Tết cận kề, làng nghề làm chổi đót nổi tiếng nhất xứ Quảng rơi vào cảnh ế ẩm chưa từng có

Tuyết Nhung - Trần Hậu Chủ nhật, ngày 21/01/2024 12:56 PM (GMT+7)
Không khí mua sắm Tết đang rộn ràng khắp nơi, nhưng ở làng nghề làm chổi đót truyền thống Chiêm Sơn (xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) lại rơi vào cảnh ế ẩm, ảm đạm hơn bao giờ hết. So với mọi năm, doanh thu và sức bán ra của các cơ sở đều giảm mạnh.
Bình luận 0

Làng chổi đót Chiêm Sơn tồn tại trên 100 năm tuổi, được xem là cái nôi sản xuất chổi đót lớn nhất tỉnh Quảng Nam, cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh, thậm chí xuất ngoại.

Hiện nay, làng nghề có khoảng 200 hộ gia đình chuyên làm chổi đót, trong đó có hơn 20 cơ sở lớn, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động địa phương, chủ yếu là phụ nữ, người lớn tuổi, hộ nghèo với mức thu nhập bình quân từ 4-6 triệu đồng/tháng.

Tết cận kề, làng nghề làm chổi đót nổi tiếng nhất xứ Quảng rơi vào cảnh ế ẩm chưa từng có- Ảnh 1.

Làng chổi đót Chiêm Sơn ở xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam tồn tại trên 100 năm tuổi. Ảnh: T.N.

Vào các năm trước, thời điểm cận Tết là mùa sản xuất, kinh doanh sôi động nhất của các cơ sở tại làng chổi đót Chiêm Sơn. 

Thế nhưng năm nay, do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 nên kinh tế nhiều khó khăn, doanh thu của các cơ sở đều giảm mạnh.

Ông Nguyễn Nhất Tuấn – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thương mại Nhất Tuấn (64 tuổi) cho biết: "Làng nghề chổi đót Chiêm Sơn nổi tiếng nhất tỉnh Quảng Nam, sản xuất quanh năm nhưng thường sôi động nhất từ tháng 10 âm lịch. 

Trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, bình quân mỗi ngày cơ sở sản xuất hơn 3.000 cây chổi đót các loại. Nhưng 2 năm gần đây, sức mua yếu, kể cả vào cao điểm mua sắm Tết thì hàng xuất đi vẫn chậm".

Lúc trước, mỗi ngày xưởng của ông Tuấn có gần 40 lao động làm việc, chủ yếu là người già, phụ nữ yếu thế, người khuyết tật. Nhưng vì gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nên hiện nay xưởng chỉ còn 20 lao động sản xuất cầm chừng, không tăng ca như trước đây.

Tết cận kề, làng nghề làm chổi đót nổi tiếng nhất xứ Quảng rơi vào cảnh ế ẩm chưa từng có- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Nhất Tuấn – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thương mại Nhất Tuấn cho biết vào cao điểm mua sắm Tết nhưng hàng xuất đi vẫn chậm. Ảnh: T.N.

Tết cận kề, làng nghề làm chổi đót nổi tiếng nhất xứ Quảng rơi vào cảnh ế ẩm chưa từng có- Ảnh 4.

Vì gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nên hiện nay xưởng ông Tuấn giảm còn 20 lao động sản xuất cầm chừng. Ảnh: T.N.

Ông Tuấn cho biết, hiện nay nguồn nguyên liệu đót làm chổi được thu mua ở các huyện Quế Sơn, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang và phải nhập thêm từ nước bạn Lào. Giá thành, chi phí vận chuyển thì ngày càng tăng, mà sản lượng chổi đót bán ra lại rất chậm, bắt buộc các cơ sở làm chổi ở Chiêm Sơn phải giảm lao động, hoặc sản xuất nhỏ giọt, cầm chừng.

Bởi hầu hết lao động làm chổi ở làng nghề là những người lớn tuổi, người yếu thế có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật trong làng.... Nếu cắt giảm mạnh nhân công thì họ sẽ mất việc, không có thu nhập đón Tết và sẽ không tìm được công việc phù hợp ở nông thôn.

Tết cận kề, làng nghề làm chổi đót nổi tiếng nhất xứ Quảng rơi vào cảnh ế ẩm chưa từng có- Ảnh 5.

Trước khi dịch Covid-19 xuất hiện, bình quân mỗi ngày xưởng ông Tuấn sản xuất hơn 3.000 cây chổi đót các loại. Ảnh: T.N.

Tết cận kề, làng nghề làm chổi đót nổi tiếng nhất xứ Quảng rơi vào cảnh ế ẩm chưa từng có- Ảnh 6.

Cận Tết, nhưng cơ sở sản xuất chổi đót của chị Nguyễn Thị Kim Anh sản xuất cầm chừng, tiêu thụ chậm, hàng tồn kho nhiều. Ảnh: T.N.

Bà Trần Thị Hoa (71 tuổi, trú thôn Chiêm Sơn) tâm sự: "Tôi vốn lớn tuổi, lại bị khuyết tật, gia đình khó khăn, được ông Tuấn tạo điều kiện làm công việc tách bông đót nên tôi rất cảm kích. Tuy thu nhập không nhiều, nhưng cũng đủ để tôi trang trải cuộc sống, gia đình bớt khó khăn hơn, có đồng ra đồng vào sắm Tết".

Bông đót sau khi nhập về sẽ được phơi khô, tách thành từng bó, quấn cổ trước, sau đó buộc chặt vào cán chổi rồi đan những đường chân rết thành thân chổi. Tuy công việc làm chổi đơn giản, nhưng để có được một cây chổi đót vừa bền, chắc và đẹp, thì đòi hỏi người làm phải có đôi bàn tay khéo léo và chắc chắn ở mỗi công đoạn.

Nhất là lúc tra bó đót vào cán và bện chổi, người làm phải dùng lực mạnh để kéo căng sợi dây, bó nhánh chổi bám chặt vào cán giúp dùng được lâu ngày hơn.

Để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và giá cả trên thị trường, làng nghề chổi đót Chiêm Sơn đã cải tiến nhiều mẫu mã chổi khác nhau, chủ yếu 2 loại chính là chổi cán tre và chổi cán nhựa. Giá thành dao động từ 20.000-30.000 đồng/cây.

Cùng cảnh ngộ, cơ sở sản xuất chổi đót của chị Nguyễn Thị Kim Anh (36 tuổi) cũng vắng bóng những xe hàng dịp Tết. Vào thời điểm này những năm trước, cơ sở của chị không còn chổi để bán, công nhân tăng ca làm cả ngày lẫn đêm để kịp các đơn hàng, xuất bán 5.000 cây mỗi tuần.

Tết cận kề, làng nghề làm chổi đót nổi tiếng nhất xứ Quảng rơi vào cảnh ế ẩm chưa từng có- Ảnh 8.

Nghề làm chổi giúp tạo thêm sinh kế cho người lớn tuổi, người yếu thế có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật trong làng. Ảnh: T.N.

Tết cận kề, làng nghề làm chổi đót nổi tiếng nhất xứ Quảng rơi vào cảnh ế ẩm chưa từng có- Ảnh 9.

Sản phẩm chổi đót của Hợp tác xã Nông nghiệp Thương mại Nhất Tuấn được công nhận OCOP 3 sao của tỉnh Quảng Nam năm 2020. Ảnh: T.N.

Nhưng trong năm 2023 chị sản xuất cầm chừng, cả tháng mới xuất bán khoảng 2.500 cây chổi. Tết Nguyên đán cận kề nhưng lượng tiêu thụ vẫn chậm, hàng tồn kho còn rất nhiều.

Chị Anh than thở: "Chưa có Tết năm nào ế ẩm như năm nay, dù giá nguyên liệu, vật liệu tăng, nhưng giá thành chổi đót không thể tăng vì nếu tăng lên hàng sẽ càng khó bán, lại càng khó cạnh tranh trên thị trường. Trong khi đó, cơ sở của tôi vẫn duy trì 15 nhân công làm việc theo dây chuyền từng công đoạn. Tiền công được tính theo số lượng sản phẩm, mỗi người thợ nhận được khoảng 70.000-200.000/ngày".

Tết cận kề, làng nghề làm chổi đót nổi tiếng nhất xứ Quảng rơi vào cảnh ế ẩm chưa từng có- Ảnh 10.

Giá thành nguyên liệu, chi phí vận chuyển ngày càng tăng, nhưng sản lượng chổi đót bán ra chậm, không thể tăng giá. Ảnh: T.N.

Tết cận kề, làng nghề làm chổi đót nổi tiếng nhất xứ Quảng rơi vào cảnh ế ẩm chưa từng có- Ảnh 11.

Giá bán một cây chổi đót không cao, nhưng giúp giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương, đồng thời giữ gìn nghề làm chổi đót truyền thống ở Chiêm Sơn.

Sản phẩm chổi đót của Hợp tác xã Nông nghiệp Thương mại Nhất Tuấn được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao của tỉnh Quảng Nam năm 2020.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem