Thanh sát vũ khí hóa học Syria: Bị trễ hạn

Chủ nhật, ngày 03/11/2013 06:42 AM (GMT+7)
Các thanh sát viên quốc tế phụ trách việc phá hủy kho vũ khí hóa học của Syria đã bỏ lỡ hạn chót đầu tiên trong một lịch trình cực kỳ chặt chẽ, do quan ngại về an ninh ngăn cản họ đến hai khu vực liên quan chương trình vũ khí hóa học của Damascus.
Bình luận 0
Khởi đầu xấu

Các chuyên gia của Tổ chức Ngăn cấm vũ khí hóa học (OPCW) lẽ ra phải kiểm tra tất cả 23 nơi được tuyên bố là khu vực vũ khí hóa học của Syria vào hôm Chủ nhật (27.10), nhưng cho đến thứ hai, họ chỉ kiểm tra được 21 khu vực vì lý do an ninh. Dù không có hậu quả nghiêm trọng khi thời hạn chót bị phá vỡ, sự thất bại của OPCW làm nổi bật tính rủi ro trong nhiệm vụ của OPCW khi cuộc nội chiến vẫn đang diễn ra, đồng thời cũng cho thấy lịch trình của OPCW có thể là quá tham vọng.
Kiểm tra các mẫu vũ khí hóa học đã dùng trong vụ tấn công hóa học hồi tháng 8
Kiểm tra các mẫu vũ khí hóa học đã dùng trong vụ tấn công hóa học hồi tháng 8

OPCW không nói ai chịu trách nhiệm về vấn đề an ninh, nhưng tổng giám đốc của tổ chức trước đây từng nói phải có đàm phán ngừng bắn tạm thời giữa phe nổi dậy và lực lượng trung thành của Tổng thống Bashar Assad mới có thể đến được một số khu vực. Cơ quan giám sát vũ khí hóa học cho biết họ vẫn không từ bỏ hy vọng có thể tiếp cận hai địa diểm nói trên. “Các cuộc đàm phán đang được tiến hành để có sự bảo đảm an ninh cho các thanh tra của chúng tôi đến đó”, người phát ngôn OPCW Michael Luhan nói.

Nhiệm vụ kết hợp của OPCW và Liên Hiệp Quốc (LHQ) phải đối mặt với một chuỗi các thời hạn chót mục tiêu cho các nhiệm vụ cụ thể để đạt được mục tiêu tổng thể hòng giải phóng Syria hoàn toàn khỏi sự đe dọa của vũ khí hóa học vào giữa năm 2014. Luhan cho biết thời hạn tiếp theo là ngày 1.11, là khi Syria phải hoàn tất việc phá hủy các thiết bị quan trọng của tất cả các cơ sở sản xuất vũ khí hóa học và nhà máy trộn/bơm hóa chất. Việc đó để đảm bảo Syria sẽ không thể sản xuất thêm vũ khí hóa học mới. Sau đó, cộng đồng quốc tế và Syria phải đồng ý kế hoạch phá hủy kho vũ khí hạt nhân của nước này.

Đường còn dài

Người ta tin rằng Syria đang nắm trong tay khoảng 1.000 tấn vũ khí hóa học, bao gồm khí mù tạt và chất độc thần kinh sarin. Nước này đã gửi cho OPCW bản kế hoạch tiêu hủy toàn bộ kho dự trữ và bản kế hoạch này sẽ được hội đồng quản trị của OPCW thảo luận vào tháng tới. OPCW - có trụ sở ở The Hague (Hà Lan) - cho các nước thành viên xem đây là cơ sở cho kế hoạch phá hủy toàn bộ hệ thống vũ khí hóa học và các cơ sở sản xuất. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mỹ nói bản tuyên bố dày hơn 700 trang.

Hai khu vực các thanh sát viên chưa kiểm tra được nằm trong vùng của quân nổi dậy hoặc đang tranh chấp. Ít nhất 1 địa điểm được cho là ở thị trấn al-Safira, mà các chuyên gia cho là nơi đặt cơ sở sản xuất cũng như lưu trữ. Khu vực này đã bị nhấn chìm bởi các cuộc giao tranh trong nhiều tháng, và rất nhiều phiến quân trong khu vực là từ các nhóm có liên kết với al-Qaeda.

Nhiệm vụ của OPCW-LHQ hiện nay bắt nguồn từ một cuộc tấn công hóa học ở vùng ngoại ô Damascus do quân nổi loạn kiểm soát, đã giết chết hàng trăm người hồi tháng 8. Cho tới nay Tổng thống Syria Assad vẫn phủ nhận có liên quan, trong khi Mỹ và các đồng minh đổ lỗi cho chính phủ của ông và đe dọa sẽ thực hiện các cuộc tấn công trừng phạt bằng tên lửa. Mỹ và Nga sau đó đã môi giới cho một thỏa thuận buộc Syria từ bỏ kho vũ khí hóa học.
Obama và Putin đang kêu gọi tiến hành hội nghị hòa bình Geneva 2
Obama và Putin đang kêu gọi tiến hành hội nghị hòa bình Geneva 2

Assad nhanh chóng đồng ý, và thỏa thuận này được đưa vào trong một nghị quyết Hội đồng Bảo an LHQ. Nghị quyết đó cũng thông qua một lộ trình cho quá trình chuyển đổi chính trị ở Syria, và kêu gọi một hội nghị hòa bình được tổ chức tại Geneva càng sớm càng tốt. Nỗ lực ngoại giao để triệu tập cuộc họp đã được tiến hành, nhưng những bất đồng về chương trình nghị sự và người tham gia vẫn tồn tại và làm cản trở việc tổ chức hội nghị.

Geneva 2

Công sứ LHQ-Liên đoàn Ả Rập Lakhdar Brahimi đã đến Damascus hôm thứ hai trong chuyến đi đến khu vực để kêu gọi hỗ trợ cho hội nghị. Hội nghị hòa bình được gọi là “Geneva 2”, dự kiến tổ chức ngày 23.11 để chấm dứt cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài hơn 2 năm rưỡi qua ở Syria. Brahimi dự kiến sẽ gặp các quan chức Syria cũng như các thành viên của các nhóm đối lập địa phương.

Vẫn chưa rõ ông sẽ gặp ông Assad hay không. Trước đó, Assad từng tỏ ra rất tức giận với Brahimi sau khi ông này bình luận hồi tháng 12.2012 rằng sự cai trị của gia đình Assad 40 năm ở Syria là "quá lâu". Cũng hôm thứ hai, các lực lượng trung thành với chính phủ Syria đã giành lại một thị trấn Thiên Chúa giáo ở phía bắc Damascus, đẩy lúi các phần tử có liên kết với al-Qaeda sau một tuần giao tranh ác liệt, theo truyền thông nhà nước và các nhà hoạt động đối lập.
Kiểm tra một kho vũ khí hóa học ở Syria
Kiểm tra một kho vũ khí hóa học ở Syria

Đồng minh ở Lebanon của Tổng thống Assad là nhóm Hezbollah đã thúc giục các phiến quân Syria, các chiến binh nước ngoài và những lực lượng chống lưng quốc tế tìm một giải pháp chính trị và theo đuổi đối thoại không cần điều kiện tiên quyết. Trong khi đó, các chính trị gia đối lập của Syria đang bị lưu vong lại bị sức ép của các chiến binh trong nước phải phản đối bất kỳ cuộc đàm phán nào không đòi hỏi ông Assad phải từ chức, đồng thời nói bất kỳ ai tham dự một cuộc đàm phán như vậy sẽ bị họ ghép tội “phản bội”.

Nhưng Assad và Iran nói họ chỉ đàm phán nếu không có điều kiện tiên quyết. Vẫn chưa biết Mỹ và Nga, những đồng hậu thuẫn cho đàm phán, có thể hóa giải những mâu thuẫn của các bên để tổ chức đàm phán. Mỹ (ủng hộ phe nổi dậy) và Nga (nhà cung cấp vũ khí chính cho Assad) hồi tháng 5 đồng ý sẽ sắp xếp một hội nghị Geneva 2 mà không đề cập đến vai trò tương lai của ông Assad. Các Ngoại trưởng Liên đoàn Ả rập sẽ họp lại cuối tuần này để bàn về vấn đề Syria.

Tổ chức này đã tước bỏ tư cách thành viên của Syria và đang gây sức ép đối với Assad. Tuần trước, một số quan chức Saudi Arabia nói họ sẽ tự cung cấp vũ khí cho các nhóm nổi dậy, một diễn biến có thể làm phức tạp thêm cuộc nội chiến đã cướp đi sinh mạng của hơn 100.000 người.
Anh Kiệt (Theo Thế giới & Hội nhập) (Anh Kiệt (Theo Thế giới & Hội nhập))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem