Viện Tim mạch Việt Nam: Trung tâm can thiệp tim mạch lớn nhất Đông Nam Á

Diệu Linh Thứ sáu, ngày 08/11/2019 15:40 PM (GMT+7)
Sáng 8/11, Viện Tim mạch Việt Nam (Bệnh viện Bạch Mai) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập và vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba. Hiện nay, Viện Tim mạch Việt Nam có tới hơn 12 000 bệnh nhân/năm được can thiệp tim mạch, và đã trở thành trung tâm lớn nhất khu vực Đông Nam Á trong lĩnh vực này
Bình luận 0

Báo cáo tại buổi lễ, PGS.TS Phạm Mạnh Hùng - Viện trưởng Viện Tim Mạch Việt Nam - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Bệnh viện được thành lập ngày 11/11/1989, trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, đã có sự thay đổi đáng kể cả về “lượng” và “chất”.

Những ngày đầu thành lập, Viện Tim mạch Việt Nam chỉ có 55 giường bệnh, với khoảng 50 cán bộ, cơ sở vật chất thiếu thốn, lạc hậu... đến nay Viện Tim mạch Việt Nam có 475 giường bệnh và nhiều đơn vị chuyên sâu như cấp cứu hồi sức tim mạch, các thăm dò hình ảnh, điện tim và đặc biệt là đơn vị Tim mạch Can thiệp với 6 phòng máy, một đơn vị phẫu thuật với 4 phòng mổ hiện đại. Đội ngũ nhân lực đã gần 400, trong đó có rất nhiều các GS, PGS, TS...

img

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Viện Tim mạch Việt Nam – Bệnh viện Bạch Mai.

Từ năm 2002, Viện Tim mạch Việt Nam đã trở thành một viện tuyến cuối hoàn chỉnh, có sự phối hợp đồng bộ của cả ba lĩnh vực chính: Nội Tim mạch, Ngoại Tim mạch và Tim mạch can thiệp, mỗi năm điều trị nội trú cho trên 20.000 lượt người bệnh tim mạch phức tạp, thăm khám cho hàng trăm lượt người bệnh, phẫu thuật cho hàng nghìn trường hợp.

Đặc biệt, Viện Tim mạch Việt Nam có tới hơn 12 000 bệnh nhân/năm được can thiệp tim mạch, và đã trở thành trung tâm lớn nhất khu vực Đông Nam Á trong lĩnh vực này.

Viện Tim mạch Việt Nam là nơi đi đầu trong việc triển khai, áp dụng và phát triển các kỹ thuật cao, kỹ thuật mới trong chuyên ngành như: các kỹ thuật siêu âm tim phức tạp, các kỹ thuật can thiệp tim mạch tiên tiến (can thiệp động mạch vành, can thiệp van tim, can thiệp các bệnh tim cấu trúc và bẩm sinh mà không phải phẫu thuật,...), thăm dò điện sinh lý tim và điều trị các rối loạn nhịp tim phức tạp qua đường ống thông hoặc cấy máy tạo nhịp tim, phẫu thuật tim hở cho các trường hợp phức tạp... 

Chia sẻ về thực trạng gia tăng bệnh tim mạch ở người trẻ tuổi trong những năm gần đây, PGS TS Nguyễn Ngọc Quang - Phó trưởng bộ môn Tim mạch Viện Tim mạch khẳng định, bệnh tim mạch gia tăng không chỉ ở giới trẻ, mà người già mắc các bệnh huyết áp cao, xơ vữa động mạch, đột quỵ cũng gia tăng.

img

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến dự

"Nguyên nhân chính là hiện nay chúng ta đang có lối sống không lành mạnh như hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, lười vận động, ăn nhiều thức ăn có đường, chất béo. Đặc biệt người trẻ đang rất chủ quan với sức khỏe của mình, "vô tư" với các thói xấu như hút thuốc, rượu bia... như vậy, thời gian tới, tỷ lệ mắc bệnh tim mạch trong dân còn gia tăng" - PGS Quang cho biết. 

 Theo Tổng điều tra toàn quôc về yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam năm 2015, có 18,9% người trưởng thành trong độ tuổi 18-69 tuổi bị tăng huyết áp, trong đó có 23,1% nam giới và 14,9% nữ giới. Còn nếu xét trong độ tuổi 18-25 tuổi thì tỷ lệ tăng huyết áp tăng từ 15,3% năm 2010 lên 20,3% năm 2015. Như vậy là cứ 5 người trưởng thành 25-64 tuổi thì có 1 người bị tăng huyết áp.ăng huyết áp là một yếu tố nguy cơ chính dẫn đến các biến cố tim mạch nặng nề như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận và mù lòa…

Trong năm 2012, gánh nặng bệnh tật (DALYs) do các bệnh tim mạch chiếm tỷ lệ lớn nhất (13,4%) trong tổng gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Đột quỵ, nhồi máu cơ tim và bệnh tim do tăng huyết áp là 3 trong số 20 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem