Siêu chiến lược "độc chiếm Biển Đông" của Trung Quốc

Đông Dương (tổng hợp) Thứ bảy, ngày 09/04/2016 16:08 PM (GMT+7)
Dưới sự bảo vệ của các tàu Hải cảnh, các tàu cá đã được “quân sự hóa” của Trung Quốc mạnh dạn tỏa ra khắp Biển Đông, bất chấp luật lệ, xâm phạm vào vùng biển của các nước khác như Indonesia, Philippines, Việt Nam…
Bình luận 0

Trong một bài bình luận được đăng trên tờ National Interest ngày 7.4, chuyên gia Tom Hanson nhận định, Bắc Kinh đang thực thi siêu chiến lược độc chiếm Biển Đông: Đưa các tàu cá tràn ra khắp Biển Đông kết hợp với việc triển khai các tài sản quân sự tới các "tiền đồn" của nước này trong khu vực như các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp trái phép ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. 

Tuy nhiên, do việc đưa vũ khí tới Biển Đông dễ khiến Bắc Kinh phải hứng chịu sự lên án gay gắt từ cộng đồng quốc tế, nên Trung Quốc đang ra sức tăng cường vai trò “vùng xám” của lực lượng Hải cảnh cũng như lực lượng bán quân sự trên biển trong chiến dịch đa diện nhằm thống trị Biển Đông.

Theo đó, tàu Hải cảnh Trung Quốc đang được ủy quyền thực hiện các hành động gây hấn hiếu chiến và hung hăng với các lực lượng thực thi pháp luật nước ngoài để bảo vệ ngư dân đánh bắt trái phép trên Biển Đông của nước họ khỏi “các chính quyền sở tại”.

Vụ “đối đầu trên biển" đầu tiên giữa lực lượng Bảo vệ Bờ biển Indonesia trong vùng đặc quyền kinh tế hợp pháp (EEZ) của nước này và một tàu cá được hộ tổng bởi một tàu Hải cảnh của Trung Quốc gần đây là diễn biến mới nhất của chiến lược này.

img

Các tàu cá Trung Quốc. Ảnh National Interest

Điều 62 của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) đã quy định: Ngư dân của nước này đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế hợp pháp của quốc gia khác phải nhận được sự cho phép, đồng thời phải thực thi các biện pháp bảo tồn và tuân thủ các quy định, luật lệ của quốc gia duyên hải đó. Trong đó, điều tiên quyết để đánh bắt trong vùng EEZ của một quốc gia khác là phải nhận được sự cho phép của chính quyền sở tại trước.

Tuy nhiên, trong vụ đụng độ trên biển ngày 19.3, ngư dân Trung Quốc rõ ràng không được cấp phép để đánh bắt trong vùng EEZ của Indonesia. Do đó, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Indonesia đã bắt giữ tàu cá Trung Quốc và toàn bộ thuyền viên đồng thời mạnh mẽ tuyên bố không thả người bất chấp chính quyền Bắc Kinh can thiệp, gây áp lực.

Cứng rắn hơn, Indonesia gần đây thậm chí quyết định bắn chìm tàu cá Trung Quốc Kway Fey 10078 bị nước này bắt giữ ngày 19.3, theo chính sách “anh đánh bắt trộm, anh bị bắn chìm” mà nước này đang theo đuổi.

Indonesia cũng cáo buộc Trung Quốc đang làm gia tăng căng thẳng trong khu vực bằng cách ra sức "cứu" các tàu cá đánh bắt trái phép bị phát hiện và bắt giữ.

Theo chuyên gia Tom Hanson, phản ứng của Bắc Kinh trong vụ việc này đã chứng tỏ sự ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế của nước này để bảo vệ cho cái mà họ gọi là “ngư trường truyền thống của Trung Quốc” đồng thời gửi thông điệp tới các láng giềng trong khu vực  rằng, đừng hy vọng Bắc Kinh tuân thủ các thỏa thuận quốc tế nếu nước này nhận thấy, việc đó không đảm bảo cái gọi là “lợi ích quốc gia” của họ. 

Tuần trước, các tàu Hải cảnh Trung Quốc (CCG) cũng hộ tống các tàu cá không treo cờ của nước này đi vào khu vực EEZ của Malaysia. Một lần nữa, đội tàu cá Trung Quốc lại bất chấp luật pháp quốc tế và không xin phép chính quyền nước sở tại trước.

Và vụ việc là minh chứng, ngư dân Trung Quốc đang tích cực tham gia vào cuộc tranh chấp lãnh thổ.

Một ngư dân Trung Quốc tên là Lin Guanyong mới đây thừa nhận, chính phủ Bắc Kinh đã trả 180.000 nhân dân tệ (27.000 USD) cho ông và các chủ tàu khác để đi đến quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Theo ông Lin, chính quyền nói với ngư dân rằng, sự hiện diện của họ tại Trường Sa là rất quan trọng.

Trước đó, một số lãnh đạo Trung Quốc đã công khai tuyên bố về việc sử dụng ngư dân nhằm thực hiện mưu đồ thống trị Biển Đông của nước này.

Hồi đầu tháng 3.2016, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc dẫn lời Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hải Nam La Bảo Minh cho biết chính phủ nước này sẽ tài trợ và huấn luyện kỹ thuật quốc phòng cho lực lượng ngư dân để đưa ra Biển Đông.

Ông La nhấn mạnh, Hải Nam có hơn 100.000 ngư dân và với số lượng này thì việc giúp sức cho lực lượng hải quân giành lấy ngư trường truyền thống của ngư dân nước khác là chuyện “không khó”.

CCG sở hữu 300 tàu với hơn 100 tàu có khả năng hoạt động xa bờ. Trong khi đó, 4 nước Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam chỉ có ít hơn 40 tàu cùng loại. Sự chênh lệch về tương quan lực lượng giữa các bên quá rõ ràng. Và Trung Quốc đã luôn tận dụng lợi thế này để hết lần này đến lần khác, ngang ngược từ chối đề nghị của các nước có liên quan để tổ chức các cuộc thảo luận đa phương để giải quyết tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem