Tâm lý thích con trai: Khởi nguồn của nhiều tội ác

Thứ tư, ngày 20/03/2013 09:56 AM (GMT+7)
Dân Việt - Một em bé bị cháy do xăng đã tử vong, em của em cũng đang ngấp nghé ngưỡng cửa tử thần. Dù nguyên nhân trực tiếp là gì, thì em cũng đã bị cháy bởi ngọn lửa tội ác của bạo lực gia đình.
Bình luận 0

Chia sẻ với Dân Việt, ông Nguyễn Ngọc Quyết – Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe phụ nữ (Bệnh viện Đức Giang, Gia Lâm, Hà Nội), khẳng định, bạo lực gia đình (BLGĐ) nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ leo thang đến đến tận cùng của tội ác.

img
Ông Nguyễn Ngọc Quyết đang tư vấn cho nạn nhân bị BLGĐ

- Thật không có thể miêu tả nỗi phẫn uất của mọi người đối với hai đứa trẻ vô tội, ngây thơ đã bị chết cháy trong thảm kịch đó. Chúng chịu tổn thương, đau đớn và mất mà không hiểu điều gì đã xảy ra. Có thể trước đó, các em vẫn ríu rít gọi ông – người đã châm lửa đốt cả gia đình con trai, với sự tin cậy và yêu thương tuyệt đối.

Cho dù người ông đó đã nhiều lần chửi mắng, đe doạ con dâu, hắt hủi cháu gái vì chót sinh ra là “phụ nữ”. Vậy mà người ông đó đã độc ác, nhẫn tâm, ngu muội đến tận cùng. Không có sự trả giá nào đánh đổi được với nỗi đau đớn của hai số phận bé thơ và tổn thương của cha mẹ các cháu.

Một trong những lý do dẫn đến tội ác là vì con dâu chỉ sinh con gái. Khi tư vấn và giúp đỡ hàng nghìn chị em phụ nữ bị BLGĐ, ông có thường gặp các vụ bạo lực chỉ vì người vợ chỉ sinh con một bề là gái?

-Tuy chưa liệt kê được số liệu cụ thể nhưng đã có rất nhiều chị em phụ nữ vừa khóc, vừa kể một câu chuyện khá giống nhau: bị bạo hành, ruồng rẫy chỉ vì không sinh được con trai cho gia đình nhà chồng. Chỉ có các hình thức bạo lực là muôn hình vạn trạng.

Có chị đã sinh 3 đứa con gái, sức lực ốm yếu, kinh tế khó khăn nên không muốn sinh nữa để nuôi dạy con cho tốt, nhưng chồng bắt phải sinh “cho ra thằng nối dõi”.

Vì thế, anh ta không cho chị dùng bất cứ biện pháp tránh thai nào, tìm cách cưỡng bức chị bất cứ lúc nào để chị nhanh có thai. Khi chị có thai lại bắt chị phải đi siêu âm để xem giới tính thai nhi. Trời bắt tội chị khi đã phải phá thai 4 lần liên tục. Nhưng chỉ sau khi phá thai một tuần là chồng chị lại đè chị ra để “đúc con trai”, khi chị từ chối thì anh ta đuổi đánh chị khắp xóm.

Có chị lại cương quyết không sinh con nhưng lại phải sống trong sự tủi nhục vì bị gia đình chồng nhiếc móc, khinh rẻ. Cả những đứa con gái của chị cũng bị bố hắt hủi, đánh mắng, anh ta không cho con đi học, đốt sách của con vì “đồ đàn bà vô dụng học làm gì lắm”. Còn có chị bị ép ly hôn, khi chị không đồng ý thì cả gia đình hùa vào, đuổi chị ra khỏi nhà, có người chồng đi ngoại tình để “gửi con trai”. Không ít đứa trẻ gái bị ép bỏ bọc, bắt làm việc nhà nặng nhọc

img
Em gái đã mất, cháu bé này cũng đang ngấp nghé tử thần vì ngọn lửa độc ác của ông nội

Theo anh, cho dù xã hội đã văn minh tiến bộ, dù đã được tuyên truyền, dù thực tế chứng minh con gái hay con trai đều quan trọng như nhau, tại sao sự ưa thích con trai lại thâm căn cố đế như vậy?

-Theo tôi, sự ưa thích con trai xuất phát từ sự tham lam quyền lực của nhiều đàn ông. Họ cho rằng cần có người nối dõi “biểu tượng” đàn ông của họ, để sự gia trưởng, quyền hành trong gia đình của họ được “nối dây”. Đó có lẽ là nguyên nhân khiến ngày xưa “đàn ông” đòi quyền thờ cúng tổ tiên và quyền thừa kế cho riêng mình, còn đẩy con gái đi ra khỏi nhà với lý do “con gái lấy chồng là con người ta”.

Vì thế mới có tâm lý, không sinh được con trai thì thấy mình không phải là đàn ông đích thực, kém cỏi, còn kẻ sinh được con trai thì cười cợt người sinh toàn con gái là “chiếu dưới”. Cũng không ít ông chồng vin vào cớ “vợ đẻ toàn vịt trời” để đuổi vợ đi, đòi lấy thêm vợ. Thực chất, anh ta chẳng cần con nào, chỉ vì muốn lấy vợ mới, muốn ngoại tình để thoả mãn nhục dục cá nhân mà thôi.

Trong vụ án, có nhiều người họ hàng cho biết: “Đã nhiều lần người bố chồng đã dùng dao kề vào cổ con dâu đe doạ vì tội chỉ sinh con gái, nhiều người biết nhưng không ngờ ra cơ sự này”. Theo ông, điều đó cảnh báo “khoảng trống” nào từ ngăn chặn BLGĐ hiện nay?

- BLGĐ không được ngăn chặn mà chỉ xuê xoa, cầu hoà thì bạo lực chỉ có tăng mà không giảm. Đầu tiên sẽ chỉ là chửi mắng nhưng người con dâu nín nhịn, thì đến ngày sẽ bị bố chồng tát, chịu đựng tiếp sẽ bị dao kề cổ và tội ác sẽ leo thang thành ngọn lửa oan nghiệt, thiêu cháy cả gia đình. Vòng tròn bạo lực luôn xoắn ốc, leo thang ngày càng cao nếu không được can thiệp ngay từ đầu.

Có hai kịch bản: một là người con dâu đó cam chịu hoàn toàn, cũng không có kiến thức để tự phòng ngừa nên người bố chồng cho rằng “bạo lực chưa đủ” nên tăng “liều lượng”. Hai là người con dâu có kiến thức, đã đi cầu cứu sự giúp đỡ từ các thành viên gia đình, của các tổ chức xã hội nhưng đều bị mọi người gạt đi, khuyên rằng “ông ta chỉ doạ chứ không dám làm thật đâu”. Vì thế, chị ấy sẽ bị cô lập, đơn độc, không được giúp đỡ nên rút về cái vỏ ốc chịu đựng của mình.

Như vậy, kiến thức phòng chống BLGĐ ở địa phương vẫn còn quá non kém?

- Phải công bằng mà nói, từ khi có Luật phòng chống BLGĐ, có Nghị định xử phạt kèm theo, nhiều địa phương đã làm khá tốt trong việc phòng chống và ngăn chặn bạo lực leo thang, giúp nhiều người phụ nữ thoát khỏi hoặc hạn chế được bạo lực. Tuy nhiên, không ít địa phương còn vào cuộc nửa vời, thường hoà giải xuê xoa cho xong chuyện, không theo dõi liên tục, cũng không tin tưởng vào sự khai báo của nạn nhân, không cho họ sự giúp đỡ khi họ cần.

Năng lực của đội ngũ cán bộ xã, phường cũng khá hạn chế, hiểu biết về pháp luật kém, thiếu kỹ năng can thiệp khi BLGĐ xảy ra, họ cũng kém nhạy cảm giới nên chưa nhận thức được sự nghiêm trọng để ngăn chặn ngay từ đầu. Nếu ai cũng hiểu rằng, một cái tát không được ngăn chặn có thể phát triển thành án mạng thì có lẽ, chính quyền địa phương sẽ vào cuộc tích cực hơn.

64% phụ nữ bị bạo lực gia đình

Nghiên cứu ước tính thiệt hại kinh tế do BLGĐ đối với phụ nữ tại Việt Nam năm 2012, do Cơ quan liên hiệp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) thực hiện đã tiến hành điều tra trên gần 1100 phụ nữ (50% sống ở nông thôn, 50% ở thành thị). 92,5% trong số họ đang có chồng, 6% ly hôn hoặc ly thân, 1% goá chồng.

Kết quả cho thấy: 64% cho biết họ đã từng chịu ít nhất một dạng bạo lực (cao hơn Điều tra quốc gia về BLGĐ năm 2010, chỉ có 58% phụ nữ bị BLGĐ), trong đó 48% phụ nữ nông thôn và 38% phụ nữ thành thị cho biết đã từng trải qua bạo lực thể chất, 25% phụ nữ nói chung chịu bạo lực tình dục. Đáng lo ngại là các hành vi bạo lực nghiêm trọng bị lặp lại nhiều lần. Trong số 39% phụ nữ cho biết từng chịu BLGĐ trong vòng 12 tháng trở lại đây, có đến 765 thường bị đe doạ nguy hiểm, 79% thường bị đá, kéo lê, đánh đập nhiều lần, 75% nhiều lần bị chồng ép quan hệ tình dục, 86% thường bị xúc phạm.

Tỷ lệ chị em bị thương tích trong lần bạo hành đầu tiên là 19%, lần thứ 2 là 23%, lần thứ 3 là 21% và lần thứ 4 là 61%. Đa số bị xây xát, bầm tím, chảy máu, nhưng không ít các thương tích nặng như thủng màng nhĩ, giảm thị lực do bị thương ở mắt, gãy xương…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem