Quyền Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn: "Phải có những giải pháp đột phá nâng tầm bóng đá Việt Nam"

Minh Đức (thực hiện) Thứ bảy, ngày 05/11/2022 07:10 AM (GMT+7)
Ông Trần Quốc Tuấn - Quyền Chủ tịch VFF khẳng định bóng đá Việt Nam đã giành được những thành tích đáng tự hào trong 4 năm qua. Và để tiếp nối, nâng tầm bóng đá Việt Nam, VFF khóa IX nhiệm kỳ 2022-2026 cần phải có những giải pháp mang tính đột phá.
Bình luận 0

Ngày mai (6/1), sẽ diễn ra Đại hội Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) khóa IX nhiệm kỳ 2022-2026. Trong nhiệm kỳ 2018-2022 đã qua, bóng đá Việt Nam đã đạt được những thành công mang tính lịch sử ở các cấp độ đội tuyển.

Dấu ấn lớn nhất là ĐT bóng đá nam Việt Nam lọt tới vòng loại cuối World Cup 2022 khu vực châu Á; và ĐT bóng đá nữ Việt Nam giành vé dự VCK World Cup nữ 2023.

Trước thềm Đại hội VFF, ông Trần Quốc Tuấn - Quyền Chủ tịch VFF, ứng viên duy nhất cho vị trí Chủ tịch VFF khóa IX, nhiệm kỳ 2022-2026 đã trả lời phỏng vấn Dân Việt:

Quyền Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn: "Phải có những giải pháp đột phá nâng tầm bóng đá Việt Nam" - Ảnh 1.

Quyền Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn nhìn nhận bóng đá Việt Nam đã giành được những thành tích rất đáng tự hào trong giai đoạn 2018-2022. Ảnh: VFF

Thưa ông, với những thành công mà bóng đá Việt Nam giành được trong giai đoạn 2018-2022, nhiệm kỳ VFF khóa VIII được đánh giá là nhiệm kỳ thành công nhất trong lịch sử. Vậy quan điểm của ông ra sao?

- Như chúng ta đã biết, trong giai đoạn 4 năm vừa qua của nhiệm kỳ VFF khóa VIII, bóng đá Việt Nam đã đạt được những thành tích rất đáng tự hào ở các cấp đội đội tuyển, trong đó có những thành tích mang tính lịch sử, mở ra cơ hội để chúng ta có thể tiệm cận nhanh hơn với trình độ bóng đá châu lục và thế giới. 

Hai dấu son lịch sử có thể kể đến là sự kiện ĐT Việt Nam lọt vào vòng loại cuối Worl­d Cup Qatar 2022 và ĐT nữ Việt Nam lần đầu tiên góp mặt tại đấu trường World Cup nữ 2023. Bên cạnh đó, việc giành được HCV trong 2 kỳ SEA Games liên tiếp của bóng đá nam cũng đã mang đến niềm phấn khởi cho đông đảo người hâm mộ sau 60 năm chờ đợi.

Quyền Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn: "Phải có những giải pháp đột phá nâng tầm bóng đá Việt Nam" - Ảnh 2.

Chủ tịch FIFA Gianni Infantino (bên phải) và Chủ tịch AFC Salman bin Ebrahim Al Khalifa chúc mừng Quyền Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn sau khi ĐT nữ Việt Nam giành vé dự World Cup nữ 2023. Ảnh: VFF

Cá nhân tôi cảm thấy rất vui mừng và tự hào khi những thành quả của bóng đá Việt Nam trong nhiệm kỳ vừa qua đã nhận được sự ghi nhận và đánh giá cao của dư luận xã hội trong và ngoài nước. Tuy vậy, bóng đá là môn thể thao dựa vào sức mạnh tập thể và có tính kế thừa rất cao. Để đánh giá về thành công của một nhiệm kỳ chúng ta cần phải xem xét một cách toàn diện và trên nhiều khía cạnh. 

Cũng giống như câu chuyện lần đầu tiên lọt vào vòng loại cuối World Cup 2022 khu vực châu Á của ĐT Việt Nam, chúng ta cần hiểu rằng đó là cả một chặng đường dài phấn đấu. Từ việc phát triển hệ thống thi đấu quốc gia cho đến đầu tư cho bóng đá trẻ, rồi các chương trình tập huấn dành cho các đội tuyển; từ đó dẫn đến kết quả là sự trưởng thành của các thế hệ cầu thủ tài năng, đặc biệt là lứa cầu thủ từng tham dự VCK FIFA U20 World Cup năm 2017 và hiện đang là trụ cột của ĐT Việt Nam. 

Vì vậy, chúng ta cần trân trọng những đóng góp to lớn trong lịch sử các nhiệm kỳ VFF khi đã tiếp nối thành quả, kế thừa các bài học kinh nghiệm và nỗ lực vun đắp nền tảng cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam. 

Tôi cho rằng, nhiệm kỳ VFF khóa VIII, sắp tới là khóa IX và các nhiệm kỳ kế tiếp cũng đều thực hiện nhiệm vụ phát triển bóng đá Việt Nam trên nền tảng đó.

Để có được những thành công như vậy, đặc biệt trong thời điểm bóng đá Việt Nam và toàn thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, chắc hẳn ông cùng các cộng sự đã phải làm việc rất vất vả…

- Đại dịch Covid-19 bùng phát trên quy mô toàn cầu và gây ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có bóng đá. Nhìn lại giai đoạn khó quên đó, mỗi người trong chúng ta ai cũng đều phải đối diện với những khó khăn và vất vả. 

Nhưng với tôi thì nó chỉ phần nhỏ nếu so với sự vất vả và những hi sinh thầm lặng của các y bác sỹ, lực lượng y tế và của các đội ngũ nơi tuyến đầu chống dịch. Tôi và các thành viên trong ngôi nhà bóng đá Việt Nam chỉ cố gắng, nỗ lực hết sức để hoàn thành tốt công việc của mình.

Ông có thể chia sẻ về khoảng thời gian bận rộn nhất, lo lắng nhất cho các ĐTQG Việt Nam so tài trên đấu trường quốc tế?

- Hàng năm VFF tổ chức và phối hợp tổ chức không dưới 20 giải đấu quốc nội chưa kể đến các giải đấu quốc tế; đồng thời phải lo đảm bảo kế hoạch hoạt động cho 14 đội tuyển ở các cấp độ. 

Chỉ nhìn vào con số đó thôi chúng ta đã có thể hình dung ra một khối lượng công việc rất lớn trong khi quỹ thời gian thì lại có hạn, đòi hỏi cả bộ máy phải hoạt động hết công suất mới có thể đáp ứng được các yêu cầu đặt ra. Thậm chí trong giai đoạn toàn bộ các giải đấu bị ngưng trệ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì bộ máy ấy vẫn phải duy trì vận động để đảm bảo các cầu thủ, các đội tuyển luôn ở trong trạng thái sẵn sàng khi các hoạt động bóng đá được tiến hành trở lại.

Quyền Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn: "Phải có những giải pháp đột phá nâng tầm bóng đá Việt Nam" - Ảnh 3.

Ông Trần Quốc Tuấn cùng tập thể VFF đã hoạt động hết công suất để giúp bóng đá Việt Nam phát triển ổn định trong giai đoạn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Ảnh: Đàm Duy

Đơn cử như năm 2020 - 2021, khi mà các giải đấu trong nước có giai đoạn phải tạm dừng để phòng chống dịch thì VFF vẫn phải suy nghĩ các giải pháp làm sao để các đội tuyển có thể tập trung, tập huấn trong điều kiện cho phép để chuẩn bị cho nhiệm vụ quốc tế. 

Rất may mắn là bóng đá Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ và tạo điều kiện của Chính phủ, sự hỗ trợ và phối hợp của các Bộ, Ngành nên đã giúp cho các kế hoạch tập trung, tập luyện của các đội tuyển vẫn được duy trì và đảm bảo cho công tác phòng chống dịch.

Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 lan rộng trên toàn thế giới, được sự ủng hộ từ Chính phủ và quyết tâm của VFF, trận đấu play-off vòng loại cuối Olympic Tokyo 2020 giữa ĐT nữ Việt Nam và ĐT nữ Australia, 5 lượt trận đấu thuộc vòng loại cuối FIFA World Cup 2022 trên sân nhà của ĐT Việt Nam đã được tổ chức thành công, trong điều kiện an toàn tuyệt đối, nhận được sự đánh giá cao của FIFA và AFC. Với tôi, đó cũng chính là quãng thời gian bận rộn nhất, lo lắng nhất cho các đội tuyển quốc gia tham gia thi đấu tại đấu trường quốc tế.

Ông có phải suy nghĩ, trăn trở nhiều không khi ứng cử Chủ tịch VFF – vị trí "đững mũi chịu sào" và sẽ phải nhận rất nhiều áp lực từ sự kỳ vọng của các cấp lãnh đạo, người hâm mộ trong nhiệm kỳ IX với mục tiêu giành vé dự World Cup 2026 của ĐT Việt Nam; đặc biệt khi ông còn là Ủy viên thường vụ AFC, Trưởng ban thi đấu AFC?

- Tôi nghĩ công việc nào, vị trí nào cũng đều có những áp lực riêng. Chúng ta không thể lẩn tránh mà phải đối diện để có giải pháp xử lý và hoàn thành trách nhiệm của mình.

Hơn nữa, VFF hoạt động theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, trong đó Đại hội là cơ quan lãnh đạo cao nhất, BCH là cơ quan quản lý, giám sát và tổ chức các hoạt động phát triển bóng đá theo tinh thần Nghị quyết của Đại hội. 

Chúng ta có thể thấy trong nhiệm kỳ vừa qua, tập thể BCH VFF đã phát huy rất hiệu quả vai trò của mình, quyết nghị nhiều nội dung quan trọng đối với hoạt động phát triển bóng đá Việt Nam. 

Về phía Thường trực BCH cũng luôn bám sát, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ công tác, kịp thời có những giải pháp mang tính đột phá, định hướng đối với các mặt công tác của VFF, đặc biệt là các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hệ thống thi đấu các giải bóng đá, cũng như các kế hoạch liên quan đến các đội tuyển. 

Với một cơ chế hoạt động đề cao sức mạnh tập thể và phát huy tối đa năng lực của các cá nhân như vậy chắc chắn sẽ hỗ trợ và giảm tải rất nhiều áp lực cho những người "đứng mũi chịu sào".

Nếu trúng cử Chủ tịch VFF khóa IX nhiệm kỳ 2022-2026, ông sẽ quyết tâm làm mới, thay đổi những điều gì để bóng đá Việt Nam tiếp đà phát triển?

- Theo quan điểm cá nhân tôi, để tiếp nối thành tích đạt được và đưa bóng đá Việt Nam tiệm cận với trình độ cao hơn thì cần phải có những giải pháp mang tính đột phá và có tính khả thi. Đây thực sự là khó khăn và thử thách. 

Trước mắt, chúng ta vẫn phải giải quyết thật tốt một số bài toán cơ bản sau: Thứ nhất là phát triển cơ sở vật chất phục vụ tập luyện và thi đấu. 

Thứ hai là tiếp tục đặt trọng tâm vào phát triển bóng đá trẻ và tạo sự ổn định đối với hệ thống bóng đá chuyên nghiệp. 

Thứ ba là nâng cao chất lượng các giải đấu trong nước và định hướng xây dựng kế hoạch tổ chức của các Giải thuộc hệ thống thi đấu trong nước phù hợp với hệ thống thi đấu của FIFA và AFC. 

Thứ tư là phải có sự đầu tư quyết liệt để nâng cao thành tích thi đấu cho các đội tuyển trẻ, làm sao để có thể thường xuyên tham dự VCK các giải đấu của AFC nhằm tích lũy kinh nghiệm, nâng cao trình độ cho các cầu thủ.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải có những giải pháp đột phá hơn nữa trong công tác tập huấn, thông qua các mối quan hệ quốc tế. 

Trước đây chúng ta chỉ tập trung ở Nhật Bản hoặc Hàn Quốc và một số quốc gia Tây Á, còn bây giờ VFF đã có định hướng đưa các đội trẻ QG đến tập huấn ở các quốc gia có nền bóng đá phát triển cao hơn tại châu Âu để chúng ta có cơ hội tiệm cận với trình độ đỉnh cao của thế giới và châu lục. 

Ngoài ra, việc huy động các nguồn lực để đảm bảo tài chính ổn định phục vụ các hoạt động bóng đá là rất quan trọng. Chúng ta muốn tiệm cận trình độ thế giới thì phải có sự đầu tư tưng xứng. Có như vậy thì chúng ta mới thu dần khoảng cách và cải thiện được năng lực chuyên môn của mình, cũng như thực hiện được các kế hoạch mà chúng ta đặt ra trong nhiệm kỳ tới.

Xin cảm ơn ông! Chúc Đại hội VFF khóa IX nhiệm kỳ 2022-2026 thành công tốt đẹp và bóng đá Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển ổn định, bền vững, chinh phục được những cột mốc mới trong thời gian tới!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem