Sở hữu KCN chuyên sâu đầu tiên của Việt Nam, Thanh Bình Phú Mỹ làm ăn ra sao?

24/08/2023 16:11 GMT+7
Dù trong năm 2021 và 2022 Thanh Bình Phú Mỹ đã tạo ra gần 480 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, nhưng doanh nghiệp này vẫn chưa thể xóa lỗ lũy kế đã tích lũy các năm trước đó. Đến cuối năm 2022, lỗ lũy kế của Thanh Bình Phú Mỹ vẫn còn khoảng 83 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ là chủ đầu tư khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3. Khu công nghiệp này có tổng diện tích đất 1.064 ha, tổng vốn hơn 6.000 tỷ đồng. Đây là KCN thu hút nhiều công ty đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc… tham gia đầu tư, phát triển mạnh ở nhóm ngành công nghiệp nặng như lọc hóa dầu, luyện kim, khí đốt…

Một trong những lợi thế của KCN Phú Mỹ 3 là gần cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải, một trong những trung tâm thông thương hàng hải lớn nhất địa phương và khu vực. Cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải được đầu tư đầu tư 12.891 tỷ đồng, bằng vốn vay của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng của Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Thanh Bình Phú Mỹ từng nói về dự án này "KCN Chuyên sâu Phú Mỹ 3 là một trong hai dự án KCN kiểu mẫu nằm trong Thỏa thuận Hợp tác & Phát triển được ký kết giữa Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda vào tháng 11/2011, xuất phát từ mong muốn thành lập 2 KCN chuyên sâu phục vụ các nhà đầu tư Nhật Bản".

Bà Nguyễn Thảo Nhi cho biết KCN này chính là nơi hấp dẫn phát triển công nghiệp thượng nguồn nguyên vật liệu cơ bản cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như hạ nguồn của các ngành công nghiệp sau hóa dầu… Dự kiến suất vốn đầu tư sau khi lấp đầy KCN đạt khoảng 8 - 9 triệu USD/ha đất cho thuê để triển khai dự án đầu tư.

Mới đây, Thanh Bình Phú Mỹ đã có văn bản số gửi Thường trực Thành uỷ Cần Thơ, UBND thành phố Cần Thơ và Ban Quản lý các Khu chế xuất và khu công nghiệp Cần Thơ xin chấp thuận nghiên cứu đề xuất thực hiện đầu tư dự án khu công nghiệp tại thành phố Cần Thơ. Cụ thể là Khu công nghiệp Phú Mỹ 3 Cần Thơ IP với quy mô 600 - 800 ha tại huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ.

Thanh Bình Phú Mỹ làm ăn ra sao?

Thanh Bình Phú Mỹ do bà Nguyễn Thị Thảo Nhi làm đại diện pháp luật kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Về nguồn vốn, tại thay đổi gần nhất vào ngày 11/8/2023, Thanh Bình Phú Mỹ đã tăng vốn từ 1.600 tỷ đồng lên 1.800 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông sáng lập không được tiết lộ. 

Tuy nhiên, dữ liệu Etime thấy, ở thời điểm cuối năm 2019, bà Nguyễn Thị Thảo Nhi người đang nắm giữ vị trí Chủ tịch tịch Hội đồng quản trị (tính đến tháng 8/2021, sau thời gian này PV không có dữ liệu) đã thế chấp 14.460.252 cổ phiếu Thanh Bình Phú Mỹ đảm bảo cho khoản vay tại Ngân hàng trong nhóm Big4.

Năm 2022, Thanh Bình Phú Mỹ ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.329,6 tỷ đồng, giảm 8% so với năm 2021. Giá vốn bán hàng giảm 8,8%, ở mức 991,4 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp đạt 338,2 tỷ đồng, giảm 5% so với năm trước đó.

Trong năm 2022 chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng đáng kể qua đó Thanh Bình Phú Mỹ ghi nhận gần 210 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế giảm 22% so với năm 2021.

Sở hữu KCN chuyên sâu đầu tiên của Việt Nam, Thanh Bình Phú Mỹ làm ăn ra sao? - Ảnh 1.

Hệ sinh thái của Nguyễn Thị Thảo Nhi.

Báo cáo cho thấy, dù trong năm 2021 và 2022 Thanh Bình Phú Mỹ đã tạo ra gần 480 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, nhưng doanh nghiệp này vẫn chưa thể xóa lỗ lũy kế đã tích lũy các năm trước đó. Cụ thể, lỗ sau thuế lũy kế đến cuối năm 2022 là gần 83 tỷ đồng. 

Tổng tài sản của Công ty tính đến cuối năm 2022 đạt 6.054 tỷ đồng, tăng 9,4% so với năm tước, chi phí xây dựng cơ bản dở dang dài hạn chiếm tới 87% với 5.259 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng dở dang tại công trình Khu công nghiệp Chuyên sâu Phú Mỹ 3 ở mức 4.745,5 tỷ đồng, Công trình Cảng Cạn Phú Mỹ 3 trị giá 509,5 tỷ đồng, Công trình Saigon East Centrer 3,6 tỷ đồng... Riêng trong năm 2022, Thanh Bình Phú Mỹ đã đầu tư gần 400 tỷ đồng vào công trình Cảng cạn Phú Mỹ 3. 

Tài sản ngắn hạn đạt 427,8 tỷ đồng, tăng 10,2%, trong đó trữ tiền đạt 23,6 tỷ đồng, giảm 30% so với năm 2021, trong đó công ty có khoản đầu tư trái phiếu 5 tỷ đồng và có 20,3 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng.

Phải thu của khách hàng ngắn hạn giảm 42,7% xuống 36,7 tỷ đồng, trong đó phải thu Công ty TNHH Đầu tư Xâu dựng Nguyễn Anh - Phú Mỹ 10,6 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Việt Nam GS Industry 8,9 tỷ đồng, Công ty TNHH Seiko PMC Việt Nam 4,4 tỷ đồng, Công ty TNHH Dinh dưỡng Otsuka 9,3 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Công ty có khoản phải thu ngắn hạn khác, trong đó có khoản tạm ứng cho ông Phạm Quốc Dũng - cựu Chủ tịch của Thanh Bình Phú Mỹ gần 85,9 tỷ đồng và phải trích lập dự phòng toàn bộ số tiền này. Công ty cũng phải thu khoản tạm ứng của bà Nguyễn Thị Thảo Nhi 2,2 tỷ đồng, ông Nguyễn Quốc Bảo 6,7 tỷ đồng.

Nợ phải trả tăng nhẹ lên mức 4.536,7 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nợ dài hạn với 4.426,7 tỷ đồng. Chi phí pải trả dàn hạn tăng 19% lên 3.329 tỷ đồng, vay nợ dài hạn tăng 105% lên 877,2 tỷ đồng.

Trong  năm Thanh Bình Phú Mỹ vay ròng của ông Nguyễn Quốc Bảo gần 400 tỷ đồng, qua đó nâng số dư vay nợ dài hạn ông Nguyễn Quốc Bảo lên 551 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tăng 16% lên 1.517,4 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2022, Thanh Bình Phú Mỹ đầu tư vào công ty liên kết 66,5 tỷ đồng, gấp đôi so với đầu năm, trong đó đầu tư vào Công ty TNHH Việt Na Shiroane Logistics hơn 33,3 tỷ đồng, đầu tư vào CTCP Đầu tư Phát triển Hạ tầng dịch vụ Công nghiệp hơn 33,1 tỷ đồng.



O.L
Cùng chuyên mục