông Duyeon Kim – một chuyên gia cao cấp của Diễn đàn Bán đảo Triều Tiên, có khả năng cao là đàm phán sẽ lại đổ bể, tất cả các bên đều thật bại trong việc đạt được mục tiêu đề ra và Triều Tiên sẽ vẫn giữ vũ khí hạt nhân cho riêng mình. Thế nhưng, hi vọng vẫn còn đó…

“Không ai có thể biết được gì sẽ xảy ra. Cho dù sự hoài nghi đang phủ bóng cuộc gặp sắp tới, các bên vẫn phải cố gắng tỉnh táo và đàm phán tích cực”, ông Duyeon cho biết.

Từ khi Olympic Mùa đông diễn ra, sự ủng hộ đối với Tổng thống Moon bị tụt giảm sau khi ông quyết định sát nhập đội khúc côn cầu nữ của 2 nước và gặp gỡ vị tướng Triều Tiên bị cáo buộc đứng sau cuộc tấn công tàu chiến Hàn Quốc hồi năm 2010. Danh tiếng và độ tín nhiệm có thể bị thiệt hại, thế nhưng dường như thứ mà vị chủ nhân Nhà Xanh quan tâm không phải là hào quang chính trị.

“Mẹ tôi là người duy nhất trong gia đình bà chạy xuống Hàn Quốc. Bây giờ, bà đã 90 tuổi. Em gái bà vẫn đang sống ở Triều Tiên. Ước vọng cuối cùng của mẹ tôi đã được nhìn thấy em gái mình một lần nữa”, ông Moon kể lại với tạp chí Times khi vẫn còn là ứng cử viên Tổng thống.

Theo BBC, dù khả năng là rất ít nhưng trong trường hợp ông Moon giúp cho cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên suôn sẻ, khiến cho sức nóng của mối đe dọa chiến tranh hạt nhân hạ xuống, ông hoàn toàn xứng đáng nhận được giải Nobel Hòa bình. Tuy nhiên, đây cũng là một canh bạc với chính Tổng thống Moon bởi nếu cuộc gặp thất bại, tất cả sẽ quay về thời kỳ “ngoại giao liều lĩnh” – vụt mất cơ hội mà có lẽ ông sẽ không còn được thấy một lần nào nữa, ít nhất là trong khi ông còn đang tại nhiệm.

Bị Triều Tiên chi phối?

Tuy tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang diễn ra theo chiều hướng khả quan, mọi chuyện có lẽ sẽ không đơn giản trên bàn đám phán. Từ trước đến giờ, Mỹ vẫn giữ quan điểm rằng việc giải trừ hạt nhân vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên là mục tiêu cuối cùng. Tuy nhiên, dù đã có nhiều đột phá, rất ít khả năng ông Kim sẽ đồng ý với việc này, đồng nghĩa với việc ông Trump sẽ không thể có được thứ mà mình muốn.

Có chăng, cả Tổng thống Moon Jae-in và cả Tổng thống Donald Trump đang bị Triều Tiên “chi phối?

“Bằng việc đưa ra lá bài ‘phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên’ và ‘tạm đình chỉ thử tên lửa và hạt nhân’, ông Kim đang tìm cách làm suy yếu các lệnh cấm vận, ngăn chặn khả năng sử dụng quân sự của Mỹ và đưa cả thế giới vào thế phải chấp nhận nước này là một cường quốc hạt nhân đích thực”, ông Lee Sung-yoon – giáo sư Trường Pháp luật và Ngoại giao Fletcher thuộc trường Đại học Tufts nói.

thuong-dinh-my-trieu-tien-canh-bac-the-ky-3

Dù còn trẻ, ông Kim Jong-un đã thể hiện tài ngoại giao khôn khéo

Với ông Trump, việc gặp gỡ nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể sẽ là một bước đi lịch sử táo bạo nhất mà một Tổng thống Mỹ từng làm trong vấn đề quan hệ quốc tế. Nếu canh bạc này cho ra kết quả tốt, ông hoàn toàn có thể tự “vỗ ngực” với thành tích giải quyết vấn đề Triều Tiên. Từ khi chính thức nắm quyền hồi tháng 1.2017, ông Trump và các cộng sự chưa đạt được quá nhiều “thắng lợi” như cam kết đưa ra hồi tranh cử. Do đó, một “chiến thắng” trên bán đảo Triều Tiên chính là điều mà vị chủ nhân Nhà Trắng đang rất khao khát. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un dường như cũng biết rõ khát khao này.

Tuy nhiên, một cuộc gặp Thượng đỉnh có thể là con dao 2 lưỡi. Đây có thể sẽ là một thảm họa PR có lợi cho Bình Nhưỡng, nhất là trong bối cảnh cuộc gặp có thể diễn ra vào tháng 5 – một khoảng thời gian quá ngắn cho các công tác chuẩn bị cần thiết nhằm đạt được các mục tiêu ngoại giao. Nên nhớ rằng, ông Trump – một thương gia mới chuyển qua làm chính trị - vẫn còn đang “chân ướt chân ráo” với vấn đề Triều Tiên. Trong khi đó, ông Kim Jong-un dù còn trẻ đã là một “tay chơi sành sỏi” trên bàn đám phán.

Có thể nói, đây chính là canh bạc chính trị của Thế kỷ 21, ít nhất là với Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem