Benjamin Tan - Người Singapore giúp Thai-League "thoát xác", vươn lên số 1 Đông Nam Á

Long Nguyên Thứ năm, ngày 06/01/2022 19:10 PM (GMT+7)
Ra đời năm 1996, trong 2 thập kỷ đầu tiên vận hành, Thai-League không để lại dấu ấn đáng kể nào và có thời điểm đứng dưới cả V.League về sức hút. Nhưng từ năm 2016 đến nay, Thai-League đã có những thay đổi mạnh mẽ và giành được rất nhiều thành công.
Bình luận 0

"Nhà cải cách" Benjamin Tan giúp Thai-League lột xác

Năm 2016, Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) có quyết định bất ngờ nhưng cực kỳ chính xác khi mời ông Benjamin Tan, một người Singapore, làm Phó tổng giám đốc điều hành Công ty Thai-League. Ngay khi bắt tay vào việc, ông Tan đã liên tục đưa ra những thay đổi mang tính cách mạng với Thai-League.

Cùng với FAT, ông Tan đã vạch ra những kế hoạch cụ thể để nâng cấp Thai-League với mục tiêu biến "nguy" thành "cơ". Thay đổi rõ rệt nhất và quan trọng nhất mà Thai-League vừa thực hiện vào tháng 9/2020 là tổ chức mùa giải theo lịch thi đấu như các giải lớn tại châu Âu (khai mạc vào tháng 9 và kết thúc vào tháng 5 năm sau).

Thai-League và bước chuyển mình mang tính cách mạng - Ảnh 1.

Ông Benjamin Tan đã giúp Thai-League có bước tiến mạnh mẽ. Ảnh: SPORT

"Nhà cải cách" Benjamin Tan (hiện đã là Tổng giám đốc điều hành Công ty Thai-League) cho biết, với việc thay đổi lịch thi đấu, Thai-League sẽ mang đến rất nhiều lợi thế cho các CLB cũng như cầu thủ chơi tại giải đấu này. Do chơi với lịch thi đấu như châu Âu, các đội bóng của Thai-League sẽ tránh được nhiều trận đấu diễn ra trong thời tiết khắc nghiệt vào mùa mưa hoặc gió mùa ở Thái Lan. Điều này giúp cầu thủ giảm nguy cơ dính chấn thương và khán giả cũng đến sân nhiều hơn.

Bên cạnh đó, khi tham dự AFC Champions League, các đội bóng của Thai-League cũng đạt được lợi thế đáng kể về điểm rơi, phong độ thi đấu. Vào thời điểm tương tự, các giải VĐQG của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc hay cả Việt Nam đều chưa diễn ra hoặc mới bắt đầu nên các đội khó đạt được hiệu quả cao nhất.

Việc thi đấu như lịch châu Âu còn góp phần giúp các cầu thủ Thái Lan dễ xuất ngoại hơn. Do trùng thời điểm với thị trường chuyển nhượng cầu thủ châu Âu, các ngôi sao Thái Lan có thể thuận lợi chuyển sang châu Âu chơi bóng nếu họ thể hiện được khả năng chuyên môn tốt tại Thai-League. Ngược lại, các CLB của Thai-League cũng dễ dàng hơn trong việc chiêu mộ các cầu thủ xuất sắc đang chơi tại châu Âu.

Thai-League và bước chuyển mình mang tính cách mạng - Ảnh 2.

Chơi tốt tại Thai-League có tính cạnh tranh cao giúp Chanathip Songkrasin phát triển và đang là ngôi sao ở J.League. Ảnh: SPORT

Sự thay đổi mang tính đột phá này đã nâng cao chất lượng của Thai-League. Mỗi trận đấu tại giải này thường xuyên thu hút 30.000-40.000 khán giả. Cũng vì sức hút lớn lao này, tập đoàn truyền thông lớn của Thái Lan là True Corp đã chi số tiền tương đương khoảng 3.000 tỷ đồng cho bản quyền Thai-League trong thời gian vừa qua. Ở giai đoạn tiếp theo, con số này dự kiến còn lớn hơn nữa. Những nguồn thu này được chia đều cho các CLB và điều đó giúp thu nhập của các cầu thủ tại Thai-League được nâng cao.

Sự phát triển của Thai-League có thể thấy rất rõ nếu so sánh với V.League. Trước đây, hãng ô tô Toyota tài trợ cho V.League chỉ 40 tỷ đồng/mùa rồi sau đó ngừng tài trợ vào năm 2018. Trong khi đó, Toyota vẫn tiếp tục tài trợ cho Thai-League 110 tỷ đồng/mùa vì nhận thấy đây là môi trường có sức hút. Ngoài ra, Thai-League còn vừa có hợp đồng bản quyền truyền hình trị giá hơn 400 triệu USD trong 8 năm nên giải đấu này chắc chắn có được sự phát triển mang tính bền vững.

Thai-League và bước chuyển mình mang tính cách mạng - Ảnh 3.

Thai-League đang có sự phát triển bền vững và điều này củng cố sức mạnh cho ĐT Thái Lan. Ảnh: SPORT

Khoảng cách chênh lệch giữa Thai-League và V.League

Là cựu hậu vệ trái nổi tiếng của Thái Lan, Dusit Chalermsan khi còn chơi bóng từng thi đấu tại V.League trong màu áo HAGL. Cũng trong khoảng thời gian ấy, nhiều tên tuổi lớn của bóng đá Thái Lan như Kiatisak, Tawan, Chukiat, Thonglao, Sakda… cũng đã chơi tại V.League khi họ nhận được thu nhập cao.

Tuy nhiên, chính Dusit từng dẫn dắt CLB Pathum vô địch Thai-League nhận định: "Vào lúc này, tôi nghĩ các cầu thủ Thái Lan sẽ không đến Việt Nam. Tôi nghĩ nếu họ ra nước ngoài để phát triển, họ sẽ chọn đến Nhật Bản hoặc Hàn Quốc. Không phải tôi coi thường, tuy nhiên Thai-League ở đẳng cấp cao hơn V.League".

Thai-League và bước chuyển mình mang tính cách mạng - Ảnh 4.

HLV Dusit đã khẳng định Thai-League hiện có chất lượng cao hơn hẳn V.League. Ảnh: SPORT

Thai-League thời gian qua đã được nâng cấp mạnh mẽ về chất lượng. Các CLB có sự đầu tư rất bài bản, cặn kẽ về cơ sở vật chất, tuân thủ đầy đủ các tiêu chí của LĐBĐ châu Á (AFC). Một chi tiết đáng chú ý: Tại vòng loại thứ 2 World Cup 2022, ĐT Thái Lan khi gặp ĐT Việt Nam thậm chí đủ sức tổ chức trận đấu trên sân Thammasat, sân bóng của một trường đại học. Điều đó cho thấy điều kiện về sân bãi của Thái Lan tốt đến mức nào.

Trên bảng xếp hạng về các giải đấu có tính cạnh tranh và tầm vóc nhất châu Á, Thai-League nằm trong top 10. Nếu tính riêng khu vực Đông Á, Thai-League chỉ xếp sau J-League, K-League và China Super League. Nên nhớ, vào năm 2009, V.League từng đứng thứ 41 trong top 100 giải VĐQG hấp dẫn nhất thế giới do Liên đoàn Thống kê lịch sử bóng đá thế giới (IFFHS) xếp hạng. Nhưng đến năm 2017, V.League đã rơi xuống thứ 102 thế giới, còn Thai-League xếp hạng 63 thế giới. Hiện tại, khoảng cách còn lớn hơn nữa.

Thai-League và bước chuyển mình mang tính cách mạng - Ảnh 5.

Thủ môn Đặng Văn Lâm từng chơi cho Muangthong United, đội bóng giàu thành tích thứ nhì Thai-League. Ảnh: SPORT

Trong lịch sử Thai-League, đội vô địch nhiều nhất là Buriram (7 lần). Xếp thứ hai là Muangthong United với 4 lần đăng quang. Đây là 2 đội bóng mà Lương Xuân Trường và Đặng Văn Lâm từng thi đấu.

Thai-League hiện tại có 16 đội thi đấu và cuối mùa có tới 3 đội phải xuống hạng. Ở giải Thai-League 2, cũng có tới 22 đội tranh tài và tính cạnh tranh rất cao. Nếu so với V.League có 14 đội (mùa tới chỉ có 13 đội) và hạng Nhất chỉ có 12 đội, suất xuống hạng không mang tính ganh đua cao nên sự chênh lệch càng lớn.

Thai-League và bước chuyển mình mang tính cách mạng - Ảnh 6.

Sân vận động của Buriram, đội bóng giàu thành tích nhất Thai-League đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ảnh: GOAL

Chính vì được đào tạo và thi đấu với chất lượng cao, Thai-League đã có nhiều cầu thủ được xuất ngoại và có vị trí nhất định ở các giải đấu đẳng cấp hơn. 2 gương mặt nổi bật nhất của bóng đá Thái Lan là Chanathip Songkrasin (đang chơi cho Consadole Sapporo) và Theerathon Bunmathan (từng khoác áo Yokohama Marinos) đều chơi cực hay và là trụ cột của đội tại J-League 1.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem