Thầm lặng “Vua bếp” Hoàng Cầm

Gia Tưởng Thứ bảy, ngày 13/02/2016 13:30 PM (GMT+7)
Trong cuộc chiến, để tránh máy bay địch phát hiện, giảm thương vong cho đồng đội, anh lính Hoàng Cầm đã phát minh ra bếp nấu ăn bằng cách đào hầm giảm khói… Từ ấy, “bếp Hoàng Cầm” đã phổ biến rộng khắp trong quân đội, vang danh cả thế giới.
Bình luận 0

Anh nông dân đào bếp

Tuy không sinh ra ở Tam Ðảo (Vĩnh Phúc), nhưng vua bếp Hoàng Cầm đã chọn Tam Ðảo để sống và nằm lại, bên cạnh người vợ tần tảo của mình, trên sườn đồi Ðệ Nhất Phong Lan, để ngày ngày nghe tiếng suối Bạc chảy qua. Hoàng Thị Ðịnh   - con gái út, là người được sống bên ông nhiều nhất, nghe nhiều chuyện do vua bếp kể về cuộc đời bình dị mà ý nghĩa của ông.

img

Nơi yên nghỉ của vợ chồng cụ Hoàng Cầm ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc. 

Bà Ðịnh (năm nay 58 tuổi) kể lại: “Nam Ðịnh là nơi bố tôi sinh ra. Vì quê nghèo quá, năm 20 tuổi ông lên Tam Ðảo làm thuê cho người Pháp, rồi ông theo kháng chiến, làm anh nuôi ở Sư đoàn 308”. Trong một lần đoàn quân dừng chân ở khu vực Bãi Cháy (Quảng Ninh), đơn vị của Hoàng Cầm đốt bếp, để khói bay lên, máy bay địch phát hiện được đã lao đến ném bom vào đội hình quân ta. Từ nỗi đau mất đồng đội, lúc đó trong đầu Hoàng Cầm nghĩ về những lần đi hun chuột ở đồng quê Nam Ðịnh mình, khi đốt rơm quạt khói vào trong hang chuột thì khói ra rất nhẹ và mỏng… Anh lính Hoàng Cầm liền tìm sườn đất đồi rồi mày mò tự khoét 3 hố sâu, có hầm chứa khói và làm các khe lỗ nhỏ để đẩy khói đi xa nơi bếp nấu và bay sát mặt đất, không bốc được lên cao.

Ngay lần đầu tiên bếp do Hoàng Cầm kiến thiết được đưa vào nấu ăn cho bộ đội, lửa vẫn cháy đảm bảo đủ nhiệt, cơm và thức ăn chín ngấu ngon lành. Chỉ sau vài lần chỉnh sửa, cái bếp do anh nông dân Hoàng Cầm phát minh  đã được phổ cập trong toàn quân và lấy luôn tên “bếp Hoàng Cầm”. Trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ, bếp Hoàng Cầm đã giúp quân ta có cơm dẻo canh ngọt ngay tại trận địa mà vẫn đảm bảo an toàn tuyệt đối, góp phần vào những trận đánh thắng lợi giòn giã.

Sau này, bếp Hoàng Cầm còn được phát triển thành nhiều dạng, bếp đơn, bếp kép, bếp ba. Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, căn bếp yêu thương này là nguồn cảm hứng để nhạc sĩ Huy Du sáng tác ca khúc “Nổi lửa lên em” . Ngày nay, tuy đã có sự hỗ trợ của bếp dầu, bếp điện, bếp gas, bếp từ…  nhưng bếp lửa Hoàng Cầm vẫn được quân đội duy trì và luôn được gọi là Vua bếp Hoàng Cầm.

Âm thầm trong sương núi

Năm 1958, Hoàng Cầm giải ngũ, ông trở về sum họp với người vợ Nguyễn Thị Sự nơi đỉnh núi Tam Ðảo.  Vợ chồng ông làm đủ thứ nghề để mưu sinh, từ làm cửa hàng lương thực mậu dịch, đến trồng cây dược liệu để bán. Khi tuổi ngoài 70,  Hoàng Cầm làm thủ từ tại ngôi đền Ðức Thánh Trần gần nhà ông ở.

"Dẫn chúng tôi ra phần mộ của bố mình, bà Hoàng Thị Ðịnh nói: “Bố tôi lúc sống là người thương con, thương cháu, suốt đời ông chỉ đi theo cách mạng và lo cho dân”. Lúc ra đi ông chia sẻ: “Bố được cách mạng biết tới và ghi công thế này là mãn nguyện lắm rồi, chẳng còn  phải hối tiếc hay trăn trở gì khi suốt một đời đi theo và phục vụ cách mạng”.

Theo bà Nguyễn Thị Ðịnh, nếu không có cuộc gặp gỡ định mệnh với nhà báo Khánh Vân của VOV, có lẽ Hoàng Cầm không thể biết được  mình lại có công lao lớn đối với ngành hậu cần quân đội. Ðầu năm 1994, khi đó Hoàng Cầm đã gần 80 tuổi, đang coi đền Ðức Thánh Trần thì gặp nhà báo Khánh Vân trên hành trình tìm nhân vật để viết bài về kỷ niệm 40 năm chiến thắng Ðiện Biên.  Trời xui đất khiến thế nào, nhà báo Khánh Vân có chuyến lên Tam Ðảo, vào vãn cảnh đền Ðức Thánh Trần, hỏi thăm ông thủ từ lại đúng là Hoàng Cầm - vua bếp huyền thoại. Hai người gặp nhau, tâm đầu ý hợp, Hoàng Cầm đã mời nhà báo Khánh Vân ở lại chơi 3 ngày. Nhà chẳng có gì ăn, ông xuống nhà con gái út Hoàng Thị Ðịnh xin một chục trứng gà để đãi bạn, và 2 người hái rau sam ăn thêm…

Ðầu tháng 5.1994, sau gần 2 tháng gặp nhà báo Khánh Vân, có chiếc xe ô tô con từ Hà Nội chở người lên tìm Hoàng Cầm, mời ông về Thủ đô giao lưu kỷ niệm 40 năm giải phóng Ðiện Biên. Lúc đó bà Ðịnh cũng vinh dự được đi cùng cha mình. Trên sân khấu của VOV, ông Hoàng Cầm đã gặp Ðại tướng Võ Nguyên Giáp. Ðại tướng hỏi: “Sao chú không để lại thông tin gì cho tôi?”. Hoàng Cầm trả lời: “Vì cuộc sống khó khăn quá, mải nuôi con nên  quên ạ”. Ngay  sau đó, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo phải phân cho ông Hoàng Cầm 1 căn nhà, đền đáp xứng đáng công lao của người anh nuôi vĩ đại này. Ðúng một tuần sau, Hoàng Cầm được mời xuống Hà Nội nhận căn nhà 50m2, hai tầng ở số 28 Ðiện Biên Phủ (hiện người con trai cả của ông đang sống ở căn nhà này).

Nhận nhà ở được gần 2 năm thì Hoàng Cầm ra đi vì bệnh cao huyết áp. Theo nguyên vọng của Hoàng Cầm, ông được đưa về thị trấn nhỏ mù sương Tam Ðảo, yên nghỉ bên người vợ tần tảo, nơi có tiếng nước suối chảy, mây phủ tràn đỉnh núi. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem