Tây Ninh: Covid-19 gây gián đoạn nguồn cung, giá sắn trong nước tăng cao

Nguyên Vỹ Thứ năm, ngày 01/07/2021 10:30 AM (GMT+7)
Dịch Covid-19 khiến lượng mì (sắn) từ Campuchia nhập khẩu về Việt Nam bị hạn chế. Các nhà máy chế biến đã tăng giá thu mua mì nội địa để đáp ứng nguồn nguyên liệu cho chế biến.
Bình luận 0

Covid-19 khiến giá sắn trong nước tăng cao 

Giá sắn Tây Ninh tiếp tục giao dịch ở mức cao, từ 3.000-3.400 đồng/kg. Mức giá này đã tăng từ 200–400 đồng/kg so thời điểm mưa nhiều vào tháng trước.

Nông dân Tây Ninh đang thu hoạch khoai mì (Ảnh: Nguyên Vỹ)

Nông dân Tây Ninh đang thu hoạch khoai mì (Ảnh: Nguyên Vỹ)

Theo Cục thống kê tỉnh Tây Ninh, diễn biến thời tiết các tháng đầu năm tương đối thuận lợi cho sinh trưởng của các loại cây trồng.

Tình hình sâu bệnh gây hại cây trồng chủ yếu ở mức nhiễm nhẹ, phát sinh giảm so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến tháng 6/2021, diện tích sắn toàn tỉnh bị nhiễm bệnh khảm lá 34.745ha. Tuy nhiên, phần lớn diện tích sắn chỉ nhiễm bệnh ở mức độ. Năng suất củ vì thế vẫn duy trì ở mức cao.

Vụ sắn năm nay, tỉnh Tây Ninh trồng mới khoảng hơn 39.330ha; năng suất củ đạt 18-25 tấn/ha.

Theo người dân, chi phí đầu tư cho 1ha sắn từ 15- 20 triệu đồng. Với giá bán như hiện nay, người trồng có thể đạt lợi nhuận từ 30-40 triệu đồng/ha.

Ông Tạ Văn Minh, người chuyên thu mua sắn ở huyện Dương Minh Châu đánh giá, người trồng khá phấn khởi vì vụ sắn năm nay đạt năng suất cao lại được giá.  

Theo ông Minh, giá sắn tiếp tục duy trì ở mức cao là do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, lượng sắn từ Campuchia nhập khẩu về bị hạn chế.  

Trong khi nhu cầu nguyên liệu của các nhà máy chế biến sắn tăng cao nên giá thu mua sắn tăng theo.

Một tin vui khác là các giống sắn kháng bệnh khảm lá đang được ngành nông nghiệp xúc tiến nhân giống.

"Hi vọng thời gian tới, nông dân sớm được sử dụng các giống sắn sạch bệnh để canh tác", ông Minh chia sẻ.

Tây Ninh: Covid-19 gây gián đoạn nguồn cung khiến giá mì trong nước tăng cao - Ảnh 3.

Một điểm thu mua củ khoai mì tại huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh. (Ảnh: Nguyên Vỹ)

Theo Sở NNPTNT Tây Ninh, 6 tháng đầu năm 2021, khối lượng sắn đưa vào chế biến khoảng 895.936 tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ. Giá sắn tươi dao động từ 3.000-3.400 đồng/kg; loại 30% chữ bột.

Còn theo Cục Xuất Nhập Khẩu (Bộ Công Thương), từ giữa tháng 6 đến nay, giá sắn tại các vùng nguyên liệu trên cả nước không có nhiều biến động.

Tính chung 5 tháng đầu năm, số liệu thống kê từ Hải quan cho thấy, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,4 triệu tấn, trị giá 529,14 triệu USD.

Khối lượng xuất khẩu 5 tháng đầu năm đã tăng 14,7% về lượng và tăng 26,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Thời gian qua, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn chủ yếu sang Trung Quốc; với khoảng 1,3 triệu tấn.

Đáng chú ý là trong tháng 5 vừa qua, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang Philippines tăng mạnh, với hơn 1.000 tấn; trị giá 480.880 USD.

Những con số này đã tăng tới hơn 736% về lượng và tăng 1.565% về trị giá so với tháng 4/2021. Còn so với cùng kỳ tháng 5/2020 thì tăng 181% về lượng và tăng 242% về trị giá.

Ngoài những con số khả quan trên, Cục Xuất nhập khẩu cũng khuyến cáo các vùng trồng sắn trên cả nước lưu ý với bệnh khảm lá sắn.

Hiện bệnh khảm lá tiếp tục phát sinh, gây hại và gia tăng diện tích nhiễm bệnh trên các diện tích sắn trồng mới. Nguồn lây chủ yếu bằng việc sử dụng giống sắn không sạch bệnh tại khu vực miền Trung và Nam Bộ.

Tính đến đầu tháng 6/2021, bệnh khảm lá sắn vẫn đang hiện diện trên 19 tỉnh thành trong cả nước. Tổng diện tích nhiễm bệnh khoảng 70.060ha, trong đó diện tích nhiễm nặng 12.628 ha, diện tích mất trắng gần 86ha.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem