Đọ độ khủng của quân đội Mỹ-Nga-Trung

Chủ nhật, ngày 17/12/2017 20:30 PM (GMT+7)
Mỹ, Nga và Trung Quốc đều là những siêu cường quân sự hàng đầu thế giới với lực lượng binh sĩ chuyên nghiệp, khí tài hiện đại và sức mạnh hỏa lực lớn. Vậy chuyện gì sẽ xảy ra nếu những người khổng lồ này bước vào cuộc chiến tay ba?
Bình luận 0

Máy bay tàng hình

Khác với Nga và Trung Quốc, Mỹ đã và đang sở hữu trong biên chế máy bay tàng hình F-22 vốn đã được thử lửa trong nhiều cuộc chiến và xung đột. Không chỉ có vậy, nước này cũng đang sở hữu máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 F-35, được cho là ưu việt nhiều lần hơn “Chim săn mồi”. Tuy nhiên, loại máy bay này vẫn trong quá trình thử nghiệm và đang gặp phải khá nhiều vấn đề, bao gồm mũ công nghệ cao cho phi công. Do đó, đảm nhiệm chiến trường trên không của Mỹ sẽ vẫn là F-22.

img

"Chim săn mồi" F-22

Về phía mình, Trung Quốc đang phát triển 4 loại phi cơ tàng hình khác nhau là J-31, J-20, J-23 và J-25. Chiếc J-31 được giới thiệu trong 1 buổi trình diễn hàng không hồi năm 2014 hiện đang là loại máy bay hiện đại nhất được phát triển. Trong khi đó, J-20 – phi cơ được quảng cáo là đối thủ của F-35, đã được biên chế trong không quân. Đây sẽ là các đại diện của Trung Quốc trong cuộc chiến tay ba giành quyền kiểm soát bầu trời do các dự án J-23 và J-25 được nhiều chuyên gia đánh giá chỉ là sản phẩm truyền thông nhà nước chứ không hề tồn tại.

img

Máy bay chiến đấu tàng hình J-20

Còn về phía Nga, nước này chỉ đang phát triển 1 loại máy bay tàng hình duy nhất là T-50 (hay còn được gọi là PAK FA). Tuy có khả năng tàng hình kém hơn, thế nhưng chiếc “xe tăng bay” này lại cơ động hơn, biến nó thành 1 đối thủ “khó nhằn” với F-22. Được biết, T-50 sẽ được quân đội Nga biên chế vào năm 2018.

img

Máy bay chiến đấu tàng hình T-50 (PAK FA)

Người có khả năng dành chiến thắng cao nhất: Hiện tại, các mẫu máy bay của Nga và Trung Quốc vẫn chưa có cơ hội “thử lửa”. Do đó, F-22 có vẻ sẽ là “chiếu trên” trong cuộc chiến không quân nhờ kinh nghiệm thực chiến của mình

Xe tăng

Từ khi được đưa vào biên chế, xe tăng chủ lực M-1 Abrams của quân đội Mỹ đã trải qua nhiều lần nâng cấp khác nhau. Ngoài trừ đạn pháo, hầu hết các thành phần của xe như giáp, hệ thống vũ khí và hệ thống truyền lực,…đều được cả tiến. M-1 Abrams sở hữu pháo nòng 120mm, hệ thống điện tử và điều khiển vũ khí tốt, cấu hình giáp mạnh mẽ bao gồm uranium, Kevlar, giáp phản ứng nổ và các lớp giáp Chobham.

img

M1 Abrams

Trong khi đó, Nga đã hoàn tất phát triển xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata và sẽ bàn giao lục quân 2300 chiếc vào năm 2020. Tuy nhiên, dường như T-90A vẫn sẽ là lực lượng chủ đạo của Nga trong cuộc chiến tay ba với Mỹ và Trung Quốc. T-90A có khả năng tự động nạp đạn, trang bị giáp phản ứng nổ, 1 súng máy điều khiển gián tiếp và 1 pháo chính 125mm có khả năng bắn tên lửa chống tăng. Đây sẽ là 1 “quái thú” trên chiến trường khiến đối thủ phải run sợ.

img

T-90A

Giống với Nga, Trung Quốc cũng có vài mẫu xe tăng trong biên chế và còn đang phát triển thêm các mẫu mới. Đại diện chính của nước này sẽ là Type 99. Loại tăng của Trung Quốc sở hữu 1 pháo nòng trơn 125mm có khả năng bắn tên lửa chống tăng, tự động nạp đạn. Type 99 đã được nâng cấp giáp phản ứng nổ và được cho là có khả năng chống chịu gần tương đương xe tăng của phương Tây và Nga.

img

Type 99

Người có khả năng dành chiến thắng cao nhất: nếu chỉ nhìn vào hệ thống vũ khí, cả 3 bên đều ngang ngửa nhau. Tuy nhiên, người Mỹ có lợi thế về số lượng có sẵn cũng như binh sĩ được huấn luyện tốt hơn, có nhiều kinh nghiệm tham gia chiến đấu nhiều hơn so với đối thủ.

Tàu chiến mặt nước

Với hạm đội hải quân hùng mạnh nhất thế giới mà trái tim là 10 tàu sân bay, nước Mỹ hoàn toàn có thể tự tin rằng mình là bá chủ trên biển. Tuy nhiên trong thực tế, số lượng lớn cùng với công nghệ hiện đại cũng khó có thể giúp Mỹ áp đảo hải quân Trung và Nga nếu phải chiến đấu trên vùng nước của đối thủ.

img

Tuy vẫn đang chật vật hiện đại háo hải quân, thế nhưng màn trình diễn của tên lửa hành trình Kalibr trong chiến dịch tiêu diệt IS tại Syria đã cho thấy, các tàu của Nga đều thuộc dạng “nhỏ nhưng có võ”. Phiên bản đối hạm của Kalibr được cho là có sức mạnh tương tự bản đối đất và nếu được khai hỏa với số lượng lớn, tên lửa của Nga có thể vượt qua được hệ thống phòng thủ tàu của Mỹ như Phalanx. Ngoài ra, Nga còn sở hữu hệ thống tên lửa hành trình Club-K đối hạm vốn có thể ngụy trang trong các container chở hàng.

img

Tương tự, Trung Quốc cũng đang cách mạng hóa lực lượng vũ trang biển của mình. Lực lượng Tuần duyên Trung Quốc hiện đang nhận được các loại tàu có độ choán nước lớn và được vũ trang hạng nặng. Trong khi đó, Hải quân Trung Quốc đang biên chế hàng trăm tàu mặt nước trang bị tên lửa và vũ khí hiện đại, có cảm biến ngang ngửa tàu Mỹ.

img

Người có khả năng dành chiến thắng cao nhất: nếu như ở “sân nhà” hay các vùng biển quốc tế, nước Mỹ sẽ là người kiểm soát mặt biển. Tuy nhiên, nếu ở “sân khách”, chỉ cần 1 sai lệch nhỏ trong kế hoạch chiến đấu, Hải quân Mỹ sẽ chịu thiệt hại cực kỳ nặng nề.

Tàu ngầm

img

Hải quân Mỹ hiện đang sở hữu 14 tàu ngầm tên lửa đạn đạo (mỗi tàu mang theo 20 quả tên lửa hạt nhân có khả năng xóa sổ hoàn toàn 1 thành phố), 4 tàu tên lửa hành trình (mỗi tàu mang theo 154 tên lửa hành trình Tomahawk) và 54 tàu ngầm tấn công hạt nhân. Đó là “nắm đấm sắt” hiện đại, uy lực và không thể bị ngăn chặn của Mỹ.

Về phía mình, dù chỉ có tổng cộng 60 chiếc, thế nhưng các tàu ngầm của Nga cũng cực kì mạnh mẽ. Về khả năng tàng hình, các tàu ngầm hạt nhân của Moscow có thể sánh ngang với đối thủ phương Tây trong khi các tàu điện diesel được mệnh danh là “hố đen” không thể bị phát hiện. Ngoài ra, Nga cũng đang phát triển thế hệ vũ khí dành cho tàu ngầm mới, trong đó có cả ngư lôi hạt nhân có sức nổ 100 megaton – đủ để hủy diệt cả 1 thành phố. Không chỉ có vậy, thủy thủ Nga cũng là những người đầy kinh nghiệm trong việc vận hành tàu ngầm.

Trong lĩnh vực này, Trung Quốc dường như là bên yếu thế nhất. Nước này chỉ có 5 tàu ngầm tấn công hạt nhân, 53 tàu ngầm tấn cộng điện diesel và 4 tàu ngầm tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng đang cố gắng để khắc phục đặc điểm chí mạng của mình: dễ bị phát hiện.

Người có khả năng dành chiến thắng cao nhất: Xét về khả năng tấn công mặt đất hay đối đầu trực tiếp, hạm đội tàu ngầm Mỹ vẫn là bên có lợi thế hơn. Tuy nhiên, khoảng cách sức mạnh không phải là lớn và đang nhanh chóng thu hẹp dần. Theo các nhà quan sát quân sự, chẳng mấy chốc, sẽ không nơi nào là an toàn với các tàu ngầm của nước này nữa.

Tổng kết

Nếu xét về mọi mặt như số lượng, công nghệ và kinh nghiệm, có vẻ như nước Mỹ sẽ dành thế thượng phong trong 1 cuộc chiến tay ba lịch sử. Tuy nhiên, rất khó để dự đoán được liệu Washington có thể duy trì điều này trong suốt cuộc chiến hay không. Dù đi sau, Nga và Trung Quốc đang phát triển với tốc độ nhanh chưa từng thấy và sẽ nhanh chóng bắt kịp Mỹ. Khi ấy, có lẽ đây sẽ là 1 bài toàn không có lời giải?

Mai Đại (Tổng hợp)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem