Thẩm phán xử vụ ông Đinh La Thăng: “Chỉ có một sức ép duy nhất...”

Lương Kết – Anh Thư Thứ hai, ngày 22/01/2018 12:30 PM (GMT+7)
Cuối giờ sáng nay (22.1), ngay sau khi kết thúc phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng, thẩm phán Trương Việt Toàn, Phó Chánh Tòa hình sự TAND TP. Hà Nội, người tham gia xét xử đã dành cho báo chí cuộc trao đổi nhanh.
Bình luận 0

Clip: Thẩm phán Trương Việt Toàn trao đổi nhanh với phóng viên Dân Việt ngay sau khi kết thúc phiên tòa xét xử xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm.

img

Thẩm phán Trương Việt Toàn. (Ảnh: Lương Anh)

Tập trung nghiên cứu hồ sơ cả ngày nghỉ

Từng là người ngồi xử nhiều vụ án lớn, ông thấy phiên tòa ông Đinh La Thăng và đồng phạm có điểm gì khác so với trước đây?

- Đây là một trong những phiên tòa mà bị cáo đa số là người có quyền hạn, từng giữ trọng trách cao. Chính vì thế cần tinh thần trách nhiệm của HĐXX, ngoài tiến độ đề ra thì theo chỉ đạo chung, thời gian hồ sơ chuyển sang toà đến khi xét xử tương đối ngắn nên HĐXX phải tập trung nghiên cứu, không có ngày nghỉ, làm từ sáng đến 8-9 giờ tối.

Ngoài ra, một số điểm chính phiên toà không có gì đặc biệt khác, bởi lẽ mặc dù bị cáo dù là người từng có chức vụ quyền hạn nhưng với nguyên tắc mọi công dân đều bỉnh đẳng trước pháp luật. Do đó, việc xử lý HĐXX tuân theo quy định, xem xét tính chất mức độ một cách toàn diện cũng như quá trình cống hiến của bị cáo để đưa ra mức án hợp lý, răn đe, phòng ngừa.

Ông và HĐXX  thấy có sức ép gì khi vụ án này có người từng là lãnh đạo cấp cao thưa ông?

- HĐXX không có sức ép gì, chỉ có sức ép về mặt thời gian. Theo yêu cầu của cấp trên thì vụ án cần đưa ra xét xử kịp thời. Áp lực lớn nhất chỉ là thời gian nên chúng tôi tập trung nghiên cứu hồ sơ, kể cả ngày nghỉ.

Nói các bị cáo từng có chức trách trong cơ quan nhà nước nhưng thực ra khi đã ra tòa thì theo nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng, không có vùng cấm nên HĐXX không chịu áp lực gì.

"Các vụ án gần đây xuất phát từ yếu tố con người, mà đầu tiên là người lãnh đạo. Người đứng đầu có cái gì đó thể hiện sự độc đoán, thiếu phát huy dân chủ cơ sở, sẽ dẫn đến không chỉ họ sai phạm mà kéo theo cán bộ cấp dưới quyền cũng sai phạm".

Trong phiên tòa này có những nét đổi mới gì thưa ông?

- Cần phải nói rằng đây là một trong những phiên tòa xét xử được áp dụng Bộ luật tố tụng hình sự mới, hình thức phòng xử khác. Khi đại diện Viện KS và luật sư ngồi đối diện, bị cáo đứng trên bục khai báo khác với vành móng ngựa. Điều này thể hiện 2 vấn đề là nguyên tắc suy đoán vô tội, một người chỉ có tội khi bản án của toà tuyên có hiệu lực, hai là công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam tham gia.

Nguyên tắc đó thể hiện rõ trong Bộ luật mới và HĐXX áp dụng. Trước đây tại các phiên tòa khác vẫn đảm bảo quyền tranh tụng tại phiên toà giữa luật sư và Viện KS, còn phiên tòa này có chăng luật mới thể chế hoá đi sâu cụ thể hơn.

Tâm huyết với câu nói của Tổng Bí thư

Việc triệu tập điều tra viên đến tòa cũng là nét mới thưa ông?

- Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, HĐXX có thể triệu tập điều tra viên vụ án. Nhưng cần lưu ý là khi hỏi điều tra viên là để làm rõ hành vi tố tụng và quyết định tố tụng, chứ còn chứng cứ và lời khai là nhận thức đánh giá. Điều tra viên đến toà là nét mới nhưng chỉ để làm rõ hành vi tố tụng và quyết định tố tụng.

HĐXX đối với các bị cáo ngoài quan hệ pháp luật, còn tình cảm giữa con người với nhau, khi nghe lời “giãi bày” của các bị cáo, thậm chí có người còn khóc, ông có suy nghĩ gì?

- Thực ra sử dụng cụm từ giãi bày mang tính đối thoại giữa các cá nhân với nhau, còn đây là phiên toà, nguyên tắc bị cáo được quyền trình bày vấn đề liên quan vụ án và quá trình nhân thân của mình. Bị cáo Đinh La Thăng và các bị cáo khác được quyền trình bày theo đúng quy định của luật.

Còn HĐXX lắng nghe ý kiến trình bày, lời nhận khai báo liên quan tình tiết vụ án. Theo luật, khi lượng hình HĐXX xem xét toàn diện từ nhân thân đến quá trình đóng góp cống hiến của bị cáo để đưa ra mức án công bằng nhất.

Qua vụ án này điều gì ông suy nghĩ nhất thưa ông?

- Qua vụ án này cũng như một số vụ án tham nhũng gần đây, với tư cách thẩm phán được tham gia xét xử các vụ án đó, tôi tâm huyết với câu nói của Tổng Bí thư: Trong bất kỳ tổ chức, cơ quan đoàn thể nào thì yếu tố con người mang tính quyết định. Các vụ án gần đây xuất phát từ yếu tố con người, mà đầu tiên là người lãnh đạo của tổ chức, đơn vị đó. Người đứng đầu nếu có những biểu hiện độc đoán, không thể phát huy dân chủ cơ sở, rất có khả năng sẽ dẫn đến hậu quả là không chỉ họ sai phạm mà cả cán bộ dưới quyền cũng sai phạm theo.

Trong nhiều vụ án, cán bộ cấp dưới biết rõ thủ trưởng, người đứng đầu quyết định sai nhưng vẫn làm theo. Điều tôi suy nghĩ nhất là trong công tác cán bộ hiện nay, vấn đề then chốt vẫn là yếu tố con người.

Xin cảm ơn ông (!)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem