Tập trung phát triển cây, con bản địa

Dũ Tuấn – Đại Nghĩa Thứ sáu, ngày 04/09/2015 14:50 PM (GMT+7)
Trò chuyện với chúng tôi, ông Bhling Mia - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, tự hào: “Xã Anông chúng tôi đã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào cuối năm 2014. Đây là xã miền núi đạt chuẩn đầu tiên của tỉnh Quảng Nam. Nhờ NTM, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 69,69% năm 2010 xuống còn 39,34% hiện nay.
Bình luận 0

img

Nhờ phát triển cây chuối mà nhiều hộ dân trên địa bàn miền núi Quảng Nam có thu nhập ổn định. Ảnh: Đ.N

Theo ông Mia, khi làm NTM, Tây Giang triển khai xây dựng nhiều mô hình chăn nuôi tập trung. Huyện vận động đồng bào góp đất khoanh vùng thành khu chăn nuôi tập trung. “Đến nay trên địa bàn huyện đã hình thành 83 khu chăn nuôi tập trung. Bên cạnh đó, huyện vận động đồng bào thành lập các tổ hợp tác xây dựng vườn ươm, nhân giống các loại cây bản địa có giá trị kinh tế như ba kích, đẳng sâm, Tr’đin… và cung cấp cây giống lại cho huyện. Mô hình này giúp nhiều hộ đồng bào thoát nghèo, làm giàu ”- ông Mia cho hay.

Đến năm 2020, địa phương này hoàn thành công tác xây dựng NTM theo chương trình mục tiêu quốc gia. Đối với huyện Đông Giang, ông Đỗ Tài - Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Địa phương đã xây dựng được 24,3km trục xã, liên xã; 37,57km đường thôn, xóm và 24,69km đường giao thông nội đồng.

Các tuyến đường quan trọng như đường Kà Dăng - Mà Cooih, xã Ba - xã Tư, Zà Hung - ARooi, Zà Hung - Jơ Ngây đã được đầu tư xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng, phục vụ phát triển kinh tế. Kết quả lớn thứ hai là huyện đã hình thành được các vùng sản xuất tập trung, gồm vùng cao su 730ha; vùng keo nguyên liệu 14.100ha; vùng chè 395ha chè; vùng cây mây 590ha… Nhiều đồng bào đã giàu lên thông qua những vùng tập trung như thế.

Ông Tài cho hay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm bình quân 6,04%/ năm, còn 28,5% (năm 2015). Thu nhập bình quân đầu người tăng dần qua các năm, với trên 12,7 triệu đồng/người/năm, tăng 6 triệu đồng so với năm 2011.

 “Chúng tôi phát triển kinh tế dựa vào lợi thế từng vùng, từng xã. Tập trung phát triển nhóm cây, con chủ lực đã được xác định: Chè, keo, cao su... Nhiều mô hình sản xuất nông lâm nghiệp mang lại hiệu quả cao và được đầu tư nhân rộng, như mô hình luân canh keo – lúa; chuối mốc; ớt Mà Cooi; lúa SRY; bắp thâm canh; mây dưới tán rừng; nuôi heo địa phương bán chăn thả; nuôi bò sinh sản”- ông Tài, chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem