Tại sao nói, chuyển đổi số trong trồng hoa là tương lai của ngành hoa, xuất khẩu hoa tốt hơn ở Lâm Đồng?

Thứ hai, ngày 19/02/2024 13:30 PM (GMT+7)
Thương hiệu “Hoa Đà Lạt” chiếm thị phần lớn trong ngành hoa nội địa cũng như xuất khẩu. Làm thế nào để những cành hoa đủ màu sắc mang thương hiệu phố núi vươn ra biển lớn, đến với người yêu hoa khu vực và quốc tế là câu hỏi được những người trồng hoa cũng như những nhà quản lý tỉnh Lâm Đồng trăn trở.
Bình luận 0

Việc số hoá ngành hoa đã góp thêm một giải pháp, đưa hoa Đà Lạt tỏa hương xa hơn.

200 triệu cành hoa xuất ngoại

Dalat Hasfarm có thể coi là “ông lớn” trong ngành hoa xuất khẩu với diện tích sản xuất hoa cao cấp xấp xỉ 320 ha, mỗi năm sản xuất khoảng 200 triệu cành hoa và 250 triệu ngọn giống hoa, trong đó 70% sản lượng xuất khẩu đến các thị trường Nhật Bản, Australia, châu Âu...

Ðể sản xuất được những cành hoa cao cấp, đạt chuẩn, trong mỗi nhà kính trang trại của Dalat Hasfarm đều có thiết bị cảm biến, kết nối máy tính, điện thoại thông minh qua internet; chế độ hoạt động được lập trình sẵn, khi nhiệt độ vượt hoặc thấp hơn ngưỡng tiêu chuẩn, màng chắn sẽ tự động đóng/mở; máy tưới phun sương tự nhận biết độ ẩm để tưới tự động. 

"Những quy trình, công nghệ và kỹ thuật trồng hoa tiên tiến nhất châu Âu đã được Dalat Hasfarm áp dụng trên các nông trại", Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dalat Hasfarm, ông Nguyễn Văn Bảo cho biết. 

Ngoài ra, hệ thống quản lý số trên dòng thời gian thực - real time, cũng được Dalat Hasfarm ứng dụng, đảm bảo từng cá nhân trong toàn bộ công ty xác định rõ nhiệm vụ, thực hiện từng công việc đúng thời gian quy định. 

Với trên 3.700 lao động, nếu phân công công việc thủ công, quản lý bằng con người cấp trên - cấp dưới, Dalat Hasfarm không thể đảm bảo được công việc theo guồng. 

Với việc quản lý số tới từng cá nhân người lao động, nhà quản lý sẽ nắm được toàn bộ thời gian, kế hoạch sản xuất cũng như tiến độ công việc theo đúng thời gian thực.

Tại sao nói, chuyển đổi số trong trồng hoa là tương lai của ngành hoa, xuất khẩu hoa tốt hơn ở Lâm Đồng?- Ảnh 1.

Cúc mẫu đơn tại Lang Biang Farm, Đà Lạt, Lâm Đồng.

Còn tại doanh nghiệp sản xuất rau, hoa, nhất là các loại hoa khá đặc biệt như cúc mẫu đơn, cúc tana, thủy tiên, ông Nguyễn Quang Khánh - Giám đốc Công ty TNHH Lang Biang Farm cho biết, số hoá hoàn toàn hệ thống quản lý là yêu cầu tiên quyết để công ty có thể sản xuất ra những cành hoa được thị trường chấp nhận. 

Ông Khánh chia sẻ, Lang Biang Farm quản lý công việc thông qua một app được xây dựng dựa trên nền tảng một nhà cung cấp giải pháp số hoá nông nghiệp quốc tế. Thông qua app được cài sẵn trên điện thoại di động của từng cá nhân, tất cả các hoạt động từ kế hoạch sản xuất, đơn hàng, công nợ, hành trình hàng đi, hàng đến, kho… đều được nhà quản lý nắm rõ. 

Ông Khánh chia sẻ: “Chỉ cần theo dõi trên app, người quản lý đã nắm rất rõ công nhân A đã tưới dinh dưỡng cho khu vực nào, vào mấy giờ, loại phân bón gì, số lượng bao nhiêu. Khi xong việc, công nhân chỉ cần quét mã là tất cả mọi hoạt động được báo cáo trực tiếp lên hệ thống. Ngay bây giờ, chỉ cần một cái click, tôi có thể nắm được trong kho lạnh còn bao nhiêu cành hoa, với chủng loại gì, màu sắc ra sao, chi tiết tới từng đơn vị”. 

Đặc biệt, một điều rất phù hợp với nghề hoa, đó là trên app, người quản lý có thể theo dõi hành trình đơn hàng đang ở đâu, dự kiến thời gian đến để chia sẻ với khách hàng ngay lập tức.

Số hóa trong ngành hoa ở Lâm Đồng không chỉ cải thiện hiệu quả sản xuất mà còn tạo ra cơ hội tiếp cận thị trường mới và tăng cường cạnh tranh, từ đó nâng cao thu nhập và khả năng ổn định kinh tế của các nông dân và doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu hoa.

Số hóa là tương lai cho ngành hoa

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Ðồng Nguyễn Văn Châu nhận định: Tiếp cận và từng bước làm chủ khoa học - công nghệ, số hóa sâu sắc sẽ là tương lai của ngành trồng hoa xuất khẩu. Hằng năm, địa phương dành kinh phí khá lớn thực hiện các nhiệm vụ khoa học lĩnh vực nông nghiệp. Lâm Đồng đã dành hàng trăm tỷ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện việc số hóa ngành nông nghiệp.

Theo thông tin từ ông Nguyễn Văn Châu, việc số hóa ngành hoa được các doanh nghiệp ứng dụng đa dạng. Hầu hết các doanh nghiệp trồng hoa xuất khẩu đều sử dụng cảm biến để thu thập dữ liệu về độ ẩm đất, nhiệt độ, ánh sáng, pH đất, và các yếu tố môi trường khác. Dữ liệu này được gửi về hệ thống thông qua IoT để quản lý tưới tiêu tự động, điều chỉnh môi trường nuôi trồng.

Hệ thống quản lý nông nghiệp thông minh được ứng dụng với các hệ thống phần mềm để theo dõi và điều chỉnh sản xuất hoa, quản lý nguồn lực, lịch trình tưới tiêu, quản lý vật liệu và lao động. 

Nhiều doanh nghiệp đã thu thập dữ liệu (big-data), tiến hành phân tích dữ liệu thu thập từ cảm biến và hệ thống quản lý, từ đó cung cấp thông tin và dự đoán về sản lượng, thời tiết, yếu tố môi trường và các yếu tố khác. 

Áp dụng công nghệ số hóa trong việc ghi chép, quản lý đơn đặt hàng, giao nhận hàng hóa, theo dõi sản phẩm từ vườn hoa đến người tiêu dùng. Việc sử dụng camera, drone để giám sát và theo dõi quá trình sản xuất, sức khỏe của cây trồng, phát hiện sớm các vấn đề có thể phát sinh đã trở thành phổ biến. 

Số hoá trong quản lý các nông trại hoa ở Lâm Đồng và nhiều nơi khác có thể áp dụng nhiều công nghệ khác nhau để tối ưu hóa quá trình sản xuất và quản lý.

Và khá đặc biệt, số hoá trong các doanh nghiệp xuất khẩu hoa không chỉ ứng dụng tại các doanh nghiệp sản xuất hoa trực tiếp. Hiện tại, Lâm Đồng đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp chuyên thương mại, tạo lập các liên kết với nông hộ để thu mua hoa xuất khẩu. 

Công ty TNHH Quỳnh Phương Đà Lạt, doanh nghiệp chuyên xuất khẩu hoa hồng sang thị trường Thái Lan, Campuchia và Lào cho biết, gần như doanh nghiệp không trực tiếp sản xuất mà chỉ thu mua của nông dân. Để đảm bảo được sản lượng, chất lượng hoa, Quỳnh Phương đã số hoá hoàn toàn hệ thống quản lý. 

Theo ông Phạm Minh Khang - Giám đốc Công ty, doanh nghiệp áp dụng phần mềm quản lý Mes, truy xuất từ nguồn với mỗi cành hoa. Mỗi nhà vườn có một mã số, ngay khi thu hoạch cho tới khi hoa tới tay người tiêu dùng, chỉ cần quét mã, người tiêu dùng sẽ biết hoa được trồng từ vườn nào, ngày giờ thu hoạch, người sơ chế và tất cả các vấn đề liên quan. 

Ông Khang chia sẻ, việc đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu số hoá đòi hỏi thời gian khá dài. Từ nhà vườn cho tới người lao động trong doanh nghiệp, việc đào tạo quy trình, siết chặt kỷ luật đòi hỏi hàng năm trời vừa vận hành vừa chỉnh sửa. 

Đồng thời, quá trình thu thập dữ liệu cũng khó khăn với doanh nghiệp, doanh nghiệp vừa làm vừa chỉnh sửa để quy trình số hoá phù hợp với thực tế. Năm 2023, với hệ thống số hoá, Quỳnh Phương đã xuất khẩu 1,5 triệu cành hồng, 1,5 triệu cành cúc và các loại hoa, lá khác.

Không chỉ Công ty Quỳnh Phương Đà Lạt, nhiều doanh nghiệp làm thương mại xuất khẩu hoa đã số hoá hệ thống dữ liệu để đảm bảo chất lượng những cành hoa từ nhà vườn của nông dân. Như Công ty Hoa Yêu thương, Công ty Hoa Mặt trời..., việc số hoá đã giúp doanh nghiệp tạo nên liên kết chặt chẽ với nông dân, nâng cao chất lượng, sản lượng nghề hoa.

Diệp Quỳnh (Báo Lâm Đồng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem