Sở GTVT Hà Nội khẳng định dầm cầu vượt chỉ bị... tuột

Chủ nhật, ngày 11/08/2013 11:14 AM (GMT+7)
Sở GGVT tải Hà Nội khẳng định không có chuyện dầm cầu vượt Nguyễn Chí Thanh dài 60m, khoảng 120 tấn bị rơi và lao xuống đường mà chỉ bị tuột xuống xe chở dầm vào sáng 10.8.
Bình luận 0
Chiều 10.8, ông Phạm Hồng Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đã có văn bản báo cáo nhanh gửi UBND thành phố báo cáo về sự cố xảy ra vào rạng sáng cùng ngày khi thi công cầu vượt thép tại nút giao Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai (quận Ba Đình).

Chiếc dầm cầu được cẩu lên 2 xe cẩu chuyên dụng, lặng lẽ rời hiện trường trong sự giám sát chặt chẽ của Thanh tra giao thông vào sáng nay 10.8.
Chiếc dầm cầu được cẩu lên 2 xe cẩu chuyên dụng, lặng lẽ rời hiện trường trong sự giám sát chặt chẽ của Thanh tra giao thông vào sáng nay 10.8.
Theo đó, Sở GTVT Hà Nội cho biết vào lúc 3h sáng cùng ngày, khi các phương tiện, thiết bị tiến hành cẩu để lao lắp chiếc dầm này vào vị trí thiết kế thì xảy ra trục trặc đối với thiết bị cẩu, đứng cẩu ở vị trí trụ P4. Khi vừa tiến hành cẩu thì cáp ròng rọc (không phải là cáp chính của cẩu dùng để nâng dầm) của chiếc cẩu này bị rối kẹt và đứt nên không thể tiếp tục cẩu dầm được.

Sau khi sự việc xảy ra, chủ đầu tư, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công đã quyết định dừng thi công và vận chuyển dầm về bãi tập kết để bảo đảm an toàn, bảo đảm giao thông.

Sở GTVT Hà Nội khẳng định sự cố xảy ra về cơ bản không gây ảnh hưởng đến dầm và không có bất kỳ thương vong nào đối với công nhân, cán bộ đang có mặt tại hiện trường. “Không có chuyện dầm rơi và lao xuống đường như thông tin mà một số báo mạng đã nêu” - văn bản viết.

Trả lời câu hỏi về việc chiếc dầm như vậy liệu có đảm bảo chất lượng để tiếp tục sử dụng, ông Tuấn cho biết khi cẩu nhấc dầm lên thì bị rối và đứt cáp nên một đầu dầm tuột xuống xe chở dầm. “Vừa nhấc lên bị tuột xuống, khoảng cách gần nên kiểm định lại dầm không bị hư hại gì cả”- ông Tuấn nói.

Sau khi đưa dầm trở về vị trí bãi tập kết, chủ đầu tư, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công đã họp rút kinh nghiệm và thống nhất tiến độ triển khai lắp chiếc dầm này vào đêm ngày chủ nhật (11.8). Đồng thời cũng yêu cầu các đơn vị thi công nghiêm túc rút kinh nghiệm và phải chuẩn bị phương tiện, thiết bị dự phòng một cách đầy đủ, bảo đảm yêu cầu cao nhất về an toàn trước khi thi công trở lại.

Trước đó, nhiều người dân sinh sống gần công trình cầu vượt Nguyễn Chí Thanh - Liễu Giai cho biết khi bắt đầu gác chiếc dầm thứ hai thì bất ngờ dây cáp từ một chiếc xe cẩu bị đứt khiến một đầu của thanh dầm đổ sụp xuống. Vụ tai nạn lao động này khiến cả 2 chiếc cẩu hư hại một phần. Tại hiện trường, nhiều tảng bê tông của dải phân cách bị xô lệch, một số biển báo đã bị đổ gẫy…

Nhận tin báo, lực lượng thanh tra giao thông cũng đã có mặt tại hiện trường, chỉ huy công nhân quét dọn hiện trường, đồng thời áp tải thanh dầm bị rơi ra khỏi hiện trường.

Đến khoảng 6h30, đơn vị thi công đã nhanh chóng cẩu thanh dầm hàng chục mét lên hai xe cẩu chuyên dụng, lặng lẽ rời hiện trường trong sự giám sát chặt chẽ của Thanh tra giao thông, Sở Giao thông vận tải Hà Nội.

Đây là cầu vượt lớn nhất trong tất cả các cầu thép ở Hà Nội trước đây và cũng là cầu vượt thép đầu tiên có cấu tạo dầm thép tiết diện hình hộp hở, khẩu độ nhịp lên tới 60m. Dầm thép xây dựng cầu có chiều dài 60m, nặng 120 tấn và phải sử dụng các loại cẩu siêu trọng 130 tấn trở lên mới có thể nâng lên mố cầu.

Đơn vị thi công cùng chuyên gia Nhật Bản đã nhập khẩu thép, chế tạo, gia công tại huyện Như Quỳnh, tỉnh Hưng Yên. Nhà thầu thi công là liên doanh công ty cổ phần Thành Long - Tổng công ty xây dựng Thăng Long. Công trình được thi công vào tháng 6 và dự kiến tháng 10.2014 sẽ được đưa vào sử dụng.
Người Lao động (Theo Người Lao động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem