Phía sau bức thư tay ông Kim Jong Un gửi Tổng thống Hàn Quốc

Lư Phổ Ân Thứ ba, ngày 13/02/2018 20:30 PM (GMT+7)
Những dự đoán của bên ngoài đã trở thành sự thật khi bà Kim Yo Jong, em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong phái bộ chính thức 22 người của Triều Tiên tới Hàn Quốc dịp Thế vận hội mùa đông năm nay ở nước này đã gặp tổng thống Hàn Quốc Moo Jae In và trao bức thư tay của ông Kim Jong Un mời ông Moon Jae In sang thăm chính thức Triều Tiên.
Bình luận 0

img

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Lời mời đã được người được mời chấp nhận cho dù với thái độ chần chừ nhất định khi người này nói rằng "khi điều kiện cho phép". Trong bối cảnh tình hình hiện tại, ông Moon Jae In không thể không nói thế bởi phải đảm bảo chắc chắn rằng chuyến thăm Triều Tiên đưa lại kết quả cụ thể thì mới thực hiện và cuộc thượng đỉnh liên Triều thứ ba phải khác biệt cơ bản so với hai lần trước về tính lâu bền trong tác động của nó.

Vấn đề bây giờ chỉ là thời gian thôi chứ ông Moon Jae In rồi sẽ công du Triều Tiên, không chỉ đơn thuần vì cơ hội khó lòng có thể có lại được mà còn vì chỉ nhờ cậy vào cuộc thượng đỉnh như thế hai nước trên bán đảo Triều Tiên mới có thể cùng nhau tìm kiến được giải pháp cơ bản và lâu bền cho những vấn đề vướng mắc hiện tại giữa hai bên. Cả hai đều ý thức được rằng chuyện hoà dịu liên Triều lần này có tác động rất mạnh mẽ tới quan hệ của từng bên với những đối tác khác.

Trong thời gian rất ngắn, quá trình hoà dịu giữa Triều Tiên và Hàn Quốc đã chuyển biến từ danh nghĩa sang thực chất. Với bà Kim Yo Jong, lần đầu tiên kể từ 70 năm nay có một thành viên của gia tộc Kim Nhật Thành tới Hàn Quốc và phái bộ chính thức của Triều Tiên do ông Kim Yong Nam dẫn đầu trên cương vị chủ tịch quốc hội và đồng thời cũng còn là người đứng đầu trên danh nghĩa nhà nước Triều Tiên là phái đoàn chính thức cao cấp nhất từ trước tới nay đến Hàn Quốc.

Một khi đưa ra lời mời tổng thống Hàn Quốc tiến hành cuộc thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3, ông Kim Jong Un ở phía Triều Tiên chắc chắn đã dự liệu trước là lời mời sẽ được ông Moon Jae In chấp nhận và cuộc thượng đỉnh này không thể không đạt kết quả gì. Hay nói theo cách khác, phía Triều Tiên hiện đã có chủ ý thoả thuận gì, nhượng bộ gì với phía Hàn Quốc và cuộc thượng đỉnh tới sẽ được thực hiện nhằm đạt thoả thuận cụ thể giữa hai bên chứ không phải nhằm chỉ để được tiếng là có thêm cuộc gặp cấp cao liên Triều.

Có thể bởi khó khăn gia tăng do bị tác động của các biện pháp trừng phạt, bao vây và cấm vận nhưng cũng có thể do chương trình tên lửa và hạt nhân đã phát triển đến mức đủ để Triều Tiên coi là không còn có thể bị đảo ngược mà Triều Tiên chủ động đi vào hoà dịu với Hàn Quốc.

Làm việc này với ông Moon Jae In trên cương vị tổng thống Hàn Quốc đương nhiên khả thi hơn so với trong thời trước đó ở nước này bởi ông Moon Jae In chủ trương khôi phục kênh tiếp xúc, đối thoại và đàm phán liên Triều. Thế vận hội mùa đông tổ chức ở Hàn Quốc là dịp thuận lợi khó có thể hơn được nữa.

Càng thực chất thì tiến trình này càng bền vững và càng có đà để tiếp diễn trong tương lai. Nó càng được duy trì thì mối quan hệ giữa hai nước này có thể đóng vai trò càng quan trọng và quyết định hơn trong việc giải quyết mọi vấn đề liên quan đến vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên cũng như tới mối quan hệ giữa Triều Tiên và Mỹ. Triều Tiên hiện đang thực thi chiến dịch ngoại giao để thoát khó, để phân hoá Hàn Quốc với Mỹ và để đẩy Mỹ vào tình thế bị động, khó xử ở khu vực này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem