Rừng cạn kiệt, nhà dân... chất đầy gỗ quý

Thứ sáu, ngày 16/12/2011 12:50 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ thị trấn Quỳ Hợp, theo đường 48C, sau chặng đường dài hơn 80km là đến địa bàn xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông. Rảo nhanh một vòng, chúng tôi thấy ở hầu hết các sân nhà dân đều chất gỗ.
Bình luận 0

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống rộng hơn 49.806 ha, trải rộng trên 12 xã thuộc 5 huyện miền núi Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Tương Dương và Con Cuông (tỉnh Nghệ An), có nhiều loại gỗ quý, hiếm. Với tốc độ tàn phá của lâm tặc hiện nay, gỗ rừng Pù Huống đã cạn kiệt...

Gỗ rừng ở khắp nhà dân

Từ thị trấn Quỳ Hợp, theo đường 48C, sau chặng đường dài hơn 80km là đến địa bàn xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông (đây là tuyến đường đã xảy ra vụ lật xe gỗ làm 10 phu gỗ chết thảm). Rảo nhanh một vòng, chúng tôi thấy ở hầu hết các sân nhà dân đều chất gỗ. Trên đường, hàng chục người dân, có cả trẻ em đánh trâu kéo những khúc gỗ lớn đi nghênh ngang, thỉnh thoảng 1 chiếc xe tải chở đầy gỗ không cần phủ bạt phóng ào qua.

img
Một bộ khung nhà gỗ sắp được dựng ở xã Châu Lý (huyện Quỳ Hợp).

Ông Vi Văn Hón (62 tuổi) ở xã Nam Sơn (Quỳ Hợp) cho biết: “Sau khi xảy ra xe gỗ bị lật sáng 7.12 thấy ít xe gỗ chạy qua, chứ trước đây xe chở gỗ chạy cả ban ngày lẫn ban đêm nhiều lắm”.

Tại xã Nam Sơn, hàng trăm ngôi nhà sàn đồ sộ mọc lên san sát, có những ngôi nhà đang dựng, chúng tôi ước tính cũng phải mất cả ngàn cây gỗ mới đủ. Tại 12 thôn bản của xã Nam Sơn, ghi nhận sơ bộ có hàng trăm nhà dân trữ gỗ lậu. Có những tấm pơ mu, đinh hương để làm dong rộng cỡ 1m, dài 4m...

Chúng tôi vào một ngôi nhà sàn, thấy gỗ rải la liệt, trước sân, khắp vườn. Một người hàng xóm cho biết, đây là nhà của đầu nậu gỗ Lang Văn Tuất, nhưng mấy hôm nay không biết đi đâu. Hỏi người hàng xóm: “Xã này tập kết nhiều gỗ vậy mà kiểm lâm không bắt à”, anh ta cười: “Bắt gì? Trước giờ chẳng ai bắt cả. Dân chúng tôi là dân gỗ, từ bé đã quen với vào rừng lấy gỗ rồi. Không có gỗ, chúng tôi sống thế nào được”.

Chính người hàng xóm này dẫn chúng tôi qua bản Chọng, xã Châu Lý, Quỳ Hợp (nơi có 10 phu gỗ tử nạn). Cũng như ở Nam Sơn, hầu hết nhà sàn ở đây đều trữ gỗ, đủ loại gỗ bẹp, gỗ tròn, gỗ phiến, toàn những loại quý hiếm như trai, pơ mu, đinh hương, táu... Ở trung tâm bản mọc lên ngôi nhà sàn lớn, ngoài cổng có 1 chiếc xe ben chuyên dụng có trang bị cần cẩu để chở gỗ và một chiếc xe công nông đầu ngang. Hỏi ra mới biết đó cũng là nhà một đầu nậu gỗ...

Dễ dàng qua mặt kiểm lâm

Dọc suốt chiều dài hơn 80km hai bên Quốc lộ 48C từ xã Châu Thái đến xã Bình Chuẩn, chúng tôi đếm được 12 xưởng cưa. Không nói thì ai cũng biết, những xưởng cưa này đang góp phần làm cho gỗ trong rừng Pù Huống cạn kiệt nhanh hơn. Còn ở xã Châu Lý và xã Bình Chuẩn, có những hàng bán cả cưa xăng. “Nhiều hộ dân ở đây trang bị cưa xăng để khai thác gỗ” - một thanh niên tên Hùng cho biết.

Ông Nguyễn Trọng Lễ - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Quế Phong cho biết: “Sau khi UBND huyện thành lập 2 đội công tác truy quét, Hạt Kiểm lâm đã vào cuộc quyết liệt nhưng việc ngăn chặn nạn vận chuyển gỗ lậu rất khó khăn do lâm tặc theo dõi kiểm lâm rất kỹ để đối phó và sẵn sàng chống trả khi bị phát hiện, truy đuổi”.

Người dân 5 xã Châu Thái, Châu Lý, Bắc Sơn, Nam Sơn, Bình Chuẩn có nghề “chặt gỗ” truyền thống. “Mỗi ngày có hàng chục người vào rừng lấy gỗ, chủ yếu là gỗ lậu được khai thác ở rừng đặc dụng Pù Huống. Bây giờ gỗ quý như trai, pơ mu, đinh hương, sến, chò chỉ cạn kiệt rồi” - Hùng khẳng định.

Trên đường ngược lên huyện Quế Phong, chúng tôi chứng kiến hàng chục lâm tặc sử dụng xe gắn máy không biển số chở những khúc gỗ “khủng” nối đuôi nhau phóng như bay trên Quốc lộ 48 và tuyến đường qua các xã Hạnh Dịch, Thông Thụ, Tiền Phong...

Một điều chúng tôi ngạc nhiên là trên địa bàn 5 xã Châu Thái, Châu Lý, Bắc Sơn, Nam Sơn, Bình Chuẩn có 4 trạm kiểm soát lâm sản (gồm cả của Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Trạm Kiểm lâm huyện Quỳ Hợp, Con Cuông), dọc tuyến Quốc lộ 7A, Quốc lộ 48A có hàng chục trạm kiểm lâm nhưng vẫn để cho lâm tặc qua mặt.

Sự buông lỏng kiểm tra, kiểm soát (và có thể cả sự dung túng) đã khiến khu dự trữ sinh quyển miền tây Nghệ An ngày một teo tóp. Chính Đội trưởng Đội kiểm lâm cơ động số 1 Chi cục Kiểm lâm Nghệ An - ông Lê Xuân Đình phải thốt lên: “Mỗi năm có hơn ngàn khối gỗ trôi về xuôi”...

Trao đổi với NTNN, ông Dương Ngọc Hùng - Giám đốc Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống thừa nhận: “Việc gỗ chất dưới sàn nhà của nhiều hộ dân là có thật. Trong đó, có người mua về, có người trực tiếp đi khai thác”.

Công an triệu tập thêm 2 kiểm lâm

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An đã gửi giấy triệu tập 2 cán bộ Hạt Kiểm lâm Pù Huống vì liên quan đến xe gỗ bị lật ở dốc Pù Huột (xã Bình Chuẩn, huyện Con Cuông) rạng sáng 7.12. Đó là Ngô Ngọc Tuấn và Cao Văn Phúc của Trạm Kiểm lâm Nga My (đóng tại huyện Tương Dương) thuộc Hạt Kiểm lâm Pù Huống. Vào ngày 16.12, 2 cán bộ này sẽ có mặt tại Công an tỉnh Nghệ An để làm việc. Hai kiểm lâm viên này có mặt trên ôtô 4 chỗ đậu ở xã Xiêng My khi xe tải (gặp nạn sau đó) bốc gỗ lậu. Khi xảy ra tai nạn, chiếc xe 4 chỗ quay lại đưa 2 cán bộ kiểm lâm Thắng và Hùng đi cấp cứu trong đêm, để mặc những phu gỗ chết và bị thương tại hiện trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem