Sáp nhập 2 đơn vị, đường sắt sẽ thoái vốn ở doanh nghiệp nào?

Thế Anh Thứ năm, ngày 09/05/2024 12:38 PM (GMT+7)
Sau nhiều thập kỷ "trì trệ", ngành đường sắt đã và đang tự thay đổi nỗ lực “thay áo”. Hoạt động vận tải đường sắt được khách hàng ghi nhận bằng việc nâng cao chất lượng phục vụ hành khách đi tàu hỏa để cung cấp dịch vụ chất lượng và an toàn nhất.
Bình luận 0

Đường sắt nỗ lực “thay áo”

Đến nay, đường sắt đã được Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 49-KL/TW về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu phát triển giao thông vận tải đường sắt hiện đại, đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Vận tải đường sắt đóng vai trò chủ đạo trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, các hành lang vận tải chính Đông - Tây và vận tải hành khách tại các đô thị lớn. Đây có thể được ví như “phát pháo lệnh” nhằm chấn hưng một phương thức vận tải có nhiều ưu việt, nhưng đang chậm đổi mới, lạc hậu.

Sáp nhập 2 đơn vị, đường sắt sẽ thoái vốn ở doanh nghiệp nào?- Ảnh 1.

Đường sắt đang thay đổi từng ngày. Ảnh: Thế Anh

Trên cơ sở đó, Bộ GTVT cũng đã hoạch định chiến lược, xác định phát triển ngành đường sắt dựa trên ba trụ cột: Kết cấu hạ tầng (gồm bảo trì và quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng), vận tải và công nghiệp đường sắt.

Bộ GTVT đã và đang tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách với lĩnh vực đường sắt; đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu chính sách về công nghiệp đường sắt và công nghiệp hỗ trợ (cơ khí, chế tạo, luyện kim...) giúp ngành phát triển bền vững, nhất là đối với đường sắt tốc độ cao chuẩn bị đầu tư trong thời gian tới.

Với tư duy đổi mới bằng nội lực vốn có, biến nhược điểm thành ưu điểm, Tổng công ty và các công ty vận tải đường sắt đã thực hiện một loạt các biện pháp nâng cao chất lượng phục vụ hành khách đi tàu, với phương châm lấy hành khách làm trung tâm, mọi hoạt động đều hướng tới phục vụ tốt nhất cho khách hàng.

Hoạt động vận tải hành khách mang một hình ảnh tươi mới hơn nhờ chúng tôi áp dụng triệt để ứng dụng khoa học và công nghệ vào công tác bán vé, phục vụ khách đi tàu thông qua hệ thống bán vé điện tử để khách hàng có thể mua vé mọi nơi, mọi lúc bằng các hình thức thanh toán hiện đại, mới mẻ.

Vào cuối tháng 11/2023, Tổng công ty đưa vào ứng dụng “Cây bán vé tự động” giúp khách hàng tự mua vé tại các điểm công cộng, khu dân cư, những nơi tập trung đông người.

Đối với công tác phục vụ khách đi tàu, tập trung vào xử lý các vấn đề lâu nay còn bị khách hàng phàn nàn như: công tác vệ sinh trên tàu, nâng cao ý thức và chất lượng phục vụ của nhân viên đi tàu, cải tạo và nâng cấp chỉnh trang các phòng đợi tàu tại các nhà ga...

Một điểm thay đổi khác được hành khách hào hứng đón nhận đó là ngành đường sắt đầu tư các phòng đợi VIP tại các nhà ga để phục vụ khách hàng VIP, khách có nhu cầu không gian đợi tàu riêng tư, cao cấp. Trong tháng 10/2023, chúng tôi đưa vào vận hành đoàn tàu chất lượng cao SE19-20 tuyến Hà Nội - Đà Nẵng với nhiều dịch vụ vượt trội và nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng.

Sáp nhập 2 đơn vị, đường sắt sẽ thoái vốn ở doanh nghiệp nào?- Ảnh 2.

Ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty đường sắt Việt Nam cũng đoàn công tác tại ga Đà Lạt. Ảnh: Thế Anh

Những nỗ lực “thay áo” hoạt động vận tải đường sắt được khách hàng ghi nhận, được tạp chí Lonely Planet, một tạp chí du lịch hàng đầu thế giới bình chọn tuyến đường sắt Thống Nhất là một trong những tuyến đường sắt đẹp nhất thế giới.

Trong năm 2024, Tổng công ty đường sắt cũng tiến hành hợp nhất hai Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn.

Vào cuối tháng 4/2024, hai công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn đã tổ chức thành công đại hội cổ đông thường niên và đều thống nhất thông qua phương án hợp nhất hai công ty, phương án hoạt động kinh doanh, điều lệ của công ty hợp nhất...

Tên doanh nghiệp sau hợp nhất là Công ty CP Vận tải đường sắt, tên viết tắt: VRT; vốn điều lệ hơn 1.303 tỷ đồng. Đây là bước "chuyển mình" mạnh mẽ của đường sắt, kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá mới trong phát triển sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, đường sắt đã đưa thêm nhiều tuyến đường sắt liên vận quốc tế đi vào hoạt động đang gặt hái được một số kết quả tích cực.

Đầu tháng 5 vừa qua, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ chính thức chạy chuyến tàu hàng liên vận quốc tế đầu tiên xuất phát từ ga Cao Xá (Hải Dương).

Đây là ga hạng 4 nằm trên tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, gần các khu công nghiệp lớn của Hải Dương. Tỉnh Hải Dương đã quy hoạch xây dựng trung tâm logistics tại khu vực ga Cao Xá.

Việc tổ chức hoạt động vận tải đường sắt liên vận quốc tế tại đây sẽ cung cấp thêm giải pháp cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh đi Trung Quốc, châu Âu, Trung Á,... rút ngắn thời gian bằng 2/3 so với đường biển truyền thống.

Thứ trưởng GTVT Nguyễn Danh Huy đánh giá, việc nâng cấp ga Cao Xá thành ga liên vận quốc tế có ý nghĩa hết sức quan trọng và cần thiết trong thời điểm này.

"Tàu liên vận quốc tế là phương thức rất thuận lợi cho doanh nghiệp, có khả năng bảo quản tốt mặt hàng tươi sống như hoa quả, hải sản,… đồng thời tạo ra mạng lưới kết nối kho ngoại quan, khu hậu cần logistics của địa phương", ông Huy đánh giá.

Sáp nhập 2 đơn vị, đường sắt sẽ thoái vốn ở doanh nghiệp nào?- Ảnh 3.

Tuyến đường sắt liên vận quốc tế tại ga Cao Xá. Ảnh: Thế

Sẽ thoái vốn tại nhiều đơn vị đường sắt

Trong khi đó, lãnh đạo Tổng công ty đường sắt cho rằng: "Từ ga Cao Xá, sẽ hình thành hai tuyến đường sắt đi Đồng Đăng và Lào Cai. Hàng hóa xuất nhập khẩu sẽ được kết nối trực tiếp với đường sắt Trung Quốc và đường sắt các nước nằm trên tuyến vận tải đường sắt Á - Âu".

Các doanh nghiệp trên địa bàn đang có quan hệ giao thương với gần 100 quốc gia, vùng lãnh thổ. Hải Dương có tiềm năng lớn trở thành trung tâm vệ tinh, tập trung các dịch vụ logistics cho sản xuất hàng hóa, góp phần chuyển dịch tỷ trọng dịch vụ trong cơ cấu kinh tế.

Từ nay đến năm 2025, các ga hoạt động liên vận quốc tế sẽ tiếp tục được nâng cấp, phấn đấu đến năm 2030, sản lượng liên vận quốc tế đạt 4-5 triệu tấn/năm, gấp 4 - 5 lần hiện nay.

Lãnh đạo Tổng công ty đường sắt Việt Nam cũng cho biết thêm, sắp tới, đơn vị sẽ sẽ thực hiện thoái vốn tại 13 công ty cổ phần không chi phối. Như vậy, bộ máy của Tổng công ty sẽ hội tụ tập trung vào những lĩnh vực kinh doanh chính, tránh phân tán, giảm hiệu quả nguồn lực.

Bên cạnh đó, Tổng công ty đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin sâu rộng để tăng cường khả năng quản lý tại mọi cấp độ. Chuẩn bị cho Đề án 46 được Thủ tướng phê duyệt, Tổng công ty trình xin thành lập mới Trung tâm Nghiên cứu - Ứng dụng và Phát triển đường sắt, khi trung tâm đi vào hoạt động sẽ làm thay đổi, nâng cấp, tái tạo lại và khai thác được các tiềm năng đang còn “ngủ yên” của đường sắt tại các nhà ga, bãi hàng góp phần cải thiện hình ảnh, tình hình tài chính của Tổng công ty.

Ngoài ra, trong đề án lần này, các công ty hoạt động có lãi, phục vụ ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh chính cũng được Tổng công ty duy trì sự kiểm soát, đảm bảo tính an toàn, ổn định trong vận hành đường sắt, tính ứng phó trong điều kiện kết cấu hạ tầng đường sắt còn nhiều tồn tại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem