Sắp lên sàn, “ông lớn” Vietnam Airlines hấp dẫn mức nào?

Quốc Hải Thứ năm, ngày 29/12/2016 14:26 PM (GMT+7)
Ngày 3.1.2017, CP Vietnam Airlines (mã HVN) sẽ chính thức giao dịch trên UPCoM với giá tham chiếu 28.000 đồng/CP. Là doanh nghiệp hàng không có thị phần lớn nhất tại Việt Nam, cổ phiếu (CP) Vietnam Airlines liệu có phiên chào sàn ấn tượng như cái cách mà Bia Hà Nội (BHN) ra mắt trên sàn UPCoM thời điểm mới niêm yết?
Bình luận 0

img

Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) sẽ chính thức giao dịch hơn 1.227 triệu CP (mã HVN) 

Theo kế hoạch niêm yết, Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) sẽ chính thức giao dịch hơn 1.227 triệu CP (mã HVN) với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 28.000 đồng/CP. Như vậy, ngay phiên chào sàn, Vietnam Airlines sẽ chính thức gia nhập nhóm doanh nghiệp tỷ đô trên thị trường chứng khoán với giá trị vốn hoá khoảng 34.371 tỷ đồng, tương đương 1,5 tỷ USD.

“View đẹp” trước khi chính thức lên sàn

Chiếm phần lớn thị phần vận chuyển hàng không tại Việt Nam (42,5%), CP HVN sau khi niêm yết trên UPCoM được kỳ vọng sẽ tăng hơn rất nhiều so với giá tham chiếu. Lý do tăng trưởng của CP này hoàn toàn có khả năng khi có rất nhiều yếu tố tác động: Trước hết là tình hình lợi nhuận trước thuế tăng đột biến, cụ thể 9 tháng đầu năm 2016, lợi nhuận trước thuế của Vietnam Airlines đạt 2.885 tỷ đồng, gấp 2,8 lần so với cả năm 2015 (1.050 tỷ đồng). Đáng chú ý hơn, lãi ròng 9 tháng năm 2016 đạt 2.400 tỷ đồng, gần gấp 5 lần cả năm 2015.

Ngoài bảng tài chính đẹp, CP HVN được giới đầu tư đánh giá là có tiềm năng tăng giá vì có cơ cấu cổ đông khá cô đặc.

Theo thống kê, hiện Bộ Giao thông Vận tải đang nắm giữ 86,16% vốn của Vietnam Airlines, tương đương hơn 1.000 triệu CP. Kế đến là Tập đoàn Hàng không Nhật Bản ANA Holdings Inc nắm giữ 8,77% vốn điều lệ, Techcombank nắm giữ 2,08% và Vietcombank sở hữu 1,83%. Ngoài ra, các cổ đông khác nắm giữ 13,5 triệu CP, tương đương 1,1% vốn điều lệ và Công đoàn Vietnam Airlines nắm 0,06%.

Đồng thời, mức giá tham chiếu mà HVN dự kiến đưa ra trên sàn UPCoM sắp tới cũng khá thấp.

Cụ thể, với mức giá 28.000 đồng/CP thì mức giá này chỉ cao hơn khoảng 24% so với mức giá mà Vietnam Airlines đưa ra trong phiên IPO đầu tiên vào năm 2014 (khoảng 22.300 đồng/CP). Đặc biệt, mức giá này thấp hơn nhiều so với mức giá CP HVN đang được giao dịch trên thị trường OTC, ở mức giá 46.000 đồng/CP.

Như vậy, khi HVN chính thức niêm yết lên sàn UPCoM vào ngày 3.1.2017 tới, với quy mô 1.227 triệu CP, chỉ tính ở mức giá tham chiếu thì quy mô vốn hóa của Vietnam Airlines đã lên tới khoảng 34.371 tỷ đồng; trở thành công ty có vốn hóa lớn thứ 2 trên sàn UPCoM, chỉ sau “người anh em” ACV (Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam) với quy mô 2,17 tỷ CP được giao dịch với giá trị vốn hóa hơn 105.592 tỷ đồng.

Khó có khả năng “bứt phá” như Bia Hà Nội?

Dù có khá nhiều tiềm năng tăng trưởng nhưng CP HVN của Vietnam Airlines trong mắt giới đầu tư chứng khoán thì khó có khả năng gây ấn tượng trên sàn UPCoM như CP BHN của Bia Hà Nội; thậm chí là với người anh em ACV (Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam). Vì sao?

Nguyên nhân chính là dù kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2016 của Vietnam Airlines khá ấn tượng nhưng nhìn vào bảng tài chính của doanh nghiệp này mới thấy được “nỗi khổ” của các khoản vay tài chính bằng USD.

Theo thống kê, Vietnam Airlines đang vay nợ các ngân hàng trong nước và nước ngoài khoảng 1 tỷ USD bằng đồng USD và nợ thuê tài chính các tổ chức trong nước và nước ngoài khoảng 1,5 tỷ USD bằng đồng USD (chưa kể chi phí lãi vay tính bằng USD). Việc tỷ giá USD tăng lên so với VND thời gian qua khiến Vietnam Airlines khá chật vật ghi nhận lỗ từ chênh lệch tỷ giá.

Cụ thể, trong quý 1.2016, Vietnam Airlines ghi nhận lỗ thuần tỷ giá lên tới 71 tỷ đồng. Tình hình này càng khủng khiếp hơn khi trong quý 2.2016, lỗ thuần từ chênh lệch tỷ giá tới 593 tỷ đồng. Bước sang quý 3.2016 thì HVN ghi nhận lãi thuần 9,4 tỷ đồng từ chênh lệch tỷ giá song chắc chắn sang quý 4.2016 này tình hình lỗ tỷ giá sẽ rất cao vì tỷ giá USD liên tục tăng rất mạnh so với VND do ảnh hưởng bởi "hiệu ứng Donald Trump" và FED tăng lãi suất.

Trong khi đó, giới chuyên gia thì lại không đánh giá cao nhiều về CP hàng không. Một chuyên gia của Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) chia sẻ rằng, hàng không là một ngành khá khắc nghiệt, khó kiếm ra lợi nhuận, nên nhà đầu tư tài chính thông thường ít quan tâm đến CP ngành này...

“So sánh với các hãng không trên thế giới thì chỉ có một số hãng hàng không như Singapore Airlines, Ryanair mang lại lợi ích lâu dài cho cổ đông; phần lớn CP hàng không như Cathay, Thai, Malaysian, Qantas,… đều không mang lại lợi ích mong đợi cho cổ đông. Thế nên có thể CP HVN sẽ thu hút cổ đông trong nước, nhà đầu tư nhỏ lẻ chứ khó thu hút thêm cổ đông chiến lược nào ngoài khả năng cổ đông chiến lược hiện hữu của HVN là Tập đoàn Hàng không Nhật Bản ANA Holdings Inc có thể sẽ chi thêm tài chính để tăng tỷ lệ sở hữu”, chuyên gia này nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem