Thấy gì từ quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam - Australia?

O.L Thứ ba, ngày 05/03/2024 12:00 PM (GMT+7)
Hơn 50 năm qua, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Australia đã trở nên ngày càng chặt chẽ và phát triển mạnh mẽ. Từ khi thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược vào năm 2018, mối liên kết này đã chuyển sang một giai đoạn mới với nhiều thành tựu đáng chú ý.
Bình luận 0

Quy mô thương mại liên tục gia tăng

Một trong những điểm đặc biệt nổi bật là sự gia tăng liên tục trong quy mô thương mại giữa hai nước. Việc khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP, RCEP và AANZFTA đã đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của thương mại song phương.

Theo Đại diện Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), Việt Nam và Australia hiện là thành viên chung của ít nhất 3 FTA, giúp giảm thuế quan và tận dụng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ. Nhờ vào những ưu điểm này, thương mại giữa hai quốc gia đã đạt mức 15,7 tỷ USD vào năm 2022, tăng 26,9% so với năm trước. Năm 2023 ghi nhận giảm nhẹ xuống còn gần 14 tỷ USD, giảm 12% so với năm trước đó.

Theo số liệu Thương vụ Việt Nam tại Australia, thương mại hàng hoá giữa hai quốc gia đã có bước tiến vững chắc trong tháng 1/2024. Tổng kim ngạch đạt 1,25 tỷ USD, tăng 43,4% so với tháng 1/2023 và 10,6% so với tháng 12/2023.

Thấy gì từ quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam - Australia?- Ảnh 1.

Xuất khẩu: Kim ngạch xuất khẩu đạt 521,9 triệu USD, tăng 36,9% so với cùng kỳ năm 2023 và 31,1% so với tháng 12/2023. Ngoại trừ một số mặt hàng giảm, điện thoại, hàng dệt may, máy móc và thủy sản đều ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể.

Nhập khẩu: Kim ngạch nhập khẩu đạt 729 triệu USD, tăng 48,4% so với tháng 1/2023. Các mặt hàng trọng điểm, ngoại trừ quặng và khoáng sản khác, đều ghi nhận mức tăng mạnh, đặc biệt là các mặt hàng như cà phê, sắt thép, giấy và gạo.

Các mặt hàng chủ lực của Việt Nam như điện thoại, hàng dệt may, và máy móc tiếp tục đóng góp tích cực vào tăng trưởng xuất khẩu. Đặc biệt, mặt hàng cà phê, sắt thép, giấy và gạo đã chứng kiến tăng trưởng đáng kể, tạo ra triển vọng tích cực cho thương mại trong tương lai.

Được biết, Việt Nam đã cấp gần 78.000 bộ Giấy Chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu AANZ tăng 13,52% so với năm 2021, trị giá hơn 2,5 tỷ USD trên tổng kim ngạch xuất khẩu hơn 6 tỷ USD, với tỷ lệ tận dụng C/O là 39,28%. Các mặt hàng có tỷ lệ sử dụng ưu đãi AANZFTA trên 80% bao gồm gỗ và sản phẩm gỗ (96,9%); giày dép (gần 100%); cao su và các sản phẩm từ cao su (83,26%); sản phẩm dệt may (85,36%).

Việt Nam là thị trường nhập khẩu thuỷ sản lớn nhất của Australia

Riêng lĩnh vực thủy sản, Việt Nam đang giữ vị trí số 1 trên thị trường Australia, chiếm 23% nhập khẩu thủy sản của Austria năm 2022.

Australia hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực châu Đại Dương, chiếm tỷ trọng 88% xuất khẩu của Việt Nam đến châu Đại Dương.

Tỷ trọng này cao hơn rất nhiều so với con số 13% cách đây 5 năm, cho thấy sự bứt phá mạnh mẽ của hàng thủy sản Việt Nam sang Australia nhờ mối quan hệ hợp tác thương mại tốt đẹp và các hiệp định FTA với thị trường này gồm AANZFTA, CPTPP và RCEP. Đặc biệt, sau Hiệp định CPTPP, các sản phẩm thủy sản như tôm, cá tra, hải sản của Việt Nam nhập khẩu vào Australia đều được hưởng mức thuế 0%.

Thấy gì từ quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam - Australia?- Ảnh 2.

Gian hàng trưng bày do Thương vụ Việt Nam tại Australia tổ chức tại Hội chợ Fine Food 2023. Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Australia

Hạt điều Việt Nam cũng là nhà cung cấp số 1 cho Australia đối với hạt điều (99%) và hạt tiêu (gần 30%).

Đặc biệt, Australia đang là nước nhập khẩu đồ gỗ nội thất lớn thứ 9 thế giới trong năm 2022 và đang gia tăng nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á. Trong đó, Việt Nam, Malaysia và Indonesia là các nước đang đứng đầu. Xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam sang Australia tăng 11% trong năm 2022, đạt 187,9 triệu USD. Ngoài ra, về dày dép, xuất khẩu sang Australia đạt 438,6 triệu USD, tăng 41,6% (2022) hay dệt may cũng đạt 449,7 triệu USD; tăng 27,4% (2022).

Với những số liệu trên, năm 2023, Australia là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Việt Nam (đứng thứ 13 về xuất khẩu và đứng thứ 9 về nhập khẩu). Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Australia (đứng thứ 10 về xuất khẩu sang Australia và đứng thứ 10 về nhập khẩu từ Australia).

Đặc biệt, hiện nay Australia là thị trường cung cấp nguyên liệu đầu vào quan trọng cho một số ngành ngành công nghiệp và năng lượng của Việt Nam như than đá (chiếm 45,77% tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này từ thế giới), quặng và các loại khoáng sản (chiếm 44,78%) năm 2023.

 Australia là nhà đầu tư FDI lớn thứ 20 tại Việt Nam

Về đầu tư, tính đến hết tháng 1/2024, Australia cũng là nhà đầu tư FDI lớn thứ 20 tại Việt Nam với 630 dự án, tổng vốn FDI trị giá hơn 2 tỷ USD.

Về viện trợ phát triển chính thức (ODA), Australia luôn dành cho Việt Nam nguồn viện trợ ODA ổn định. Trong vòng 50 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, Australia đã hỗ trợ ODA Việt Nam tổng cộng 3 tỷ AUD (khoảng 47.000 tỷ đồng). Riêng trong năm tài khóa 2022-2023, Australia nâng 18% ODA cho Việt Nam, đây là mức tăng ODA lớn nhất kể từ năm 2015.

ODA của Chính phủ Australia dành cho Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực đổi mới sáng tạo; hỗ trợ sự phát triển và sử dụng có hiệu quả lực lượng lao động có tay nghề cao; tăng cường việc trao quyền kinh tế cho nữ giới, bao gồm đồng bào thiểu số; ứng phó với đại dịch COVID-19; tạo điều kiện thuận lợi và thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân trong phát triển kinh tế-xã hội.

Nhận lời mời của Thủ tướng Australia Anthony Albanese và Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Australia, thăm chính thức Australia và thăm chính thức New Zealand từ ngày 05-11/3/2024.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem