Bật mí bí quyết sản xuất quần áo từ đá của Triều Tiên

Thứ hai, ngày 29/01/2018 19:00 PM (GMT+7)
Thời tiết giá lạnh và nền kinh tế không đủ mạnh để sản xuất quần áo làm từ cotton hay lông cừu khiến người Triều Tiên bắt tay vào sản xuất vải bằng nguyên liệu đá vôi.
Bình luận 0

Cố chủ tịch Kim Nhật Thành đã ra lệnh phát triển vinylon hay còn gọi là vinalon, một loại sợi tổng hợp làm từ anthracit và đá vôi, để may quần áo cho người dân nước này. Lịch sử phát triển của loại vải này đã hé lộ phần nào lịch sử của chính đất nước Triều Tiên.

img

Những cuộn chỉ sợi vinalon làm từ đá vôi của Triều Tiên. Ảnh: Reuters

Câu chuyện về loại vải kỳ lạ

Theo Reuters, nền công nghiệp chế biến sợi vinalon toàn cầu có giá trị 443 triệu USD vào năm 2016 và dự kiến đạt 539 triệu USD vào năm 2020. Các công ty sản xuất vinalon ở Nhật Bản và Trung Quốc đều sử dụng dầu mỏ làm nguyên liệu chính. Nhưng Triều Tiên không có trữ lượng dầu mỏ nên quốc gia này đã sử dụng 2 loại nguyên liệu mà họ có rất nhiều: than đá và đá vôi.

Vinalon được phát triển lần đầu tiên ở Nhật Bản năm 1939 có sự đóng góp của một người Triều Tiên tên là Ri Sung Gi. Ban đầu, sáng chế của Ri mới chỉ là những tinh thể cứng, trắng, có thể kéo dài thành sợi, có kết cấu như bông. Loại sợi này rất cứng và khó nhuộm nhưng lại rất bền.

img

Hạt vinalon trắng xóa giống muối biển. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, việc nghiên cứu và phát triển sản xuất loại sợi này bị trì hoãn trong Thế chiến thứ hai. Năm 1950, Chiến tranh Triều Tiên nổ ra, 2,5 triệu người chết chỉ trong vòng 3 năm. Ri muốn giúp Hàn Quốc tái thiết quốc gia bằng sợi vinalon nhưng đã bị từ chối. Ông bỏ trốn sang Triều Tiên và được tôn vinh như Marie Curie của nước này.  

Từ thời còn là thuộc địa của Nhật, Triều Tiên đã nhận được nhiều đầu tư công nghiệp nặng hơn Hàn Quốc nhưng lại thiếu thốn các nhu yếu phẩm cho người dân. Nhận thấy nhu cầu cấp bách, chủ tịch Kim đã yêu cầu viện trợ từ Liên Xô. Tuy nhiên, Liên Xô không thể cung cấp vải cotton cho Triều Tiên được.

Ngay khi nhận được lời đề nghị phát triển vải vinalon của Ri, chủ tịch Kim đã thấy ngay đây chính là một công cụ chính trị và gắn liền loại vải này với tư tưởng chủ thể: “Con người là chủ thể của mọi sự và quyết định mọi việc”.

Ngày 6.5.1961, nhà máy Vinalon Hamhung được khánh thành với công suất ước tính 10.000 tấn vinalon và hướng tới sản xuất 300 triệu mét vải/năm.

Nhà máy này đã cung cấp việc làm cho hơn 3.000 người và phát triển nhanh chóng, mang lại nhiều lợi ích kinh tế. Vào những năm 1960, nền kinh tế của Triều Tiên tăng trưởng nhanh hơn Hàn Quốc. Theo số liệu của CIA, từ năm 1956-1971, Triều Tiên đã sản xuất nhiều hơn Hàn Quốc 7 triệu mét vải.

Vua của các loại vải

Người Triều Tiên gọi vinalon là “vua của các loại vải” coi đây là biểu tượng của sự độc lập và trù phú của đất nước.  Tuy nhiên, trên thực tế, loại vải này không đủ giữ ấm cho con người. Đồng thời, vì tin rằng sản xuất vải vinalon có thể giúp người dân đủ áo mặc vào mùa đông, Triều Tiên đã không phát triển ngành công nghiệp năng lượng. Kết quả là, nước này không có trữ lượng dầu mỏ để sản xuất vinalon hay cung cấp điện cho các nhà máy và Bình Nhưỡng phải phụ thuộc nhập khẩu dầu từ Liên Xô.

img

Những tòa nhà biểu tiểu của tư tưởng chủ thể. Ảnh: Reuters

Để có thể tiếp tục sản xuất vải làm từ đá vôi, Triều Tiên cần phát triển năng lượng hạt nhân. Trong nhiều năm, quốc gia này đã yêu cầu sự giúp đỡ của Liên Xô để xây dựng các nhà máy hạt nhân nhưng chỉ được hỗ trợ cho một cơ sở điện hạt nhân. Năm 1973, Kim Dong Gyu, quan chức cấp cao Triều Tiên buộc phải thú nhận với nhà lãnh đạo Romania, ông Nicolai Ceaucescu rằng họ chỉ có thể sản xuất được 70-80 tấn vinalon/năm và khó để tăng sản lượng.

Nhà máy Hamhung sau đó đã được mở rộng để chế tạo cacbua canxi, loại hợp chất than đá và vôi tương tự như nguyên liệu sản xuất vinalon. Những người đào tẩu tiết lộ với Reuters rằng các hợp chất này có thể chế tạo vũ khí hóa học. Các chuyên gia về vũ khí tại Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Middleburry cũng cho rằng các nhà máy vinalon của Triều Tiên có thể sử dụng để sản xuất nhiên liệu cho tên lửa.

Việc Triều Tiên phát triển tên lửa đã khiến nước này phụ thuộc vào các khoản vay Liên Xô và sau này là Trung Quốc. Khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, Triều Tiên mất đi nguồn tài trợ lớn. Do đó, các vật dụng sinh hoạt của người dân phụ thuộc rất lớn vào nguồn hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Quốc gia láng giềng này đã xuất khẩu sang Triều Tiên hàng trăm nghìn tấn vải và quần áo, theo thống kê của Trung Quốc.

Tạm ngưng sản xuất và hồi sinh

Sau khi chủ tịch Kim qua đời, Triều Tiên đã rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng và phải kêu gọi cứu trợ nhân đạo quốc tế. Nhà máy Hamhung sau một trận lụt đã không thể tiếp tục sản xuất. Không có việc làm, các cư dân ở Hamhung phải sử dụng sợi vinalon như là một công cụ trao đổi hàng hóa. 

Nạn đói trong thập niên 1990 đã giết chết 3 triệu người dân Triều Tiên. Người ta vào nhà máy, lấy linh kiện máy móc, như niken tinh khiết hay dây đồng, ống dẫn đem bán ở chợ đen. Năm 1996, nhà phát minh ra sợi vinalon, ông Ri Sung Gi qua đời, đánh dấu sự chấm dứt loại sợi này.

Năm 2010, nhà lãnh đạo Kim Jong Il cho mở lại Khu phức hợp Vinalon trước khi đột ngột qua đời vào năm 2011. Con trai của ông, Kim Jong Un tiếp quản vị trí đứng đầu đất nước năm 2012, công bố một kế hoạch đổi mới kinh tế, bao gồm việc "mắt nhắm mắt mở" và cho phép thị trường phi chính thức được tồn tại. Quyết định này nhằm mục đích phát triển thị trường cho sợi vinalon.

img

Nhà lãnh đạo Kim Jong Il đến thăm nhà máy vinalon sau khi được mở cửa lại vào năm 2010. Ảnh: Reuters.

Jung Min Woo, 29 tuổi, từng phục vụ trong quân đội Triều Tiên trước khi vượt biên vào năm 2013, cho biết các binh sĩ cấp cao thường mua các bộ đồ làm từ sợi vinalon từ thị trường tư nhân để chứng tỏ đẳng cấp. Tuy nhiên, loại vải này không phù hợp với các cuộc chiến tranh vì khi trúng đạn, sợi vinalon sẽ dính chặt vào da.

img

Khu phức hợp sản xuất vinalon ở Triều Tiên. Ảnh: Reuters

Ngày nay, thay vì sản xuất vải vinalon như trước kia, người Triều Tiên thường may đồ để bán cho Trung Quốc. “Ai mặc vải vinalon bây giờ nữa? Hầu như không ai cả”, ông Kang Eung Chan, một chủ xưởng may địa phương cho biết.

Mặc dù vậy, Triều Tiên vẫn sản xuất loại sợi này. Trong bài phát biểu mừng năm mới năm 2017, ông Kim Jong Un cho biết kế hoạch cải tổ Khu phức hợp vinalon. Ông tuyên bố hồi sinh ngành này và mở rộng, thay đổi quy trình kỹ thuật theo cách của riêng nước này.

Reuters nhận xét nếu được đầu tư như cách nhà lãnh đạo Kim đầu tư vào tên lửa, có lẽ loại vải làm từ đá này sẽ hồi sinh.

Thu Thủy (Zing)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem