Thế chiến 2: Kế hoạch giết chết hàng triệu người Đức của nước Anh

Mai Đại (tổng hợp) Thứ tư, ngày 17/01/2018 19:00 PM (GMT+7)
Trong giai đoạn đầu Thế chiến 2, khi mà vũ khí hạt nhân chưa được phát minh, vũ khí sinh học được coi là tác nhân hủy diệt hàng loạt đáng sợ nhất. Để đối phó với một Đức Quốc Xã hùng mạnh,người Anh đã lên kế hoạch tấn công sinh học vốn có thể giết chết hàng triệu người nhằm “hạ gục” người khổng lồ này.
Bình luận 0

Vào thời điểm mùa xuân năm 1942, hầu hết các nước châu Âu đều là trung lập hoặc nằm dưới sự kiểm soát của Adolf Hitler. Lo sợ trước một cuộc xâm lược của Đức, Anh đã bắt đầu tự phát triển vũ khí sinh học của riêng mình nhằm làm gián đoạn nền kinh tế nước này, chuyển thế thượng phong về phía quân Đồng Minh.

Thủ tướng Anh lúc đó là Winston Churchill đã giao nhiệm vụ này cho Tiến sĩ Paul Fildes – giám đốc Khoa Sinh học, trực thuộc cơ sở nghiên cứu quân sự bí mật Porton Down  nằm gần thành phố Salisbury của hạt Wiltshire. Ngay sau đó, 1 sáng kiến đã được trình lên: tuồn các viên thức ăn bổ sung cho gia súc có chứa khuẩn bệnh than vào các trang trại của người Đức. Theo ông Fildes, chiến dịch này sẽ gần như xóa sổ nguồn thịt của nước Đức, đồng thời đầu độc, giết chết hàng triệu người và gây ra 1 nạn đói khủng khiếp – những hậu quả chắc chắn sẽ đánh gục nước Đức.

Ngay sau khi được các quan chức quốc phòng duyệt thông qua, 5 triệu viên thức ăn nhiễm khuẩn bệnh than đã được sản xuất. London dự định thả loại vũ khí sinh học này trên nhiều khu vực tại Đức bằng 12 máy bay ném bom RAF được thiết kế riêng cho nhiệm vụ này.

Vào mùa đông năm 1942 và mùa xuân năm 1943, Anh quyết định thử nghiệm vũ khí mới trên hòn đảo Gruinard – 1 hòn đảo tư nhân ở Scotland. Để giữ bí mật, chính phủ đã trưng dụng hòn đảo và hứa hẹn rằng khi cuộc thử nghiệm kết thúc, người chủ có thể mua lại tài sản của mình với giá 500 pound (khoảng gần 700 USD tính theo tỷ giá hiện tại). Trong cuộc thử nghiệm này, quân đội sẽ kích nổ một quả bom nhỏ được bọc bởi các viên thức ăn nhiễm độc tại một địa điểm gần với đàn cừu mới được chuyển lên đảo. Kết quả thử nghiệm khá thành công: dòng bệnh than cực kỳ nguy hiểm trong các viên thức ăn đã giết chết đàn cừu chỉ trong vài ngày. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu quân sự cũng nhận thấy rằng vụ nổ đã phát tán vi khuẩn ra khắp đảo, khiến chính phủ phải cách ly hoàn toàn khu vực này và cho chôn toàn bộ xác cừu.

img

Hòn đảo Gruinard - nơi diễn ra cuộc thử nghiệm vũ khí sinh học của chính phủ Anh

Tuy thành công, cuộc thử nghiệm cũng gây ra 1 sự cố không hề nhỏ. Theo đó, một cái xác cừu trong cuộc thử nghiệm bằng cách nào đó đã rơi xuống biển và trôi dạt tới Scotland. Hậu quả là khuẩn bệnh than nhanh chóng lây lan, giết chết khoảng 100 gia súc và vật nuôi địa phương. May mắn thay, chính phủ đã kịp thời cách ly khu vực trước khi “thần chết” này kịp chạm tới con người. Sự việc đã bị giấu kìn trong 1 thời gian dài và mãi đến những năm 80 của thế kỷ trước, công chúng mới biết sự thật sau khi các tài liệu liên quan được giải mật.

Sau khi thử nghiệm thành công vũ khí mới, chính phủ Anh bắt đầu lên kế hoạch triển khai kế hoạch có tên Chiến dịch Ăn chay (Operation Vegetarian). Vào mùa xuân năm 1944, 5 triệu viên thức ăn và các máy bay RAF đã chuẩn bị sẵn sàng đợi lệnh của Thủ tướng Churchil. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, nước Đức đã không còn hùng mạnh như trước mà đang thua trên khắp các chiến trường. Lo sợ cuộc tấn công sinh học sẽ ảnh hưởng tới tương lai các nền kinh tế châu Âu, ông quyết định đình chỉ chiến dịch và cho tiêu hủy toàn bộ số viên thức ăn trong lò đốt.

img

Ảnh trong đoạn phim tài liệu cho thấy các nhà khoa học đem xác cừu đi chôn

Mặc dù chiến dịch bị hủy, câu chuyện về hòn đảo Gruinard vẫn còn tiếp tục tới tận sau này. Vào giữa những năm 80, hòn đảo vẫn bị cách ly do bị nhiễm độc. Chính phủ vẫn giữ im lặng về hòn đảo cho đến khi có 1 nhóm người nặc danh đe dọa phát tán mẫu đất của đảo Gruinard ra khắp nước Anh. Áp lực từ công chúng cùng với nỗi lo ngại một đại dịch bệnh than bùng nổ đã khiến London quyết định khử độc hòn đảo bằng Formaldehyd và nước biển.

Vào năm 1990, Thứ trưởng Quốc phòng Anh Michael Neubert trở thành người đặt chân lên hòn đảo nay đã an toàn. Sau gần 50 năm, các biển cảnh báo đã được dỡ bỏ và hòn đảo đã có thể đón chào những du khách tới thăm. Trong cùng năm đó, hậu duệ của người chủ đảo cũ đã mua lại đảo Gruinard với giá 500 pound (khoảng gần 700 USD tính theo tỷ giá hiện tại) – đúng như những gì mà chính quyền Thủ tướng Churchill đã hứa vào năm 1942.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem