Đại dịch Covid-19: Thấy gì từ quyết định khẩn cấp của Trump?

Đại sứ Trần Đức Mậu Chủ nhật, ngày 15/03/2020 14:00 PM (GMT+7)
Tình trạng khẩn cấp quốc gia ở Mỹ càng kéo dài thì sẽ càng bất lợi cho ông Trump vì đấy là bằng chứng về thất bại chứ không phải thành công của người này trong xử lý khủng hoảng và dịch bệnh càng kéo dài thì kinh tế Mỹ càng chậm phục hồi nhịp độ tăng trưởng và nội bộ xã hội Mỹ càng thêm bất ổn.
Bình luận 0

img

Tổng thống Mỹ Trump đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia vì đại dịch Covid-19.

Gần 3 tháng sau khi dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona (Covid-19) gây ra bùng phát ở Trung Quốc, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố coi nó là đại dịch và tâm dịch đã không còn phải là Trung Quốc nữa mà đã dịch chuyển sang châu Âu, thậm chí còn có thể cả sang Mỹ nữa. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp trên khắp đất nước. Ngoài Mỹ ra, hiện trên thế giới có đến hơn 100 quốc gia có dịch bệnh, nhưng chỉ có Mỹ và Italy là trong tình trạng khẩn cấp trên toàn lãnh thổ.

Ông Trump đã thay đổi nhận thức và có quyết sách mới rất nhanh chóng. Mới đầu tuần vừa rồi thôi, người này vẫn còn coi dịch bệnh này như một bệnh cúm bình thường. "Không có gì phải bị đóng cửa cả. Cuộc sống và kinh tế vẫn tiếp tục bình thường", ông Trump quả quyết như thế hôm Thứ Hai. Ngày Thứ Ba, ông Trump dẫn lại dòng tweet của một người Mỹ cho rằng virus corona là "Virus Trung Quốc". Nhưng trong ngày Thứ Tư, ông Trump đã quyết định cấm nhập cảnh từ 26 nước châu Âu hiện tham gia Hiệp ước Schengen trong thời gian 30 ngày. Hai ngày sau nữa, ông Trump ban bố tình trạng khẩn cấp trên khắp nước Mỹ. Vào thời điểm ấy, dịch bệnh đang lan rộng trên khắp nước Mỹ và đã có những người nhiễm bệnh đầu tiên bị chết. Nhưng nguyên nhân chính khiến ông Trump phải thay đổi quan điểm nhanh chóng như vậy và hành động quyết liệt như vậy là sự bộc lộ thực trạng yếu kém của nước Mỹ trên phương diện ứng phó dịch bệnh này. Hệ thống chăm sóc sức khoẻ và bảo hiểm y tế ở nước Mỹ đã bị chính sách của ông Trump trong 3 năm qua làm cho thêm suy yếu về tổ chức và khả năng tài chính. Thiên tai chỉ tàn phá và ảnh hưởng một vùng nhất định của nước Mỹ trong khi dịch bệnh này đe doạ người dân trên khắp nước Mỹ. Ông Trump thật sự đã chỉ khi nước đến chân mới chịu nhảy.

Người này phải nhảy vì số người nhiễm dịch bệnh ở Mỹ đã lên tới gần 2000 người, số người bị chết đã hơn 40 - ấy là theo số liệu thống kê chính thức chứ còn trên thực tế thò những con số này chắc chắn còn cao hơn rất nhiều. Ông Trump phải làm vậy bởi ở Mỹ cho tới nay mới chỉ có hơn 11000 người được xét nghiệm dịch bệnh. Qua đó có thể thấy nước Mỹ hiện bị bất ngờ bởi dịch bệnh này và hệ thống chăm sóc y tế bị quá tải thực sự bởi dịch bệnh. Dịch bệnh lan tràn, chỉ số chứng khoán trên thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh, dân Mỹ bắt đầu hoang mang và lo ngại - tất cả những điều này đều có thể ảnh hưởng rất tiêu cực tới triển vọng tái đắc cử của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống tới ở Mỹ. Hiện tại, ông Trump không cần phải lo ngại nhiều về hai đối thủ chính trị thuộc phe Đảng Dân chủ là cựu phó tổng thống Joe Biden và thượng nghị sỹ Bernie Sanders bằng lo ngại về tác động của những điều trên.

Dịch bệnh này bắt đầu khiến kinh tế và thị trường chứng khoán Mỹ chao đảo cũng như bắt đầu làm nội bộ xã hội Mỹ trở nên bất ổn, chưa biết đến khi nào mới kết thúc và cũng chưa biết sau đấy cần bao nhiêu thời gian để khắc phục được mọi hậu quả và hệ luỵ của nó trong khi ngày bầu cử tổng thống ở Mỹ cứ tới gần thêm. Khủng hoảng là cơ hội cho ông Trump thể hiện mà các ứng cử viên khác không thể có được. Nhưng nó cũng còn là con dao hai lưỡi. Nếu xử lý khủng hoảng tốt thì ông Trump được lợi, nhưng nếu ông Trump xử lý khủng hoảng không hiệu quả thì những đối thủ chính trị kia lại thu lợi lớn mà chẳng phải làm gì. Ông Trump không thể tránh xử lý cuộc khủng hoảng này trong khi những người kia lại có thể sõng tay nhìn ông Trump xử lý khủng hoảng.

Với hai quyết sách mới đây nhất nói trên, ông Trump cho thấy đã ý thức được mức độ rủi ro của tình thế mới đối với mình và dùng mức độ quyết liệt của biện pháp chính sách để thể hiện trước cử tri Mỹ bản lĩnh và năng lực xử lý khủng hoảng. Người này chủ ý hướng sự chú ý và không hài lòng của cử tri không phải vào chính phủ mà sang các đối tác bên ngoài, đặc biệt là Trung Quốc và EU, trút trách nhiệm chính cho bên ngoài. Người này ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để tạo tình cảnh có thể áp dụng những biện pháp chính sách đặc biệt và giải ngân 50 tỷ USD chi cho các biện pháp ứng phó dịch bệnh. Ông Trump cần nguồn tiền này để tài chi cho các biện pháp đối phó dịch bệnh nhưng cũng còn cả hiệu ứng dân tuý của nó nữa.

Dịch bệnh làm xáo trộn kế hoạch vận động tranh cử của các ứng cử viên tổng thống ở Mỹ. Tình trạng khẩn cấp quốc gia ở Mỹ càng kéo dài thì sẽ càng bất lợi cho ông Trump vì đấy là bằng chứng về thất bại chứ không phải thành công của người này trong xử lý khủng hoảng và dịch bệnh càng kéo dài thì kinh tế Mỹ càng chậm phục hồi nhịp độ tăng trưởng và nội bộ xã hội Mỹ càng thêm bất ổn. Cơ hội hiện tại đối với ông Trump không phải là chuyển bại thành thắng mà là ngăn bại giành thắng.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem