Để Việt Nam có nhiều tỷ phú: Thăng trầm các tỷ phú USD Việt Nam (Bài 2)

Phong Bình Chủ nhật, ngày 12/05/2024 13:00 PM (GMT+7)
Tài sản của các tỷ phú có sự đóng góp lớn của cổ phiếu nắm giữ, do đó tài sản thường biến động liên tục dưới tác động của thị trường. Không thiếu doanh nhân Việt từng cán mốc tài sản 1 tỷ USD nhưng vẫn chưa được bảng xếp hạng thế giới điểm tên.
Bình luận 0

Tài sản 6 tỷ phú USD biến động liên tục

Năm 2013, Việt Nam chính thức có mặt trong bảng xếp hạng Những người giàu nhất thế giới do Forbes thống kê với sự xuất hiện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Vingroup. Đến nay, qua 12 năm, số lượng tỷ phú đã tăng lên 6 người, tuy nhiên mức độ duy trì mới chỉ ổn định trong vòng 4 năm qua khi cả 6 tỷ phú đều có mặt trong danh sách.

Năm 2022 là giai đoạn tổng tài sản của người giàu Việt lớn nhất theo thống kê của Forbes với tài sản của 6 doanh nhân này đạt 18,3 tỷ USD.

Để Việt Nam có nhiều tỷ phú: Thăng trầm các tỷ phú USD Việt Nam (Bài 2)- Ảnh 1.

Tổng tài sản các tỷ phú Việt Nam đạt đỉnh trong năm 2022. Số liệu: Forbes

Ông Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Hồ Hùng Anh và ông Trần Bá Dương là những doanh nhân duy trì được sự có mặt trên bảng xếp hạng người giàu trong khi ông Trần Đình Long và ông Nguyễn Đăng Quang lại có giai đoạn "đứt chuỗi".

Tài sản của ông Trần Đình Long chủ yếu là khoản đầu tư vào các công ty thép, lớn nhất là Tập đoàn Hòa Phát (HPG). Chính vì vậy, diễn biến của cổ phiếu này tác động lớn đến tài sản của ông Long.

Chủ tịch HPG lọt vào danh sách của Forbes vào năm 2018. Tuy nhiên tháng 10/2028, cổ phiếu HPG bắt đầu giảm giá và nằm ở vùng giá thấp trong suốt 2 năm 2019 - 2020 khiến tài sản của ông Long giảm xuống dưới mức 1 tỷ USD. Cũng bởi vậy, tên của ông Long biến mất trong bảng xếp hạng 2 năm và trở lại vào năm 2021 khi HPG tăng trưởng trở lại.

Ông Nguyễn Đăng Quang cũng từng rời khỏi bảng xếp hạng này trong năm 2020. Đây là giai đoạn vùng trũng của chứng khoán Việt Nam khi chỉ số Vn-Index có lúc xuống dưới mốc 700 điểm, ngang bằng chỉ số chứng khoán thời kỳ 2017. Giai đoạn này cũng là thời điểm cổ phiếu MSN của Masan Group xuống thấp nhất từ năm 2028 đến nay, khiến tài sản của chủ tịch MSN biến động mạnh.

Đến nay, ông Quang không sở hữu trực tiếp nhiều cổ phiếu nhưng thông qua 2 công ty là Hoa Hướng Dương và CTCP Masan sở hữu hơn 37% cổ phần MSN. Trong khi đó, MSN còn là cổ đông lớn nhất tại Techcombank với 14,88% - nơi ông Hồ Hùng Anh giữ vị trí Chủ tịch HĐQT và ông Quang là Phó chủ tịch HĐQT.

Trên thực tế, ông Hồ Hùng Anh năm 2020 cũng suýt đứt chuỗi tỷ phú USD khi tài sản thống kê trong thời điểm xếp hạng tròn 1 tỷ USD.

Để Việt Nam có nhiều tỷ phú: Thăng trầm các tỷ phú USD Việt Nam (Bài 2)- Ảnh 2.

Biến động tài sản của các tỷ phú Việt Nam theo từng năm, tính từ khi có mặt trong bảng xếp hạng Forbes đến nay

Tỷ phú USD đầu tiên và lớn nhất của Việt Nam - ông Phạm Nhật Vượng cũng có nhiều năm tài sản biến động mạnh liên tục. Forbes cũng đã cân nhắc nhiều lần các phương pháp tính toán để định giá tài sản của riêng ông Phạm Nhật Vượng khiến có lúc tài sản theo real-time lên đến gần 80 tỷ USD sau khi cổ phiếu Vinfast chào sàn chứng khoán Mỹ nhưng sau đó lại ghi nhận giảm theo cách tính toán lại của đơn vị xếp hạng.

Ông Vượng cũng là doanh nhân duy nhất tại Việt Nam từng lọt danh sách Bloomberg Billionaires Index ghi nhận 500 người có tài sản lớn nhất. Gần nhất là vào đầu năm 2024 này với giá trị tài sản được Bloomberg tính toán là 9,14 tỷ USD, xếp thứ 255 thế giới nhờ cổ phần tại Vinfast. Phương pháp tính toán của các đơn vị xếp hạng là riêng biệt và không giống nhau, sau đó, tên của Chủ tịch Vingroup hiện cũng đã không duy trì được trong bảng xếp hạng của Bloomberg.

Dù vậy, với khối tài sản lớn và bao gồm thêm những tài sản không phụ thuộc vào công ty niêm yết, ông Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo và Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương vẫn đang là những người có phong độ ổn định nhất trên bảng xếp hạng thế giới.

Những "tỷ phú USD" chưa từng vào bảng xếp hạng

Nhắc đến tỷ phú USD, đến nay mọi người vẫn nhớ đến trường hợp của ông Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch FLC khi năm 2016, ông Quyết soán ngôi ông Phạm Nhật Vượng trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với khối tài sản hơn 33.000 tỷ đồng. Năm 2027, tài sản của ông Quyết tăng lên 58.851 tỷ và xếp ở vị trí thứ 2 sau Chủ tịch Vingroup. Tài sản của ông Quyết giảm dần những năm sau đó.

Dù giá trị tài sản là loạt cổ phiếu sở hữu từ FLC, ROS và những công ty liên quan khác tăng vọt và đưa cựu Chủ tịch FLC lên ngôi đầu bảng, nhưng giá trị này không được các tổ chức xếp hạng thế giới ghi nhận.

Thời điểm đó, Forbes cho biết cần phải thực hiện nhiều phương pháp khác nhau bao gồm định giá tài sản dựa trên sàn chứng khoán, bất động sản, tiền mặt, các khoản đầu tư có giá trị và trừ đi số nợ của họ. Forbes cũng lấy ý kiến các chuyên gia cũng như phỏng vấn những cá nhân có liên quan đến các tỷ phú để ước tính tài sản ròng. Ông Trịnh Văn Quyết thời điểm đó nằm trong quá trình theo dõi tài sản của Forbes.

Trên sàn chứng khoán, mức tài sản 1 tỷ USD cũng từng được nhiều doanh nhân xác lập qua, tuy nhiên chưa có sự ổn định lâu dài. Như năm 2021 ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch Novaland (NVL) có giá trị tài sản 37.830 tỷ đồng, ông Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch Bất động sản Phát Đạt (PDR) có tài sản 28.340 tỷ đồng, ông Nguyễn Đức Thụy - Chủ tịch Thaigroup & LienvietPostBank có tài sản 24.976 tỷ đồng nhưng chỉ duy trì được 1 năm. Ông Đỗ Anh Tuấn - Chủ tịch Sunshine Group cũng có hơn 38.000 tỷ năm 2021, 28.900 tỷ năm 2022 và ở mức hơn 23.000 tỷ từ 2023 đến nay, tuy nhiên cũng chưa được Forbes nhắc đến.

Để Việt Nam có nhiều tỷ phú: Thăng trầm các tỷ phú USD Việt Nam (Bài 2)- Ảnh 3.

Những doanh nhân từng có tài sản vượt 1 tỷ USD trên sàn chứng khoán. Đơn vị tính trên biểu đồ: Tỷ đồng

Đáng chú ý, các doanh nhân này đều hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản - một ngành có biến động mạnh trong thời gian qua. Nửa cuối năm 2022, cả Novaland và PDR đều bước vào giai đoạn khủng hoảng khi bị giải chấp liên tục do dùng cổ phiếu để đảm bảo cho các khoản nợ trái phiếu. 

Novaland bước vào giai đoạn khó khăn và nhiều lần xin được gỡ vướng, chậm thanh toán công nợ. PDR cũng chịu ảnh hưởng không hề nhỏ đến tình hình hoạt động kinh doanh. Trong khi đó, "bầu" Thụy đã bán toàn bộ 87 triệu cổ phiếu THD (Thaiholdings) trong năm 2022 khiến tài sản trên sàn chứng khoán giảm mạnh xuống dưới 1.000 tỷ, không còn nằm trong top 100 người giàu nhất sàn chứng khoán.

Có thể thấy, các đơn vị xếp hạng thế giới cần thời gian để xác minh sự ổn định trong khối tài sản của các doanh nhân trước khi đưa vào bảng xếp hạng. Tỷ phú Nguyễn Nhật Vượng cũng trải qua giai đoạn 2-3 năm đạt tài sản tỷ USD trước khi chính thức được Forbes công nhận vào năm 2013.

Ngoài ra, không ít doanh nhân Việt Nam luôn kín tiếng với hoạt động kinh doanh và công ty không niêm yết trên sàn chứng khoán khiến việc định giá cũng trở nên khó khăn hơn. Tạp chí Forbes Việt Nam từng có những xếp hạng về các gia đình kinh doanh hàng đầu tại Việt Nam theo từng năm, và danh sách này cũng thay đổi liên tục tùy theo diễn biến thị trường. Không ít gia đình từng lọt vào danh sách nhưng đến nay cũng có nhiều biến động lớn.

Gia đình ông Trần Quý Thanh gắn liền với tên tuổi Tân Hiệp Phát là một ví dụ điển hình. Gia đình doanh nhân này đến năm 2023 vẫn có mặt trong danh sách 20 gia đình kinh doanh hàng đầu Việt Nam do Forbes Việt Nam bình chọn. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, cả Chủ tịch Tân Hiệp Phát và 2 con gái đều đang bị truy tố về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Dù vậy, danh sách cũng chỉ ra nhiều gia đình doanh nhân khá kín tiếng với công chúng nhưng có hoạt động kinh doanh quy mô lớn trong nhiều năm như gia đình ông Đỗ Minh Phú gắn liền với Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji và ngân hàng TPBank; Gia đình ông Đoàn Quốc Việt - BIM Group; Gia đình ông Vưu Khải Thành với thương hiệu Biti's; gia đình ông Đặng Văn Thành TTC Group; Gia đình ông Lê Văn Kiểm với hệ thống K&N Invest; gia đình "ông vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn hay ông chủ gốm sứ Minh Long - Lý Ngọc Minh…

Hoạt động quy mô lớn và uy tín trong các lĩnh vực sản xuất nhiều năm, các gia đình doanh nhân trên có khối tài sản không hề kém cạnh so với các đại gia được thống kê trên sàn chứng khoán, thế nhưng giá trị thực sự khối tài sản ròng của các doanh nhân này vẫn đang là ẩn số.

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem