Sắp xử đại án Vạn Thịnh Phát: "Chiêu thức" nhóm cựu cán bộ ngân hàng giúp Trương Mỹ Lan "rút ruột" SCB

Mỹ Quỳnh - Chinh Hoàng Chủ nhật, ngày 03/03/2024 06:29 AM (GMT+7)
Liên quan vụ Vạn Thịnh Phát, nhóm bị cáo từng là cán bộ thuộc Đoàn Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước biết rõ thực trạng vi phạm, sai phạm nghiêm trọng tại SCB nhưng cố tình che giấu, bưng bít, kết luận và báo cáo không trung thực.
Bình luận 0

Ngày 5/3, TAND TP.HCM sẽ mở phiên tòa xét xử đại án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Trong vụ án này, bị cáo Trương Mỹ Lan và 85 đồng phạm bị Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao truy tố các tội "Tham ô tài sản", "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng", "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ", "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Đưa, nhận hối lộ

Theo cáo trạng VKSND tối cao, để che giấu thực trạng tài chính đặc biệt yếu kém và các sai phạm của  SCB; để không bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt và tiếp tục được tái cơ cấu, Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã trực tiếp gặp gỡ bàn bạc, trao đổi với Đỗ Thị Nhàn, cựu Cục trưởng Thanh tra, giám sát ngân hàng II thuộc Ngân hàng Nhà nước - Trưởng đoàn thanh tra SCB, và chỉ đạo Võ Tần Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB tiếp xúc, đặt vấn đề, trực tiếp đưa cho Đỗ Thị Nhàn 5,2 triệu USD và đưa tiền, quà bồi dưỡng các thành viên trong đoàn thanh tra.

Sắp xử đại án Vạn Thịnh Phát: "Chiêu thức" nhóm cựu cán bộ ngân hàng giúp Trương Mỹ Lan "rút ruột" SCB- Ảnh 1.

Bà Đỗ Thị Nhàn (trái) và bà Trương Mỹ Lan phạm tội đưa và nhận hối lộ quy định tại khoản 4 Điều 363 BLHS. Ảnh: CACC

Trên cơ sở đó, Đỗ Thị Nhàn chỉ đạo thành viên trong đoàn báo cáo không trung thực, không đầy đủ các sai phạm của SCB; cố tình che giấu, bưng bít, làm nhẹ để có lợi cho SCB và tiếp tục kiến nghị, đề xuất tạo điều kiện cho ngân hàng này được tái cơ cấu.

Hành vi của Trương Mỹ Lan đã phạm vào tội "Đưa hối lộ" quy định tại khoản 4 Điều 363 BLHS.

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn, là Trưởng đoàn thanh tra, người chịu trách nhiệm chính về kết quả thanh tra theo chỉ đạo của Nguyễn Văn Hưng, Phó Chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (TTGSNH). Quá trình thanh tra, Nhàn đã nhận 5,2 triệu USD từ SCB để chỉ đạo cấp dưới báo cáo và ban hành dự thảo kết luận thanh tra không khách quan, không trung thực, không đúng thực trạng tài chính của SCB, bao che, bưng bít sai phạm của SCB.

Hành vi của Đỗ Thị Nhàn đã phạm vào tội "Nhận hối lộ" quy định tại khoản 4 Điều 354 BLHS.

Lợi dụng chức vụ và thiếu trách nhiệm

Quá trình thanh tra tại SCB năm 2017 - 2018 của Đoàn thanh tra do Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng chủ trì và ban hành kết luận, liên quan đến nội dung, kết quả thanh tra, các cá nhân là lãnh đạo Cơ quan TTGSNH, người ra quyết định thanh tra; Trưởng đoàn thanh tra; Phó trưởng đoàn và các thành viên Tổ tổng hợp; thành viên tại các tổ thanh tra là những người biết rõ thực trạng vi phạm, sai phạm nghiêm trọng của SCB tại các dự án, phương án tái cơ cấu; sai phạm, vi phạm tại các khoản vay của nhóm khách hàng có địa chỉ tại số 4 Nguyễn Thị Minh Khai; biết rõ thực trạng tài chính rất xấu của SCB thông qua kết quả thanh tra.

Sắp xử đại án Vạn Thịnh Phát: "Chiêu thức" nhóm cựu cán bộ ngân hàng giúp Trương Mỹ Lan "rút ruột" SCB- Ảnh 3.

Từ tháng 10/2022, SCB đã đóng cửa hàng chục địa điểm giao dịch.

Tuy nhiên, vì lợi ích vật chất từ SCB, Nguyễn Văn Hưng chỉ đạo Đỗ Thị Nhàn chỉ đạo tổ tổng hợp và các thành viên trong đoàn, cố tình che giấu, bưng bít, dự thảo kết luận thanh tra và báo cáo không trung thực, không đầy đủ lên lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ, nhằm mục đích không chuyển các sai phạm sang cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho SCB tiếp tục được thực hiện đề án tái cơ cấu.

Hành vi nhận tiền để làm trái công vụ của Đoàn thanh tra đã tạo điều kiện cho Trương Mỹ Lan và đồng phạm thực hiện rút tiền và sử dụng tiền trái quy định của pháp luật tại SCB, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng với số tiền hơn 514.102 tỷ đồng.

Hành vi của các bị cáo Nguyễn Văn Hưng, Nguyễn Thị Phụng, Vũ Khánh Linh, Nguyễn Tuấn Anh, Bùi Tuấn Khoa, Vương Đỗ Anh Tuấn, Trần Văn Tuấn, Lê Thanh Hà, Nguyễn Văn Thùy, Trương Việt Hưng và Nguyễn Duy Phương đã vi phạm các Điều 7, 13, 53 và 54 Luật Thanh tra; Thông tư số 05/2014/TT-TTCP ngày 16/10/2014 của Thanh tra Chính phủ và Thông tư số 36/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước; gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, phạm vào tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", quy định tại khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015. Trong đó, Nguyễn Văn Hưng với với vai trò chủ mưu, các bị can khác vai trò giúp sức cho hành vi làm trái công vụ của Nguyễn Văn Hưng.

Đối với bị cáo Nguyễn Văn Du, cựu quyền Chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), do Nguyễn Văn Hưng nghỉ hưu theo chế độ, Nguyễn Văn Du tiếp nhận nhiệm vụ Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, ký và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung Kết luận thanh tra 3959. 

Nội dung kết luận thanh tra đã được Nguyễn Văn Hưng, Đỗ Thị Nhàn và các thành viên trong Đoàn báo cáo các cấp lãnh đạo về kết quả thanh tra, đã kết thúc trước khi Nguyễn Văn Du tiếp nhận nhiệm vụ.

Tuy nhiên, trước khi ký kết luận thanh tra, Nguyễn Văn Du đã không tổ chức họp Đoàn thanh tra và không so sánh, đối chiếu, kiểm tra, rà soát với kết quả thanh tra trước đó tại báo cáo của Đoàn, của Tổ và Thành viên Đoàn thanh tra, dẫn đến việc ban hành kết luận thanh tra không trung thực, không khách quan, làm lợi cho SCB, gây hậu quả thiệt hại hơn 514.102 tỷ đồng.

Hành vi của Nguyễn Văn Du đã vi phạm quy định tại điểm n, khoản 1, Điều 55; khoản 3, khoản 8 Điều 13 Luật Thanh tra; khoản 2, Điều 4 Nghị định số 26/2014/NĐ-CP ngày 07/4/2014 của Chính phủ, phạm vào tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại khoản 3 Điều 360 BLHS.

Làm trái chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước

Trong quá trình giám sát SCB, từ năm 2016 đến tháng 9/2022, Tổ giám sát đã có trên 70 lượt văn bản báo cáo, đề xuất lãnh đạo các cấp về việc kiểm tra/thanh tra SCB, đưa SCB vào diện kiểm soát toàn diện, kiểm soát đặc biệt nhưng không được lãnh đạo Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh TP.HCM chấp thuận, vì nhiều lý do khác nhau.

Mặt khác, Nguyễn Văn Dũng, Võ Văn Thuần, Phan Tấn Trung, Nguyễn Thị Phi Loan và Nguyễn Tín với vai trò là lãnh đạo Cục I, Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh TP.HCM, TTGSNH nhà nước - chi nhánh TP.HCM và Tổ trưởng Tổ giám sát, đã có các hành vi: "Ngăn chặn, cản trở việc báo cáo, hoặc báo cáo không trung thực các hành vi sai phạm và thực trạng tài chính rất xấu của SCB lên Ngân hàng Nhà nước và TTGSNH nhà nước; không kiến nghị Ngân hàng Nhà nước đưa SCB vào diện kiểm soát toàn diện; không kiến nghị Cơ quan TTGSNH nhà nước thanh tra pháp nhân SCB để kịp thời xử lý các sai phạm; thu hẹp phạm vi thanh tra không đúng với đề xuất của Tổ giám sát, cố ý làm trái với ý kiến chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và Cơ quan TTGSNH nhà nước.

Đồng thời, quá trình thực hiện, chỉ đạo công tác thanh tra, giám sát đối với SCB, các cá nhân nêu trên đã nhận hối lộ của SCB. Hậu quả từ các hành vi sai phạm và nhận tiền của các cá nhân tại Cục II, Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh TP.HCM và Tổ giám sát đã để cho nhóm Trương Mỹ Lan và SCB thực hiện hoạt động cho vay lũy tiến từng năm, để Trương Mỹ Lan rút tiền sử dụng cá nhân/trả nợ cho các khoản vay trước đó, nhằm che giấu thực trạng hoạt động tín dụng xấu của SCB, thiệt hại đến nay với số tiền đặc biệt lớn, tính đến ngày 17/10/2022 là 677.286 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem